Bất chấp cáo buộc của Tổ chức Bác sỹ không biên giới (MSF) rằng quân đội Mỹ có thể đã vi phạm tội ác chiến tranh, Chỉ huy Phái bộ hỗ trợ của NATO ở Afghanistan, Tướng John Campbell vẫn kiến nghị Tổng thống Barack Obama xem lại kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan mà theo giới quan sát, có thể sẽ giữ lại thêm binh sĩ Mỹ tại quốc gia Nam Á này sau năm 2016.
Bệnh viện tại Kunduz, Afghanistan tan hoang sau đợt không kích nhầm của Mỹ. Ảnh AP |
Trong phiên điều trần trước Uỷ ban Quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 6/10, Tướng Campbell khẳng định, vụ không kích vào bệnh viện ở Kunduz là một sự nhầm lẫn và lực lượng do Mỹ chỉ huy ở Afghanistan “không bao giờ cố tình nhằm vào một cơ sở y tế được bảo vệ”.
Tướng Campbell cũng khẳng định, Mỹ chỉ đưa ra quyết định không kích sau khi binh sĩ Afghanistan phát tín hiệu xin yểm trợ. Chính phủ Mỹ cũng đã cam kết sẽ điều tra thấu đáo vụ việc này trong bối cảnh Tổ chức Bác sỹ không biên giới cáo buộc đây là một tội ác chiến tranh.
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết: “Vẫn còn nhiều điều cần làm sáng tỏ. Tổng thống đã kêu gọi mở một cuộc điều tra minh bạch và kỳ vọng sẽ có những bước tiến để ngăn chặn các vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai”.
Tuy nhiên, sự nhầm lẫn chết người này cùng với việc nhóm vũ trang Taliban chiếm được Kunduz hồi tháng trước đang đặt ra những câu hỏi mới về sự hiện diện của Mỹ tại Afghanistan suốt 14 năm qua cũng như trong thời gian tới.
Trong phiên điều trần trước Uỷ ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Tướng Campbell cảnh báo, tình hình thực địa ở Afghanistan đã thay đổi rất nhiều kể từ năm 2014 khi Tổng thống Obama công bố kế hoạch giảm lực lượng Mỹ từ 9.800 binh sỹ xuống còn 1.000 binh sỹ sau năm 2016.
Theo ông Campbell, Taliban ở Afghanistan đang không ngừng lớn mạnh, ngoài ra, IS cũng có xu thế mở rộng hoạt động ở Afghanistan với 1.000- 3.000 tay súng. Với tình hình hiện nay ở Afghanistan tiếp tục xấu đi, ông Campbell đã kiến nghị Tổng thống Obama điều chỉnh kế hoạch rút quân của quân đội Mỹ.
Chỉ huy Phái bộ hỗ trợ của NATO ở Afghanistan không nêu rõ kiến nghị điều chỉnh như thế nào song cho biết: “Thách thức phía trước chúng ta vẫn còn đáng kể. Trong bối cảnh chiến đấu cam go, lực lượng an ninh Afghanistan vẫn đang cầm cự kiên cường.
Với sự ủng hộ hết sức của Tổng thống, người dân và những cố vấn quân sự cũng như nguồn lực của chúng ta, tương lai vẫn hứa hẹn rằng lực lượng an ninh Afghanistan mới có thể duy hòa bình cho đất nước này”.
Nhiều nghị sỹ Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc về kế hoạch của Tổng thống Obama về việc rút toàn bộ binh sỹ nước này ra khỏi Afghanistan và chấm dứt cuộc chiến của Mỹ tại quốc gia Nam Á này trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ năm 2017.
Trước đó, cả Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đều từng có bình luận nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục sứ mệnh chống khủng bố ở Afghanistan sau năm 2017.
Tuy nhiên, Người phát ngôn Nhà Trắng Earnest cho biết, việc có điều chỉnh kế hoạch rút quân tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có sự thay đổi của tình hình tại chỗ là nhân tố quan trọng nhất song nhấn mạnh rằng, ngoài đề nghị từ phía quân đội Mỹ đóng ở Afghanistan, Tổng thống Obama sẽ còn tham vấn các ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và các cơ quan tình báo.
Về phía Afghanistan, sai lầm mới đây của Mỹ là một đòn giáng mạnh vào chính sách thân Mỹ của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani. Bài học nhãn tiền của Tổng thống Ghani chính là sự rạn nứt giữa người tiền nhiệm Hamid Karzai với chính quyền ở Washington khi có quá nhiều dân thường thiệt mạng vì các vụ không kích của Mỹ trước đây.
Nhưng cũng như ông Karzai, Tổng thống Ghani không thể dứt khỏi mối quan hệ này vì phải phụ thuộc vào hỏa lực của Mỹ để chiến đấu chống lại phiến quân đang ngày càng tỏ ra nguy hiểm, mà bằng chứng là việc Taliban chiếm được Kunduz, chiến thắng lớn của nhóm này trong 14 năm qua./.