Không bên nào chịu nhượng bộ trước

Tuần trước, các lực lượng của Nga đã đối đầu với tàu chiến của Anh và Hà Lan di chuyển qua vùng biển gần Bán đảo Crimea. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, tàu của nước này đã bắn cảnh cáo để đuổi tàu khu trục HMS Defender của Anh ra khỏi khu vực Biển Đen ngoài khơi Bán đảo Crimea. Anh đã phủ nhận tuyên bố của Nga, đồng thời khẳng định vào thời điểm đó tàu HMS Defender đang thực hiện một chuyến quá cảnh vô hại trong lãnh hải Ukraina. Hà Lan cũng lên tiếng cáo buộc các máy bay chiến đấu của Nga có những hành vi “nguy hiểm” với khinh hạm HNMLS Evertsen nước này.

Biển Đen từ lâu đã trở thành điểm nóng căng thẳng trong cuộc đối đầu giữa Nga với phương Tây. Cuộc khủng hoảng tại Ukraine khiến khu vực này ngày càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn. Sự kiện sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014 giúp Nga tạo lập được một tiền đồn vững chãi ở Biển Đen cùng với căn căn cứ hải quân hiện có ở thành phố ven biển Sevastopol. Nhưng hành động đó đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ NATO, khiến Nga hứng chịu một loạt đòn trừng phạt.

Ông Mark Simakovsky, chuyên gia cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương nhận xét rằng: “Biển Đen là một trong những khu vực có khả năng khơi mào xung đột giữa Nga và Mỹ”. Theo ông Mark Simakovsky, cả hai rất lo ngại về nguy cơ này nhưng không nước nào chịu nhượng bộ trước.

Thời gian gần đây, cả Nga và NATO thường xuyên tiến hành tập trận tại Biển Đen trong một động thái nhằm răn đe lẫn nhau. Mới nhất hôm 3/7, quân đội Nga cho biết, các máy bay chiến đấu của nước này đã thực hành diễn tập ném bom tàu địch ở Biển Đen trong bối cảnh Mỹ và Ukraine dẫn đầu cuộc tập trận hải quân đa quốc gia Sea Breeze 2021.

Theo Hải quân Mỹ, cuộc tâp trận có sự tham gia của 32 quốc gia, 5.000 binh sỹ, 32 tàu và 40 máy bay. Đây là bằng chứng cho thấy cam kết của Mỹ nhằm đảm bảo một khu vực Biển Đen tự do và ổn định, Trung uý Matthew Comer - phát ngôn viên Hạm đội 6 của Mỹ, khẳng định.

“Có rất nhiều thông tin sai lệch đe dọa sự ổn định của tuyến đường thủy quốc tế quan trọng này. Các hoạt động của chúng tôi trong khuôn khổ cuộc tập trận Sea Breeze được tiến hành để xây dựng sự gắn kết giữa các đồng minh và đối tác, không nhằm phản ứng với bất cứ sự kiện thực tế nào”.

Những cáo buộc đầy chủ ý

Tập trận ở Biển Đen là được coi cách thức để Mỹ và đồng minh gây sức ép lên Nga mà không gây rủi ro cho Ukraine. Qua đó, Mỹ cũng muốn gửi đi tín hiệu rằng Washington và các đồng minh phương Tây sẽ không để Nga dễ bề kiểm soát  tuyến đường thủy quan trọng này.

Phát biểu với Newsweek, một quan chức NATO cho biết, liên minh này sẽ không thay đổi hoạt động bất chấp sự phản đối của Nga. “Các tàu của NATO thường xuyên hoạt động và tuần tra tại Biển Đen, phù hợp với luật pháp quốc tế. NATO ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong các biên giới được quốc tế công nhận, kéo dài đến vùng lãnh hải của họ. Chúng tôi sẽ không công nhận việc Nga sáp nhập Crimea vì đây là hành động bất hợp pháp”.

