"Ai cũng biết rằng mọi tổ hợp Patriot, kể cả phiên bản PAC-3+, đều kém hơn S-300 của Nga, chứ chưa bàn đến S-400. Không có tổ hợp nào tốt hơn các tên lửa phòng không Nga về tầm bắn, số mục tiêu có thể theo dõi, tấn công cùng lúc hay vận tốc của mục tiêu. Tổ hợp của chúng tôi đánh bại Patriot PAC-3+ ở tất cả các thông số này", Sputnik ngày 25/10 dẫn tuyên bố của Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin.
Theo Fomin, các tổ hợp Patriot chỉ có thể bắn hạ mục tiêu có vận tốc 2.000 m/s, trong khi các tên lửa Nga có thể diệt mục tiêu có vận tốc 4.700 m/s. Ông lưu ý các mục tiêu có tốc độ lớn như vậy hiện chưa được phát triển và chỉ có thể xuất hiện vào những năm 2040 đến 2050.
Thứ trưởng Quốc phòng Nga cho rằng đây là lý do nhiều nước trên thế giới quan tâm và đặt mua tên lửa S-300, S-400 của Nga. "Mọi người đều hiểu điều này và nhận ra không hệ thống phòng không nào tốt hơn của chúng tôi", ông nói. "Họ đặt mua chúng bất chấp đe dọa trừng phạt từ phía Mỹ".
Biên tập viên Sebastien Roblin của National Interest nhận xét trong 20 năm qua, Mỹ tập trung phát triển khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo nên tên lửa phòng không của họ không phù hợp để đối phó với tiêm kích hay tên lửa hành trình đối phương, do đó các tổ hợp phòng không của Nga là lựa chọn tối ưu.
Ấn Độ vừa ký hợp đồng mua hệ thống phòng không S-400 trị giá hơn 5 tỷ USD của Nga, Trung Quốc cũng đưa S-400 vào biên chế trong năm nay và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ biên chế tổ hợp phòng không này vào cuối năm 2019.
Nhiều quốc gia như Saudi Arabia hay Qatar cũng bày tỏ quan tâm tới S-400 dù phải đối mặt với nguy cơ bị Mỹ áp đặt cấm vận theo Đạo luật Chống đối thủ thông qua Lệnh trừng phạt (CAATSA)./.
Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ chọn mua S-400 của Nga?