Ngày 13/2, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khẳng định Mỹ luôn ủng hộ hợp tác quốc phòng với Ba Lan sau khi Mỹ đạt được một thỏa thuận cung cấp 20 hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) cho Ba Lan nhằm hiện đại hóa lực lượng quân đội nước này.

my_ba_lan_eizg.jpg
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence bắt tay Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda. Ảnh: AFP.

Phát biểu với các binh sĩ Mỹ và Ba Lan đang đồn trú tại một căn cứ không quân ở thủ đô Warsaw, ông Pence nói rằng HIMARS sẽ góp phần tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước, đồng thời giúp bảo vệ Trung và Đông Âu khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa và không quân trong tương lai.

"Nước Mỹ luôn ở bên các bạn. Chúng tôi sẽ sát cánh cùng các bạn như một phần của liên minh phòng thủ lẫn nhau thành công nhất trong lịch sử thế giới, và chúng tôi sẽ luôn như vậy", ông Pence nhấn mạnh.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda hoan nghênh việc ký thỏa thuận liên chính phủ nói trên, coi đây là một bước đi cần thiết nhằm hiện đại hóa quân đội Ba Lan. Ông cho rằng nó sẽ giúp tăng cường an ninh ở sườn phía đông của NATO.  

Tại cuộc gặp sau đó, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác an ninh - quốc phòng song phương.

Phát biểu với các nhà báo sau cuộc gặp, Tổng thống Duda cho biết sẽ sớm có quyết định về việc để Mỹ tăng cường sự hiện diện quân đội tại Ba Lan, nhưng ông không nói rõ liệu đó có phải là quyết định thành lập một căn cứ quân sự vĩnh viễn của Mỹ trên lãnh thổ Ba Lan hay không.

Từ nhiều tháng qua, Ba Lan đã tìm cách vận động Mỹ thiết lập một căn cứ quân sự vĩnh viễn trên lãnh thổ nhằm đối phó với mối đe dọa mà họ cho là từ phía Nga, đặc biệt kể từ sau khi Nga sát nhập bán đảo Crimea năm 2014. Tại cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Duda cho biết Ba Lan sẵn sàng chi 2 tỉ USD để thúc đẩy việc hình thành căn cứ này.

Trong khi đó, Lầu Năm Góc ngày 13/2 bác thông tin về Mỹ và Ba Lan đạt được thỏa thuận về việc tăng số lượng quân đội Mỹ tại Ba Lan và khẳng định hiện tại chưa phải là thời điểm để tiến hành việc tăng quân.

Thông tin về việc tăng quân đội Mỹ được Đại sứ Mỹ tại Ba Lan Georgette Mosbacher tiết lộ cho tờ Financial Times sáng 13/2, nhưng phát ngôn viên Lầu Năm Góc Eric Pahon ngay sau đó đã phủ nhận và cho rằng bất cứ phỏng đoán nào về vấn đề này đều không có cơ sở. Ông Pahon cũng cho biết thêm rằng vấn đề vẫn đang được hai bên tiến hành thảo luận và quyết định sẽ được công bố vào một thời điểm thích hợp./.