Tàu ngầm chiến lược được trang bị tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Trident-2 được coi là cấu phần hải quân trong “bộ ba hạt nhân” của Lầu Năm Góc. Những ICBM này cực kỳ nguy hiểm và chúng là mối đe dọa lớn nhất đối với nước Nga. Nhưng vũ khí hạt nhân chiến lược là vũ khí của cuộc chiến cuối cùng, vì việc sử dụng chúng sẽ gây ra đòn phản công trả đũa với những hậu quả khó lường.
Do đó, các lực lượng hạt nhân chiến lược là câu trả lời cho câu hỏi: Có người thì không có ta? Thực tế hơn nhiều là việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật (Tactical Nuclear Weapon - TNW) trong một cuộc xung đột vũ trang. Vì lý do này, nhóm tác chiến tàu sân bay ngày càng được quan tâm.
Tên lửa Tomahawk
Trong thời đại “siêu thanh”, mọi người có chiều hướng theo đuổi tốc độ, nhưng tên lửa hành trình vẫn còn phù hợp. Điều này được thấy rõ trong toàn bộ kho vũ khí Tomahawk của Mỹ. Mỹ có tên lửa Tomahawk với các biến thể B và E dùng tiêu diệt các mục tiêu chiến thuật (tiêu diệt tàu) và các biến thể chiến lược Tomahawk A, C và D - tấn công các mục tiêu trên đất liền.
Người ta quan tâm nhất đến phiên bản Tomahawk được trang bị đầu đạn hạt nhân. Cụ thể là đầu đạn W-80 (có trọng lượng 123 kg, dài khoảng 1m, đường kính 0,27m và công suất 200 Kilotons). Bán kính vùng phá hủy của một tên lửa như vậy là 3 km. Theo quân đội Mỹ, tên lửa hành trình này có khả năng tiêu diệt các mục tiêu được bảo vệ tốt, sức công phá của nó chỉ thua kém ít nhiều so với UGM-73A Poseidon-C3 SLBM.
Cũng cần phải lưu ý rằng, tên lửa Tomahawk mang đầu đạn hạt nhân có thể được đưa vào trang bị cho các tàu khu trục lớp Arleigh Burke, tàu tuần dương lớp Ticonderoga và tàu ngầm hạt nhân đa năng lớp Los Angeles, có trong đơn đặt hàng nhóm tác chiến tàu sân bay của Hải quân Mỹ. Như vậy, từ những tàu hộ tống “vô dụng” của hàng không mẫu hạm, chúng trở thành phương tiện mang vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Bom hạt nhân
Không có lực lượng nào trên biển khủng khiếp hơn một nhóm tác chiến tàu sân bay, và tàu sân bay cũng là một phương tiện có thể mang vũ khí hạt nhân. Trung bình, một tàu sân bay lớp Nimitz mang theo 48 máy bay chiến đấu F/A-18 Hornet. Bán kính chiến đấu của Hornet là 720 km. Ngoài tên lửa chống hạm và chống radar, máy bay này còn có khả năng sử dụng bom hạt nhân rơi tự do thuộc dòng B-61.
Tổng cộng, có 12 biến thể bom hạt nhân B-61 với công suất hạt nhân khác nhau, cả chiến lược và phi chiến lược. Bom hạt nhân thế hệ thứ 12 được trang bị bộ phận đuôi và hệ thống điều khiển, cho phép nó lượn trên không trong một thời gian dài sau khi được thả. Loại vũ khí này sẽ được triển khai cả trên máy bay ném bom chiến lược và chiến thuật. Điều này có nghĩa là 11 nhóm tác chiến tàu sân bay của Hải quân Mỹ, nếu cần thiết, có thể thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật và thậm chí vũ khí hạt nhân chiến lược nhằm vào đối thủ.
Trên thực tế, có rất nhiều vũ khí hạt nhân khác đang được Lầu Năm Góc để mắt đến. Cùng với những loại khác khác, máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 được tạo ra để thực hiện các hoạt động ném bom. Phiên bản F-35B tàng hình với khả năng cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng không chỉ được bố trí trên các tàu sân bay mà còn trên các tàu tấn công đổ bộ đa năng.
Thủy quân lục chiến Mỹ hiện có 7 tàu tấn công đổ bộ đa năng lớp “Wasp”. Mỗi chiếc có khả năng mang trên boong ít nhất 6-8 máy bay F-35B. Ngoài số này, Mỹ đang chế tạo 11 tàu tấn công đổ bộ đa năng mới, trong đó, tùy thuộc vào nhu cầu, có thể bố trí từ 6 đến 22 chiếc F-35B.
Như vậy, trái ngược với nhận định không có cơ sở rằng tàu sân bay và tàu sân bay trực thăng là một loại vũ khí đã lỗi thời vàkhông còn phù hợp, tàu sân bay vẫn là công cụ linh hoạt và hiệu quả nhất trong chiến tranh hiện đại, cả trên biển và đất liền. Nếu cần thiết, nhóm tấn công tàu sân bay sẽ biến thành phương tiện mang vũ khí hạt nhân chiến thuật và thậm chí cả vũ khí hạt nhân chiến lược./.