Mối đe dọa nóng của chiến tranh lạnh

Tiềm lực công nghiệp của Mỹ sau Thế chiến II đã tăng lên nhờ các đơn đặt hàng của quân đội. Đến cuối năm 1945, sản lượng công nghiệp Mỹ chiếm 2/3 sản lượng thế giới; một nửa lượng thép của thế giới được luyện tại Mỹ. Ngay trong chiến tranh, chính phủ Mỹ đã hiểu rằng, sự bá chủ quân sự của Mỹ chỉ có thể bị thách thức bởi một cường quốc - Liên bang Xô viết. Ngày 16/5/1944, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đã ra một báo cáo, theo đó, Liên Xô được công nhận là cực thứ hai của ảnh hưởng địa chính trị.

1_wikipedia_JJFC.jpg
Hình ảnh khủng khiếp của vụ nổ hạt nhân; Nguồn: wikipedia

Hai tháng sau khi Nhật đầu hàng, ngày 3/11/1945, báo cáo số 329 của Ủy ban Tình báo Liên hợp gửi Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ ghi rõ: "Chọn khoảng 20 mục tiêu thích hợp cho cuộc ném bom nguyên tử chiến lược Liên Xô." Ngày 14/12/1945, Hội đồng Kế hoạch Phòng thủ Liên hợp của Mỹ ban hành Chỉ thị số 432/d, cho rằng bom nguyên tử mà Mỹ sở hữu là vũ khí hiệu quả nhất - con át chủ bài chính để tấn công Liên Xô.

Nhưng tình báo Mỹ cũng phát hiện được Liên Xô đang phát triển loại vũ khí này. Trong quân đội Mỹ, các kế hoạch mới tấn công Liên Xô đã được soạn thảo với tốc độ chóng mặt. Kế hoạch đầu tiên có tên gọi là "Pinscher", được vạch ra vào ngày 2/3/1946. Tiếp theo là kế hoạch “Bushwecker”, “Crankshaft”, “Houghmun”, “Cogwill”, “Offtech”. Năm 1948, kế hoạch "Chariotir" được hoàn thành, theo đó 70 thành phố của Liên Xô sẽ bị tấn công bằng 200 quả bom nguyên tử - Chiến tranh Lạnh có nguy cơ chuyển sang "nóng".

Mỹ không thể đối đầu với Liên Xô nếu không có sự ủng hộ của quốc tế. Ngày 4/4/1949, việc thành lập NATO được công bố. Ngày càng có nhiều quốc gia tham gia vào liên minh chống Liên Xô, số lượng đầu đạn và quy mô của cuộc xâm lược cũng ngày càng tăng. Ngày 19/12/1949, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân phê duyệt kế hoạch "Dropshot" (được giải mật vào năm 1977), theo đó, một chiến dịch quy mô lớn của NATO tấn công Liên Xô có thể bắt đầu vào ngày 1/1/1957.

"Dropshot" dự kiến đánh bom ồ ạt 200 mục tiêu tại 104 thành phố của Liên Xô bằng 292 quả bom nguyên tử và 250.000 tấn bom thường. Máy bay xuất phát từ các căn cứ ở Alaska, Okinawa, Vịnh Ba Tư, Vương quốc Anh và lục địa Mỹ, tấn công các cơ sở lắp ráp và chuyển giao vũ khí hủy diệt hàng loạt của Liên Xô; các tuyến thông tin liên lạc, căn cứ tiếp tế và nơi tập trung binh lính; các mục tiêu điện, xăng dầu và thép - sẽ phá hủy 85% năng lực công nghiệp của Liên Xô. Khoảng 75-100 bom hạt nhân dùng để tiêu diệt các máy bay chiến đấu của Liên Xô trên mặt đất.

Các mục tiêu được đặt ra là đạt được sự đầu hàng vô điều kiện của Liên Xô, tước bỏ chủ quyền, chiếm đóng lãnh thổ của Liên Xô và các biện pháp kiểm soát nhằm ngăn chặn sự hồi sinh của một mối đe dọa tiềm tàng đối với nước Mỹ - tương tự các điều khoản áp dụng với Đức và Nhật Bản cuối Thế chiến II. Kế hoạch này được vạch ra nhằm giải giáp hoàn toàn các lực lượng vũ trang của Liên Xô, phá hủy tiềm năng công nghiệp và cơ sở hạ tầng kinh tế của Liên bang này.

