Theo đại diện Ban Tổ chức đối thoại, đến nay đã có nhiều quan chức quốc phòng-an ninh của các nước đã có kế hoạch tham dự sự kiện thường niên này. Điều này cho thấy cam kết mạnh mẽ của chính phủ các nước trong việc phối hợp giải quyết các thách thức an ninh đang nổi lên, kể cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Bộ Quốc phòng Singapore cũng cho biết đã nhận được thông báo từ Viện IISS về việc sẽ vẫn tổ chức Đối thoại Shangri-La theo kế hoạch; khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức và các đối tác để thiết lập các biện pháp bảo đảm an toàn cao nhất cũng như sẽ điều chỉnh phù hợp với tình hình để bảo vệ cả những người tham dự cũng như người dân Singapore.

Thông báo của Ban Tổ chức Đối thoại Shangri-La năm 2021 được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho biết họ đã hủy cuộc họp thường niên trong năm 2021 tại Singapore, dự kiến ​​được tổ chức vào tháng 8.

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide được cho sẽ là diễn giả chính, phát biểu khai mạc tại Đối thoại năm nay. Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore cùng nhiều quan chức hàng đầu trong lĩnh vực quân sự, ngoại giao... trên khắp thế giới đã khẳng định sẽ tham dự Đối thoại.

Dự kiến, sẽ có 6 phiên họp toàn thể và một hội nghị bàn tròn cấp bộ trưởng thảo luận về các chủ đề: chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, sự hợp tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các mối đe dọa môi trường và an ninh khu vực, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ mới.

Đối thoại Shangri-La là diễn đàn thảo luận về các vấn đề an ninh-quốc phòng nổi lên trong khu vực. Được tổ chức thường niên, lần đầu tiên vào năm 2002, song do đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2020, Ban Tổ chức đã lần đầu tiên buộc phải hủy sự kiện này./.