Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) ngày 16/1 đã nhất trí dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran sau khi Cơ quan Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tuyên bố Tehran đã tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận đạt được hồi tháng 7 năm ngoái nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của nước này.

iran_wmte.jpg
Các binh sỹ quân đội Iran. (Ảnh: IRNA)

Với việc Iran có thể tiếp cận được khoản tiền trị giá khoảng 30 – 100 tỷ USD trong khối tài sản trước đây bị đóng băng vì lệnh trừng phạt của phương Tây, nhà phân tích quân sự Nga Alexander Sitnikov cho rằng, số tiền này có thể được Tehran chi vào việc nâng cấp khả năng phòng thủ, bao gồm cả việc hiện đại hóa lực lượng tăng thiết giáp.

Trả lời tờ Svobodnaya Pressa, chuyên gia Sitnikov cho biết, nhận định của ông dựa trên những tuyên bố của Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Khamenei về “nhu cầu cấp bách để tăng cường năng lực quân sự của đất nước”.

Theo Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) nằm trong khuôn khổ thỏa thuận giữa Iran với nhóm P5+1 (bao gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức), Tehran không được phép phát triển, thử nghiệm các hệ thống tên lửa hoặc mua vũ khí tiên tiến từ nước ngoài. Tuy nhiên, ông Sitnikov lưu ý rằng, JCPOA không tước đi quyền tự vệ của Iran.

“Vấn đề này ngay từ đầu đã gây rất nhiều tranh cãi. Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sỹ John McCain dứt khoát chống lại việc dỡ bỏ lệnh cấm buôn bán vũ khí với Iran. Tuy nhiên, cuối cùng, tất cả đi đến thống nhất rằng chỉ giới hạn các vũ khí không đe dọa đến các nước láng giềng của Iran mà đặc biệt là Saudi Arabia”.

Các chuyên gia phương Tây cho rằng, chính những biện pháp trừng phạt đã khiến đầu tư cho quốc phòng của Iran bị hạn chế đáng kể.

Nhà phân tích Ben Moses của tạp chí quân sự quốc phòng IHS Janes trả lời phỏng vấn tờ Politico đã nói rằng, khả năng quân sự của Iran là “rất yếu” khi tổng số tiền đầu tư cho vũ khí của Tehran trong năm ngoái chỉ đạt 550 triệu USD, con số này là quá thấp nếu so với con số 7 tỷ của Saudi Arabia, 4 tỷ của UAE và 1 tỷ của Oman.

Theo ông Moses, chi phí để Iran có thể “làm mới” lực lượng quốc phòng của nước này ước tính khoảng 40 tỷ USD.

Giới quan sát cũng cho rằng, chính nhu cầu cấp thiết phải hiện đại hóa quân đội là lý do để Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Khamenei đồng ý về một thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc. Và chắc chắn, sau khi các lệnh trừng phạt đối với Iran đã được dỡ bỏ, Tehran sẽ nhanh chóng bắt tay ngay vào việc này./.