Theo kế hoạch của các chiến lược gia Mỹ, Liên Xô bại trận phải chịu sự chiếm đóng và phải bị chia thành 4 "vùng chịu trách nhiệm": Phần phía Tây của Liên Xô; Caucasus - Ukraine; Urals - Tây Siberia - Turkestan; Đông Siberia - Transbaikalia - Primorye. Các lãnh thổ này được chia thành 22 "khu vực trách nhiệm". Hai sư đoàn Mỹ sẽ đóng tại Moscow, mỗi sư đoàn ở Leningrad, Minsk, Murmansk, Gorky, Kuibyshev, Kiev và tại 15 thành phố khác của Liên Xô…

Kế hoạch phá sản

Các nhiệm vụ bao gồm loại bỏ hệ thống thống trị về ý thức hệ của Đảng Cộng sản Liên Xô đối với các nước vệ tinh, và nếu có thể, việc xóa bỏ chế độ Xô viết trên toàn Liên Xô, loại bỏ vô điều kiện quyền lực của ban lãnh đạo hiện hữu, nhưng không chiếm đóng lâu dài đất nước và áp đặt dân chủ cưỡng bức. Trong mọi trường hợp, sau chiến thắng của Mỹ, Nga sẽ không thể quá mạnh về quân sự để gây ảnh hưởng đến các nước láng giềng; trao quyền tự chủ rộng rãi cho các dân tộc thiểu số; buộc Nga phải phụ thuộc kinh tế vào thế giới bên ngoài...

Đến đầu những năm 1950, Mỹ có ưu thế tuyệt đối so với Liên Xô về tiềm lực hạt nhân, lực lượng hải quân và số lượng máy bay ném bom chiến lược. Máy bay ném bom B36 Peacemaker, B47 Stratojet của Mỹ cất cánh từ căn cứ ở Anh hoặc Nhật Bản, có thể vươn tới các khu vực trung tâm, các máy bay ném bom hạng nhẹ hơn "AJ-2", "A-3" và "A-4" theo giả thuyết có thể thực hiện các cuộc tấn công vào các khu vực ngoại vi của Liên Xô.

Các thành phố Murmansk, Tallinn, Kaliningrad, Sevastopol, Odessa nằm trong tầm oanh tạc của máy bay trên tàu sân bay Mỹ. Vào thời điểm này, Liên Xô chỉ được trang bị máy bay ném bom chiến lược "TU-4", nhưng tầm bay của chúng, nếu đồn trú trên lãnh thổ Liên Xô, không đủ để ném bom quy mô lớn vào lãnh thổ kẻ thù tiềm tàng. Các máy bay ném bom TU-16 cũng không có đủ tầm hoạt động. Nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin biết về các kế hoạch của Lầu Năm Góc, nhưng vẫn bình tĩnh.

Cuối tháng 8/1949, Liên Xô thử nghiệm thành công bom nguyên tử RDS-1. Sau vụ thử bí mật quả bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô vào ngày 1/9/1949, quân đội Mỹ đã ghi nhận dấu vết phóng xạ của một vụ thử hạt nhân trong một mẫu không khí trong một chuyến bay theo lịch trình qua Thái Bình Dương. Dữ liệu thu được đã được xác minh và người Mỹ đã đi đến một kết luận đáng thất vọng cho chính họ - Liên Xô đã thử nghiệm vũ khí nguyên tử của chính mình, phá vỡ thế độc quyền của Mỹ.

Năm 1955, hệ thống phòng không Berkut được đưa vào trang bị cho Quân đội Liên Xô, bao gồm các trạm radar B-200, radar quan sát toàn cảnh Kama, tên lửa điều khiển bằng vô tuyến B-300 và hệ thống phòng không S-25 - một thành công thực sự vào thời điểm đó. Năm 1955, tại cuộc tập trận Carte Blanche của các lực lượng liên quân NATO, giới chức khối này mới vỡ nhẽ rằng ít nhất 1,7 triệu người châu Âu có thể bị tiêu diệt ngay lập tức bởi các cuộc tấn công hạt nhân của Liên Xô nhằm vào Tây Âu.

Ngày 4/10/1957, Liên Xô giáng một đòn nữa vào tham vọng của Washington - phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên lên quỹ đạo - điều có nghĩa là Liên bang Xô viết đã có tên lửa xuyên lục địa. Các nhà phân tích quân sự Mỹ đưa ra kết luận rằng cơ hội thành công của một cuộc tấn công phủ đầu băng vũ khí hạt nhân là cực kỳ nhỏ - chỉ 70%, việc vô hiệu hóa 9 vùng chiến lược của Liên Xô có thể gây thiệt hại 55% số máy bay ném bom - điều rất quan trọng đối với quốc phòng của đất nước.

Sau khi kích hoạt cuộc chạy đua vũ trang, giới diều hâu Mỹ thậm chí đã không thể tưởng tượng rằng Liên Xô sẽ có thể nhanh chóng đáp trả không chỉ bằng phẩm giá, ý chí và lòng yêu nước mà còn bằng cả vũ khí hạt nhân. Các chiến lược gia của Lầu Năm Góc đã tính toán sai lầm về mọi mặt và các kế hoạch tấn công phủ đầu Liên Xô bằng vũ khí hạt nhân của Mỹ đã hoàn toàn bị phá sản./.