Để có được những thành công ban đầu này, ngoài sự chỉ đạo, triển khai quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương còn có sự góp sức tích cực, trách nhiệm, với nhiều chương trình, dự án hiệu quả của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Lai Châu.
Bản vùng cao biên giới Lèng Chiu, xã Dào San, huyện Phong Thổ quanh năm sương giăng, mây phủ. Với đặc thù địa hình đồi núi dốc, khó ai có thể hình dung ở bản làng vùng cao lại có những vườn dâu tây xanh tốt. Đây là giống cây mới được chàng trai thuộc thế hệ 9X - Giàng A Chảo đưa vào trồng thử nghiệm từ 5 năm trước, với diện tích 5.000 mét vuông đã gặt hái được những lứa quả ngọt, thu nhập bình quân mỗi năm từ 70 đến 80 triệu đồng.
Giàng A Chảo chia sẻ, là người con của đồng bào dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên ở vùng cao biên giới đã luôn ấp ủ ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương mình. Tuy nhiên, như nhiều thanh niên khác, hành trình khởi nghiệp gặp không ít khó khăn, hạn chế về vốn đầu tư, khoa học kỹ thuật, cũng như kinh nghiệm sản xuất. Thế nhưng, nhờ cán bộ biên phòng tiếp sức, xuống gặp gỡ gia đình, động viên thăm hỏi, phối hợp với cơ quan chức năng để khảo sát, hỗ trợ vốn, giống nên gia đình mới có điều kiện làm ăn.
Anh Giàng A Chảo cho biết: "Trước đây gia đình cũng rất khó khăn. Khi lấy được cây dâu này về trồng, từ đấy về sau tôi không đi làm thuê, chỉ có ở nhà chăm dâu và bán quả dâu, cũng phần nào cải thiện được cuộc sống của gia đình. Sau này phương hướng tôi muốn mở rộng thêm diện tích và mở rộng quy mô trồng dâu này cho tất cả bà con ở vùng cao. Chúng tôi sẽ mở rộng thị trường để xây dựng thương hiệu quả dâu tây của địa phương."
Gần 10 năm trước, mô hình nuôi dê được triển khai cho đồng bào các dân tộc xã Mồ Sì San từ nguồn vốn hỗ trợ của các mạnh thường quân. Để đàn dê phát triển, đồn Biên phòng Vàng Ma Chải đã xây dựng mô hình nuôi dê tập trung, chia thành hai nhóm, mỗi nhóm được giao 30 con dê. Cán bộ đơn vị đã vận động người dân đóng góp ngày công lao động, san mặt bằng làm chuồng trại, đồng thời hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc. Giờ đây đàn dê đã trở thành sinh kế vươn lên của nhiều gia đình khó khăn, hộ nghèo ở địa bàn.
Chị Sùng Tà Mẩy, xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ nói: "Từ khi có chính sách nuôi dê sinh sản, mình nuôi cũng thấy dễ chăm sóc, giá cả cũng tốt, giúp gia đình ổn định kinh tế. Giờ đây, ngoài làm lúa, làm ngô mình sẽ tập trung phát triển đàn dê. Tiền bán dê mua sắm sửa thêm một số đồ dùng sinh hoạt, đảm bảo cuộc sống tốt hơn."
Để đồng bào các dân tộc địa phương tin tưởng, làm theo, những người lính biên phòng đã không quản ngại khó khăn gian khổ "3 bám, 4 cùng" với bà con; tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước nhanh chóng và kịp thời. Đồng bào các dân biên giới cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương luôn đánh giá cao những nỗ lực, hỗ trợ của các chiến sĩ quân hàm xanh và mối quan hệ quân - dân càng thêm đoàn kết, gắn bó bền chặt hơn.
Ông Vương Thế Mẫn, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết, địa phương có nhiều xã vùng biên giới khó khăn nên vai trò của lực lượng biên phòng rất quan trọng với chính quyền địa phương. Trong những năm qua, lực lượng biên phòng đã tích cực hỗ trợ các chương trình, dự án, đặc biệt là vận động quần chúng nhân dân tham gia phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương; triển khai các đề án, các cây, con giống có hiệu quả, đồng thời đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn, làm cho bà con tin tưởng vào các chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng như là có sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên trong thoát nghèo.
Mỗi mô hình kinh tế trên biên giới Phong Thổ được hình thành đều là tâm huyết, khát vọng làm giàu, đổi mới quê hương của quân và dân. Đời sống ổn định, bà con nhân dân thêm phấn khởi, tích cực lao động sản xuất, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, đoàn kết, giữ gìn văn hóa truyền thống đặc sắc, chung tay bảo vệ an ninh trật tự, tạo lên thế trận biên phòng toàn dân vững chắc trên vùng biên giới.
Đại tá Phan Hồng Minh, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lai Châu cho biết: "Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các đồn biên phòng lựa chọn thành lập các đội công tác để giúp dân phát triển kinh tế theo mô hình bộ đội làm trước để cho nhân dân làm theo. Hiện nay cũng đã có bước phát triển, như là chăm sóc phát triển cây chè cổ thụ ở trên Mồ Sì San, Sì Lở Lầu và trồng sâm ở trên xã Mồ Sì San, cũng đã có những bước rất khả quan và đã có những sản phẩm trà nổi tiếng, tạo công ăn việc làm cho người dân."
Sức mạnh quân dân gắn kết, chung sức xây dựng các mô hình kinh tế, mang lại trái ngọt, mùa vàng ở huyện Phong Thổ là điểm sáng trên vùng biên giới Lai Châu. Diện mạo bản làng vùng cao biên giới hôm nay đã khởi sắc chính từ sự đoàn kết, tâm huyết, đồng lòng của người lính biên phòng và người dân./.