Ngày 19/12, cuộc họp Hội đồng Nga-NATO diễn ra tại trụ sở của NATO ở Brussels (Bỉ). Tại cuộc họp lần này, NATO sẽ tìm cách trấn an Nga về việc liên quân triển khai binh lính đến các nước Bantic và Ba Lan vào năm tới, đơn thuần chỉ là mang mục đích phòng vệ.

tuong_nato_hjeb.jpg
Tướng Scaparrotti. Ảnh: RFE.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, cuộc họp khá hiếm hoi giữa Nga và NATO khó có thể giải quyết được các bất đồng kéo dài nhiều năm qua giữa hai bên.

Cuộc khủng hoảng Ukraine được cho là nội dung chính trong chương trình nghị sự nhưng giới quan sát cho rằng, bất đồng giữa Nga và NATO liên quan đến các chiến dịch quân sự của cả hai bên gần đây sẽ là trọng tâm của cuộc họp.

Tướng NATO Curtis Scaparrotti bày tỏ mong muốn, cuộc họp Hội đồng Nga-NATO sẽ giải quyết mối lo ngại liên quan đến cuộc tập trận quân sự thường xuyên của Nga gần đây, với cảnh báo rằng Nga không minh bạch.

Trong khi đó, Đại sứ Nga tại NATO Alexander Grushko cho biết, các bên sẽ thảo luận thẳng thắn về tình hình an ninh tại châu Âu, bao gồm hậu quả của việc NATO tăng cường lực lượng tại bờ phía Đông.

Mặc dù còn nhiều bất đồng nhưng giới quan sát nhận định, cuộc họp lần này là cơ hội để NATO xoa dịu những mối lo ngại của Nga đối với kế hoạch triển khai binh lính tới Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan vào đầu năm 2017.

Các nước NATO cho rằng, đợt triển khai binh lính này mang tính chất phòng vệ và ngăn chặn xung đột. Số lượng binh lính NATO triển khai cũng khiêm tốn hơn nhiều so với mức 330.000 binh lính mà liên minh này cho rằng Nga đã triển khai tại bờ phía Tây nước này từ tháng 5 vừa qua.

Phát biểu trước thềm cuộc họp, Tổng thư kí NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường đối thoại với Nga: “Chúng tôi hoan nghênh bất cứ bước đi nào có thể cải thiện các điều kiện đối thoại với Nga. Chúng tôi tin rằng khi căng thẳng gia tăng, điều quan trọng đặc biệt đó là đối thoại trực tiếp. NATO không muốn Chiến tranh Lạnh mới và đối đầu với Nga. Chúng tôi luôn muốn hướng đến mối quan hệ xây dựng với Nga”.

NATO đã dừng tất cả các hoạt động hợp tác thực tế với Nga kể từ khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.

Cuộc họp Hội đồng Nga-NATO diễn ra sau khi hai bên nhất trí cùng thảo luận vấn đề xung quanh cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine. Các đồng minh NATO là Pháp và Đức đang hối thúc các bên thực hiện thỏa thuận hòa bình khu vực phía Đông Ukraine.

Phương Tây cáo buộc Nga cung cấp tiền và vũ khí cho lực lượng đối lập tại đây, nhưng Nga phủ nhận thông tin này. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mới đây cũng kêu gọi chính phủ Ukraine cần phải đối thoại trực tiếp với lực lượng đối lập tại miền Đông.

Ông Lavrov nói: “Vấn đề đó là chính phủ Ukraine đang tránh tất cả các cách có thể để đối thoại trực tiếp với lực lượng đối lập ở miền Đông. Việc hai bên không có đối thoại trực tiếp có thể làm phức tạp thêm việc thực hiện thỏa thuận hòa bình Minsk. Vì Thỏa thuận Minsk đã nêu rõ và yêu cầu sự phối hợp giữa chính phủ và lực lượng ở miền Đông trong một loạt các vấn đề”.

Theo giới chức ngoại giao NATO, có ít cơ hội cho một kết quả đột phá tại cuộc họp lần này. Đặc biệt liên minh quân sự này vẫn đang thận trọng trong từng bước đi, trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức vào tháng 1/2017.

Mặc dù vậy vẫn có hi vọng rằng NATO và Nga có thể thảo luận các qui tắc chung để tránh những đụng độ quân sự dọc biên giới trên bộ, trên không và trên biển khi hai bên cùng tăng cường lực lượng quân sự.

Các quan chức NATO nhấn mạnh, điều quan trọng là hai bên cần phải thiết lập một nghị định khung, tránh hiểu nhầm giữa lực lượng quân sự hai bên có thể dẫn đến những xung đột lớn hơn./.