TheoPressTV, động thái này là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm đưa các loại vũ khí, trang thiết bị của mình tiến đến khu vực biên giới giữa NATO và Nga.
Một loạt xe Humvee của Mỹ được đặt trong hang bí mật. Ảnh PressTV |
Đại tá William Bentley, sĩ quan phụ trách chiến dịch thuộc Quân đoàn Viễn chinh Thuỷ quân lục chiến số Hai của Mỹ ngày 18/2 cho biết: “Việc điều các loại vũ khí từ trước sẽ giúp giảm chi phí cũng như tăng tốc độ phản ứng của chúng tôi trong trường hợp phải đối phó với khủng hoảng. Điều này sẽ giúp chúng tôi luôn ở trong tình trạng sẵn sàng phản ứng với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào”.
Hang bí mật mà Mỹ đưa xe tăng và pháo vào nằm ở miền Trung Na Uy và được Mỹ sử dụng lần đầu tiên vào năm 1981 để làm kho vũ khí trong một nỗ lực nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của NATO chống lại Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Theo ông Magnus Nordenman, Giám đốc Sáng kiến An ninh Xuyên Đại Tây Dương tại Hội đồng Đại Tây Dương, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ đặt ra câu hỏi vì sao phải duy trì khu hang động này khi mà chi phí quá đắt đỏ. Điều này buộc Chính phủ Na Uy phải gánh lấy chi phí bảo trì khu hang động nói trên.
Cũng theo ông Nordenman, khu hang động này đang được vận hành bởi khoảng 100 quân nhân nước này và Mỹ. Đây là một khu hang động hiện đại có khả năng chứa đủ trang thiết bị cho 15.000 lính thủy đánh bộ.
Khoảng 6.500 trang thiết bị sẽ được sử dụng trong cuộc tập trận mang tên Cold Response 16 dự kiến diễn ra cuối tháng 2 với sự tham gia của 12 nước đồng minh và đối tác của NATO.
Ngoài ra, số vũ khí và trang thiến bị trữ trong hang động này cũng đã từng được sử dụng để hỗ trợ các chiến dịch của Mỹ tại Iraq.
Ông Heather Conley, Giám đốc Chương trình Châu Âu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết, sự thay đổi về địa chính trị trong khu vưc, bao gồm cả “bối cảnh an ninh mới với Nga” một lần nữa khiến khu hang động này trở thành một tài sản mang tính chiến lược.
Ông Conley cho biết, các cuộc tập trận quân sự sắp tới là cực kỳ quan trọng đối với NATO để họ kiểm nghiệm khả năng hoạt động của các trang thiết bị cũng như năng lực của các quân nhân trong điều kiện thời tiết giá lạnh trong bối cảnh Hạm đội phương Bắc của Nga sẽ tham gia một cuộc tập trận bí mật vào tháng 3 tới với sự tham gia của 38.000 binh sĩ.
Lối vào khu hang động bí mật. Ảnh PressTV |
Trước đó, Lầu Năm Góc từng công bố khoản ngân sách trị giá 3,4 tỷ USD cho Sáng kiến Trấn an châu Âu nhằm răn đen cái mà Mỹ gọi là “sự hiếu chiến của Nga” nhằm vào các đồng minh NATO.
Theo sáng kiến này, các loại vũ khí và trang thiết bị quân sự sẽ được đưa đến các nước Baltic, Ba Lan và Trung Âu từ trước thay vì phải đợi đến khi sắp xảy ra xung đột./.