Một quan chức ngoại giao cấp cao giấu tên của Hàn Quốc cho biết, hai bên đã có 3 ngày thảo luận ở đảo Honolulu, Hawaii về Thỏa thuận Các giải pháp Đặc biệt (SMA) theo đó quy định phần đóng góp của Hàn Quốc cho Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK). Đây là vòng đàm phán thứ 9 về thỏa thuận chia sẻ chi phí này. Thỏa thuận có hiệu lực từ năm 2014 và sẽ hết hạn vào cuối năm nay.

chi_phi_quan_su_my_han_lyiq.jpg
Hàn Quốc và Mỹ vẫn chưa đạt được thỏa thuận về việc chia sẻ chi phí quân sự. Ảnh: Yonhap

“Đã có một số bước tiến, những không đạt được thỏa thuận cuối cùng”, Quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết. Ông nhấn mạnh, những bất đồng vẫn còn tồn tại về việc Hàn Quốc sẽ phải đóng góp bao nhiêu. Quan chức này cũng so sánh tiến trình đàm phán hiện nay giống như việc leo núi, và giai đoạn cam go nhất là trước khi lên đến đỉnh.

Mỹ và Hàn Quốc dự kiến tổ chức vòng đàm phán tiếp theo tại Hàn Quốc vào đầu tháng 12/2018. Phía Hàn Quốc vẫn muốn kết thúc đàm phán trước cuối nam nay.

Mỹ đã kêu gọi Hàn Quốc đóng góp nhiều hơn so với mức 960 tỷ won (850 triệu USD) mỗi năm hiện nay.

“Mục đích của chúng tôi tất nhiên là muốn giảm tối đa phần tăng thêm”, quan chức giấu tên của Hàn Quốc nói.

Đối với người đóng thuế Hàn Quốc, 1.000 tỷ won là con số quan trọng về mặt tâm lý, mặc dù họ thừa nhận vai trò quan trọng của USFK trong việc bảo vệ Hàn Quốc.

Có một vấn đề là không có dữ liệu nào được nhất trí giữa 2 bên về tỷ lệ đóng góp hiện nay của Hàn Quốc. Mỹ vẫn nói rằng tỷ lệ đóng góp của Hàn Quốc là dưới 50%. Hàn Quốc cũng hy vọng có thể đẩy mạnh sự minh bạch về khoản ngân sách chi tiêu của Mỹ liên quan đến vấn đề này.

Trong các cuộc đàm phán SMA, phía Hàn Quốc cử đại diện là Chang Won-sam - một nhà ngoại giao kỳ cựu từng là Đại sứ tại Sri Lanka và người đồng cấp phía Mỹ là Timothy Betts.

Một thỏa thuận chia sẻ chi phí quân sự mới sẽ phải được Quốc hội Hàn Quốc xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định thông qua.

Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu đàm phán về việc chia sẻ chi phí quân sự từ năm 1991./.