Sau khi xảy ra xung đột nghiêm trọng tại khu vực tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan, cộng đồng quốc tế đã lên án việc bùng phát giao tranh và kêu gọi các bên ngừng bắn.

binh_si_armenia_qnvu.jpg
Binh sĩ Armenia huấn luyện tại khu vực tranh chấp Nagorny Karabakh. Ảnh: Sputnik/TTXVN.

Ngày 2/4, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, người hiện nay đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), tuyên bố các hành động giao tranh tại khu vực tranh chấp Nagorny Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan cần phải chấm dứt sớm nhất có thể. Ông kêu gọi các bên xung đột nhanh chóng ngừng các hành động tấn công lẫn nhau và tôn trọng hoàn toàn lệnh ngừng bắn. Theo ông, cuộc xung đột này không thể giải quyết bằng hành động quân sự, các bên cần thể hiện ý chí chính trị để trở lại đàm phán trong khuôn khổ Nhóm Minsk.

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) Nicolai Bordyuzha tuyên bố cuộc xung đột tại khu vực tranh chấp Nagorny Karabakh "không thể giải quyết bằng biện pháp quân sự và cần phải giải quyết bằng con đường đàm phán trong khuôn khổ cơ chế quốc tế".

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã thể hiện sự quan ngại về tình hình đang diễn ra tại vùng lãnh thổ Nagorny Karabakh.

Trong tuyên bố chung công bố cùng ngày, đồng Chủ tịch Nhóm Minsk thuộc OSCE (gồm Nga, Pháp và Mỹ) cũng đã thảo luận về tình hình đang diễn ra tại vùng lãnh thổ Nagorny Karabakh và kêu gọi các bên ngừng bắn. Nhóm Minsk đồng thời thể hiện quan ngại sâu sắc về việc các bên đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn quy mô lớn tại đường giới tuyến ở khu vực tranh chấp. Nhóm Minsk cũng kêu gọi các bên giao tranh ngừng bắn và sử dụng mọi biện pháp cần thiết để ổn định tình hình, cho rằng giải quyết xung đột bằng con đường hòa binh là cách giải quyết duy nhất.

Ngoại giao kiểu Azerbaijan

VOV.VN - Được phân công theo dõi và phản ánh các hoạt động của Đại sứ quán Azerbaijan một thời gian, tôi vẫn không khỏi bất ngờ.

Dự kiến, đồng chủ tịch Nhóm Minsk sẽ thảo luận tình hình xung quanh vấn đề Nagorny Karabakh tại Vienna (Áo) trong tuần tới. Tại cuộc họp lần này sẽ có sự tham gia của Chủ tịch luân phiên OSCE, hiện nay là Ngoại trưởng Đức Steinmeier.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Nga đã có cuộc điện đàm với những người đồng cấp Armenia và Azerbaijan về những diễn biến mới này, kêu gọi các bên chấm dứt bạo lực tại Nagornyi Karabakh.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini đã kêu gọi các bên liên quan tại Nagorny Karabakh tuân thủ lệnh ngừng bắn, chấm dứt các hành động vũ trang.

Trước đó, cả Azerbaijan và Armenia đều cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn dọc giới tuyến tại khu vực tranh chấp Nagorny Karabakh.

Phóng viên TTXVN tại châu Âu dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết phía Azerbaijan đã nắm quyền kiểm soát một số điểm cao cũng như điểm dân cư chiến lược ở Nagorny Karabakh và đã có các hành động đáp trả.

Theo Bộ Quốc phòng Azerbaijan, trong các cuộc giao tranh, nước này đã "phá hủy 6 xe tăng, 15 pháo và thiết bị tăng cường của lực lượng vũ trang Armenia, giết và làm bị thương hơn 100 binh sĩ Armenia".

Trong khi đó, theo hãng tin AFP, Azerbaijan cho biết các lực lượng của Armenia đã giết hại 12 binh sĩ của nước này trong cuộc giao tranh tại khu vực tranh chấp Nagorny Karabakh./.