Về phần mình, Nga luôn coi các cuộc tập trận của NATO là thách thức đối với quyền kiểm soát Bán đảo Crimea, là nỗ lực hỗ trợ chính phủ Ukraine và mối đe dọa đối với an ninh của Nga.  

Theo giới phân tích, các hoạt động của Mỹ và NATO tại khu vực này đã gây trở ngại lớn cho việc thực hiện một số tham vọng địa chính trị của Nga. Biển Đen đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga và đây cũng là tuyến đường chính giúp Moscow triển khai sức mạnh quân sự tới Địa Trung Hải và xung quanh bờ biển của châu Âu, châu Phi và Trung Đông.

Tổng thống Nga Putin đã đổ lỗi cho NATO về các cuộc đối đầu. Ông cáo buộc Mỹ và Anh đã thực hiện “hành vi khiêu khích phức tạp” để buộc Nga phải phản ứng và cho rằng vụ việc nằm trong kế hoạch của phương Tây nhằm thiết lập căn cứ quân sự tại Ukraine hoặc một khu vực gần đó.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 1/7 nhấn mạnh: “Washington và các đồng minh đã nhất quán trong việc biến Biển Đen từ khu vực của sự hợp tác thành khu vực đối đầu mạnh mẽ. Động thái này được thực hiện một cách có chủ ý dưới sự dẫn dắt của Mỹ, biến một khu vực khác trên thế giới trở nên bất ổn”.

Trò chơi “mèo vờn chuột”

Thế nhưng, nhà phân tích Simakovsky cho rằng, tình hình hiện tại đều phần nào có lợi cho cả Nga lẫn phương Tây. Ông mô tả đây là “vũ điệu ngoại giao, chính trị và quân sự điển hình giữa Moscow và Washington”.

Tổng thống Putin muốn đẩy lùi sự hiện diện của phương Tây và bảo vệ tầm ảnh hưởng của Nga ở Biển Đen, trong khi Mỹ và các đồng minh trong khối NATO khẳng định sự ủng hộ của họ đối với Ukraine và muốn gây sức ép với Nga. Theo chuyên gia Simakovsky, hành động của Nga bắn cảnh cáo tàu khu trục HMS Defender của Anh hay điều chiến đấu cơ chặn tàu Hà Lan là “điều táo bạo và khác thường”, nhưng “cả hai bên đang đạt được những gì họ muốn từ vụ việc này”.

Sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh tại Brussels vào tháng 6/2021, NATO đã ra tuyên bố chung tái khẳng định sự hiện diện ở Biển Đen và tuyên bố tiếp tục hậu thuẫn Ukraine, Gruzia và Moldova. Cả Ukraine và Gruzia đều đang theo đuổi kế hoạch trở thành thành viên NATO, bất chấp sự phản đối của Nga.

"Chúng tôi kêu gọi Nga đảo ngược việc xây dựng quân đội và dỡ bỏ các hạn chế hàng hải ở Biển Đen. Chúng tôi cũng kêu gọi Nga ngừng cản trở việc tiếp cận Biển Azov và các cảng của Ukraine”, tuyên bố nêu rõ.

Trong quá khứ, các lực lượng của Nga đã nhiều lần chạm trán với tàu của NATO, trong đó có cả tàu của Hải quân Mỹ. Các vụ chặn máy bay quân sự giữa hai bên cũng thường xuyên diễn ra trên Biển Đen.

Theo giới phân tích, Biển Đen sẽ vẫn là một khu vực căng thẳng dù hiện tại căng thẳng này khó bùng phát thành một cuộc xung đột nghiêm trọng.

“Chắc chắn sẽ có sự cạnh tranh tiềm ẩn giữa Nga và Mỹ tại khu vực mà Nga cho là nằm dưới tầm ảnh hưởng của nước này. Chừng nào Mỹ còn khẳng định sự hợp tác và ủng hộ các đồng minh cùng đối tác ở Đông Âu, thì chừng đó đối đầu giữa Nga – Mỹ trên Biển Đen sẽ vẫn luôn tồn tại”./.