Cách đây không lâu, sau khi Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Israel tiến hành bình thường hóa quan hệ, Abu Dhabi và Washington đã bàn thảo về thương vụ mua 50 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Lightning II với giá 10,4 tỷ USD. Sau khi có thông tin Qatar đã chính thức gửi đề nghị mua tiêm kích cơ tàng hình đa năng Mỹ, Bộ trưởng Tình báo Israel Eli Cohen cho biết sẽ phản đối bất kỳ thương vụ bán F-35 nào cho Qatar, do cần duy trì ưu thế quân sự của Israel - yếu tố có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với khu vực.
Israel đã đàm phán thành công để có được F-22 Raptor (Chim ăn thịt) nhằm duy trì lợi thế quân sự của mình trong khu vực sau khi Mỹ đồng ý bán tiêm kích tàng hình F-35 cho UAE. Theo các phương tiện thông tin đại chúng, trong chuyến thăm tới Tel Avia mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper đã thông báo cho các quan chức Israel rằng, chính quyền Tổng thống Trump đã chấp thuận bán máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor và bom dẫn đường chính xác cho quốc gia Do Thái này.
F-22 Raptor là loại máy bay chiến đấu có người lái tiên tiến nhất thế giới, máy bay đầu tiên của thế hệ thứ năm được sản xuất loạt, có trọng lượng cất cánh trên 27 tấn, tầm bay 1.100km và tốc độ tối đa 1.900 km/h. Mặc dù thiết kế ban đầu nhằm chiếm ưu thế trên không với các loại máy bay của Liên Xô, nhưng sau đó, F-22 sử dụng những phát triển mới nhất của công nghệ tàng hình thế kỷ 20, nhằm giảm khả năng bị phát hiện bởi radar đối phương.
Ngoài ra, F-22 còn được trang bị động cơ có lực đẩy lớn, tạo khả năng cơ động cao, có thể bay hành trình mà không cần bật chế độ đốt sau, cùng với hệ thống điện tử hàng không tối tân, tính năng tích hợp và hiển thị thông tin từ các cảm biến trong và ngoài máy bay trên một màn hình hiển thị duy nhất. Vũ khí F-22 được bố trí trong các khoang dưới thân, giúp giảm khả năng bị phát hiện bởi radar. So với F-35, F-22A Raptor được đánh giá vượt trội ở cả khả năng tán xạ sóng radar, tầm hoạt động, tải trọng vũ khí, độ cơ động, thậm chí Mỹ còn khẳng định rằng nếu một quốc gia đồng minh "làm phản" dùng F-35 chống lại họ thì F-22 cũng sẽ dễ dàng dập tắt nguy cơ.
F-22 có thể là máy bay chiến đấu đắt nhất thế giới, với mức giá hơn 300 triệu USD mỗi chiếc. Theo kế hoạch ban đầu, Không quân Mỹ dự định sẽ sản xuất và trang bị 750 chiếc máy bay loại này, nhưng hiện nay, chỉ có 187 chiếc máy bay F-22 được sản xuất và Mỹ đã ngừng sản xuất loại máy bay chiến đấu F-22 Raptor vào năm 2011 cũng như cấm xuất khẩu chúng một cách hợp pháp gây ra nhiều tranh cãi trái chiều, ngay chính trong nội bộ nước Mỹ.
Israel luôn được Mỹ ưu ái bán cho những loại vũ khí hiện đại nhất và sớm nhất, từ máy bay F-15, F-16 và gần đây là F-35, thậm chí còn được Mỹ cung cấp công nghệ nguồn để nâng cấp, cải tiến trực tiếp trên loại máy bay chiến đấu tàng hình F-35I, phù hợp hơn với các yêu cầu của Israel đối với khu vực Trung Đông.
F-22 được cho là loại "quốc bảo" của Mỹ, mọi thông số liên quan tới nó đều thuộc hàng tối mật, nên luật Liên bang đã cấm không được bán nó cho bất kỳ chính phủ nước ngoài nào. Cả Nhật Bản và Israel là đồng minh số 1 của Mỹ tại khu vực châu Á và Trung Đông đều mong muốn được mua F-22, nhưng Mỹ không bán, do việc xuất khẩu loại máy bay này đã bị ngăn cấm bởi "Luật sửa đổi Obey".
"Luật sửa đổi Obey" do nghị sĩ đảng Dân chủ David Obey đề xuất, lo lắng rằng, một số công nghệ nhạy cảm và bí mật của F-22 có thể bị rò rỉ thông qua con đường xuất khẩu và bị kẻ thù của Mỹ phát hiện và sao chép; đặc biệt là các đặc tính tàng hình độc đáo của dòng máy bay này. Năm 1998, Obey đã bổ sung một sửa đổi cho "Đạo luật Biểu quyết Ngân sách Quốc phòng năm 1998" bằng một câu duy nhất "Không có khoản nào trong Đạo luật này, có thể được sử dụng để phê duyệt hoặc cấp phép bán máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến thế hệ 5 F-22 cho bất kỳ chính phủ nước ngoài nào".
