Dữ liệu cá nhân của lực lượng đặc nhiệm Na Uy có thể bị bán hoặc trao cho nhómkhủng bố ISở Iraq và điều này nếu xảy ra sẽ tạo ra một mối nguy cơ an ninh lớn cho lực lượng quân đội Na Uy triển khai sang Iraq để giúp lực lượng quân sự địa phương đối phó với phong trào thánh chiến cực đoan.

Lực lượng đặc nhiệm Na Uy. Ảnh: Forsvaret.

Các đơn vị quân sự đầu tiên của Na Uy tham gia vào chiến dịch quân sự do Mỹ dẫn đầu ở Iraq kể từ tháng 11/2014. Mục đích chính là huấn luyện cho lực lượng địa phương năng lực đánh bại IS.

Ban đầu Na Uy chỉ có một lực lượng nhỏ sĩ quan tham mưu ở Iraq. Đến mùa xuân 2015 họ triển khai thêm các quân nhân gồm lực lượng đặc nhiệm FSK (gửi tới thủ đô Baghdad), và lực lượng bộ binh cơ giới tinh nhuệ đã trải qua chiến đấu thuộc tiểu đoàn Telemark (gửi tới thị trấn Erbil của người Kurd).

Trước đợt triển khai này, vào đầu tháng 3, Cục An ninh Quốc phòng Na Uy (FSA) đã tiến hành đánh giá tình hình an ninh với sự hỗ trợ của các cơ quan mật vụ khác. Theo đánh giá này, có nguy cơ cao dữ liệu cá nhân về các quân nhân Na Uy đã bị chuyển cho IS do sự rò rỉ thông tin từ giới chức Iraq.

Nhưng làm thế nào mà người Iraq lại có dữ liệu cá nhân về các quân nhân của Na Uy mà đáng lẽ ra là phải bí mật? Lý do đơn giản là họ được yêu cầu điền vào các đơn xin visa Iraq, sử dụng tên thật, địa chỉ thật, v.v. Và điều này khiến các thành viên trong gia đình họ trở thành các mục tiêu tiềm tàng cho các cuộc tấn công khủng bố mà IS thực hiện để trả thù.

Bất chấp nguy cơ an ninh, phái đoàn quân sự Na Uy sau đó vẫn được gửi sang Iraq. Một lý do khiến Oslo phớt lờ mối quan ngại an ninh đó là áp lực lớn từ Washington: Người Mỹ muốn có thêm bộ binh của các đồng minh hiện diện trên lãnh thổ Iraq bằng mọi giá.

Tuần trước, sau khi nhận được phản ánh từ các quân nhân liên quan, Liên đoàn Sĩ quan Na Uy (NOF) tuyên bố họ đã mở một cuộc điều tra để làm rõ liệu việc triển khai quân Na Uy hiện nay ở Iraq có vi phạm quy định luật pháp của Na Uy về dữ liệu cá nhân hay không.

Người đứng đầu NOF nói: “Với việc cung cấp thông tin cá nhân bất cứ khi nào không đảm bảo được an toàn dữ liệu cá nhân thì cả các quân nhân và người trong gia đình họ đều bị đe dọa an ninh. Chúng tôi muốn làm rõ vụ này để xem xem liệu cuộc đánh giá nguy cơ đã được thực hiện có thực sự đáp ứng các đòi hỏi của luật dữ liệu cá nhân hay không”.

Đầu tuần này, người đứng đầu ủy ban quân sự và đối ngoại quốc hội Na Uy, Anniken Huitfeldt, đã kêu gọi đánh giá lại hoạt động triển khai đặc nhiệm và bộ binh từ góc độ các mối quan ngại lớn về an ninh.

IS là một nhóm khủng bố đã chiếm được những vùng lãnh thổ rộng lớn ở Syria và Iraq. Liên quân gồm khoảng 60 nước đã mở các cuộc không kích vào các mục tiêu IS từ tháng 8/2014./.