Trước khi nói về chiến dịch quân sự Nga đang tiến hành nhằm tấn công IS tại Syria, hãy nói về ảnh hưởng và sức sống lâu dài của văn hoá Nga đối với những ai đã có may mắn được tiếp xúc với nền văn hoá ấy.
Trong những năm tháng kháng chiến giải phóng dân tộc, có rất nhiều người Việt Nam đã được sang học tập tại Liên Xô. Với họ, không khó để bật ra những ca từ say đắm của các ca khúc “Đôi bờ”, “Chiều Mát-xcơ-va”, “Thời thanh niên sôi nổi”…hoàn toàn bằng tiếng Nga.
Một người từng được đào tạo cơ khí ở Liên Xô, về Việt Nam làm việc từ năm 1977, khi về hưu kiếm thêm thu nhập bằng nghề sửa xe đạp. Mỗi khi có khách sửa xe bàn luận về tình hình nước Nga trong những ngày này, ông lại say mê kể về những ngày sống ở Nga, con người Nga, văn hoá Nga, bằng tất cả niềm yêu mến, và khẳng định nay vẫn có thể giao tiếp trôi chảy bằng tiếng Nga, cho dù đã rời xa đất nước ấy gần 40 năm.
Biên đội SU-25 của không quân Nga xuất kích thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: TASS |
Trong lĩnh vực quân sự, đặc biệt là phòng không, không quân, vũ khí Nga luôn khẳng định được ưu thế vượt trội và có chỗ đứng vững chắc.
Hãy lấy ví dụ về những loại vũ khí đã được Nga viện trợ cho Việt Nam những năm kháng chiến.
Những chiếc Mig-17 nhỏ bé, từng bị đánh giá thấp lúc bấy giờ, đã từng cùng các phi công quân sự Việt Nam hạ gục nhiều loại máy bay hiện đại của đối phương. Hẳn nhiều người đã biết và vẫn nhớ anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Bảy-người đã sử dụng Mig-17, bắn rơi tới 7 máy bay hiện đại của đối phương.
Mig-21 trong chiến tranh Việt Nam cũng đã lập nhiều chiến công xuất sắc. Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Cốc là một phi công Mig-21 điển hình, hạ tới 9 máy bay của đối phương.
Ngoài ra, danh sách những phi công quân sự “lái máy bay Nga”, bắn rơi một vài máy bay địch thì quá dài để có thể liệt kê.
Không chỉ máy bay mà các loại tên lửa phòng không do Nga cung cấp cho Việt Nam lúc bấy giờ cũng phát huy sức mạnh đáng kinh ngạc. Chỉ riêng trong Chiến dịch Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không tháng 12/1972, tên lửa phòng không của Việt Nam đã hạ gục 29 máy bay B-52 của đối phương.
Đặc biệt hơn, nhiều sĩ quan phòng không-không quân Việt Nam điều khiển các loại máy bay, tên lửa hiện đại đó được đào tạo bài bản từ Nga; là lực lượng chủ chốt của bộ đội phòng không-không quân khi đó.
“Hữu xạ tự nhiên hương”, văn hoá hay những ưu việt về khoa học kỹ thuật quân sự Nga được khẳng định một cách thật tự nhiên, bằng giá trị vốn có của nó…
Góc nhìn khác
"Hiệu quả", đó là đánh giá của dư luận, cũng như xác nhận của Nga về các cuộc tấn công vào lực lượng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS tại Syria.
Vậy nhưng, chiến dịch quân sự do Nga tiến hành theo đề nghị của Tổng thống Syria Bashar al Assad, còn mang lại hiệu quả khác biệt, khi nhìn từ góc độ khác.
Chiến dịch này đang tôn vinh văn hoá, trong đó có ngôn ngữ Nga, cũng như khiến nhiều quốc gia “mê” vũ khí Nga, đặc biệt là các phi cơ chiến đấu.
Một "làn sóng" mong muốn học tiếng Nga trong thanh, thiếu niên Syria đã hình thành. Từ tháng 9 này, 4.500 học sinh ở tỉnh Latakia (nơi có lực lượng không quân Nga thực hiện nhiệm vụ), sẽ được học tiếng Nga, Sputnik dẫn lời một quan chức ngành giáo dục của tỉnh này.
|
Dễ hiểu vì sao học sinh Syria lại thích học tiếng Nga, vì “cư dân chúng tôi rất cảm ơn nước Nga đã giúp đỡ trong cuộc chiến chống khủng bố. Họ tự hào về tình bạn với cường quốc hùng mạnh này. Họ nhìn thấy ở đó những triển vọng”, Sputnik tiếp tục dẫn lời một cán bộ giáo dục khác.
Một hiệu quả to lớn khác từ việc Nga không kích IS, đó là vũ khí Nga-cụ thể là máy bay, vũ khí phòng không-đang được một số nước quan tâm.
Theo Sputnik, các nước Trung Đông đang có sự quan tâm đột biến đến vũ khí từ Nga do tình hình bất ổn trong khu vực, và vì “vũ khí Nga được chế tạo không phải cho các cuộc diễu hành mà để giải quyết các nhiệm vụ chiến đấu phức tạp nhất trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt”.
Nhận định trên dường như có “mối liên hệ” nhất định với các chiến đấu cơ Nga đang sử dụng để không kích IS tại Syria.
Tuy bị cho rằng là các loại máy bay "già cỗi", song các cường kích cơ SU-24, SU-25 lại hoạt động khá hiệu quả tại chiến trường Syria và là 2 loại máy bay chủ chốt của Nga trong chiến dịch này.
Cần nói thêm rằng, SU-22, loại máy bay được Liên Xô phát triển vào cuối những năm 1960, hiện vẫn được Không quân nhân dân Việt Nam sử dụng và phát huy tốt tính năng kỹ, chiến thuật trong các cuộc bắn ném bom, đạn thật khi diễn tập cũng như kiểm tra kết quả huấn luyện hằng năm.
Đây là khẳng định sinh động, chắc chắn cho tính ưu việt của máy bay Nga; đồng thời là cơ sở để nhìn nhận, xem xét một số đánh giá thấp về khả năng của máy bay cũng như kết quả các cuộc không kích của Nga tại Syria.
Rõ ràng, với những gì đang diễn ra, có thể thấy chiến dịch quân sự do Nga tiến hành tại Syria không chỉ dừng lại ở kết quả là thành trì, vũ khí, sinh lực IS bị tiêu diệt, mà qua cuộc chiến này, “danh tiếng” của Nga đang gia tăng nhanh chóng./.