Mặc dù F-22 được phát triển để chiếm ưu thế trên không trước các loại máy bay chiến đấu của Liên Xô và Liên Xô đã sụp đổ nhưng chỉ một câu sửa đổi của Obey đã quyết định số phận của F-22. "Luật sửa đổi Obey" cấm xuất khẩu F-22 Raptor vốn được cho là nhắm đích danh Israel vì lo ngại việc Israel chuyển giao thiết bị công nghệ cao cho Nga hoặc Trung Quốc, tuy nhiên, Mỹ quyết định rằng họ không thể ngăn cản Israel mua Raptor khi không có lệnh cấm chung đối với mọi quốc gia.
Trước đó, các Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper và Israel Gantz đã ký một thỏa thuận tại Washington về Bảo tồn Ưu thế Chiến lược của Israel ở Trung Đông. Và giờ đây, người Israel hy vọng rằng họ sẽ là những người đầu tiên trên thế giới sở hữu máy bay chiến đấu F-22, sau Không quân Mỹ. Vấn đề đáng nói hiện nay là dây chuyền sản xuất tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ đã ngừng hoạt động, chưa rõ Washington sẽ nối lại việc chế tạo mới máy bay vì đồng minh thân thiết nhất của mình hay chuyển một số chiến đấu cơ F-22 dư thừa của Không quân Mỹ để nhanh chóng đưa chúng vào thành phần tác chiến trước khi UAE nhận những chiếc F-35A đầu tiên?
Đáng chú ý là chính Mỹ cũng đang cần nhiều hơn F-22; Lầu Năm Góc khó có thể bán Raptor của mình cho Israel, chỉ có thể sản xuất mới theo hợp đồng, theo ví dụ F-15QA cho Qatar. Về khía cạnh lịch sử, Israel ưa chuộng các máy bay chiến đấu-ném bom có thể thực hiện cả nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không và tấn công, và Raptor chưa có nhiều dấu ấn trong hồ sơ tấn công. Tuy nhiên, Israel đã mua F-15 khi nó vẫn chủ yếu là một nền tảng chiếm ưu thế trên không, sau đó tự thực hiện những sửa đổi cần thiết để biến chiếc máy bay chiến đấu thành một máy bay ném bom hoàn hảo. F-22, nếu không phục vụ nhu cầu chiếm ưu thế trên không của Israel, có thể sẽ trải qua một quá trình tương tự.
Ngoài ra, theo trang nigroll.com, một dự luật do hai dân biểu Josh Gutheimer thuộc đảng Dân chủ và Brian Mast thuộc đảng Cộng hòa bảo trợ, đã được trình lên Quốc hội Mỹ cho phép bán loại bom mạnh nhất từ kho vũ khí phi hạt nhân của Mỹ cho Israel, đó là MOP - Massive Ordnance Penetrator - bom xuyên chống boongke GBU-57, do Boeing sản xuất, có khả năng xuyên đất tới độ sâu 60m và xuyên qua 19m bê tông cốt thép. Đây là phát triển mới nhất, được tạo ra vào năm 2007 để chống lại các cơ sở hạt nhân của Iran và Triều Tiên; năm 2018, loại bom này đã được cải tiến và hiện đại hóa để tấn công các mục tiêu khó đánh và nằm sâu dưới lòng đất.
Loại bom như vậy sẽ mang lại cho Israel một lợi thế chiến lược rõ ràng trong khu vực, khi nó có khả năng xuyên thủng bất kỳ boongke kiên cố nào. Dự luật có thể là một phần của "trao đổi vũ khí vì hòa bình", trong đó Mỹ bán thiết bị quân sự tiên tiến cho các nước Arab đã có hòa bình với Israel. Cả hai đồng minh Mỹ và Israel vẫn phải đối mặt với thách thức duy trì ưu thế chiến lược của Israel trong khu vực, và loại bom như vậy có thể là một phần của ưu thế đó.
Tuy nhiên, như nhiều nhà quan sát quân sự chỉ ra, vũ khí hiện đại sẽ vô dụng trong tay những kẻ không có trình độ kỹ thuật và công nghệ tiên tiến. Vì vậy, ngay cả máy bay F-35 cũng sẽ không mang lại nhiều lợi thế cho quân đội vốn không có hạ tầng kỹ thuật tốt, kỹ năng chiến đấu cao và khả năng bảo vệ toàn diện trước hệ thống phòng không hiện đại của đối phương. Nói cách khác, nỗ lực của UAE sử dụng máy bay chống lại Israel là vô nghĩa, vì vậy nhà nước Do Thái không hề mạo hiểm khi ủng hộ Mỹ bán máy bay hiện đại cho các nước Arab, và những nước mua chúng, có được con át chủ bài trong các cuộc chiến tranh có thể xảy ra với nhau, chứ không phải để chống lại Israel./.