Ông Dmitry Shugaev, Giám đốc Cơ quan hợp tác kỹ thuật quân sự liên bang Nga (FSMTC), gần đây nhấn mạnh rằng Nga đã bắt đầu việc bàn giao theo kế hoạch các tổ hợp S-400 cho Ấn Độ. Điều này khiến Ấn Độ có khả năng bị áp trừng phạt theo Đạo luật chống đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA).
Tháng 10/2018, Ấn Độ ký thỏa thuận 5,43 tỷ USD mua 5 tổ hợp S-400 do Nga sản xuất. Tổ hợp S-400 đầu tiên sẽ được bàn giao vào cuối năm nay.
Tháng 10 vừa qua, người đứng đầu lực lượng không quân Ấn Độ V.R. Chaudhari cho biết “tổ hợp đầu tiên sẽ được bàn giao trong năm nay”.
Đợt bàn giao được thúc đẩy trước chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Ấn Độ và có cuộc gặp thượng đỉnh với Thủ tướng Narendra Modi.
Báo chí Ấn Độ trước đó đưa tin, các quân nhân nước này đã có mặt tại Nga để huấn luyện lắp ráp, vận hành và bảo trì hệ thống S-400.
Theo các nguồn tin, tổ hợp S-400 đầu tiên dự kiến được triển khai ở khu vực phía Tây Ấn Độ.
Trung Quốc cũng có 2 tổ hợp S-400 được cho là triển khai ở Ngari Gar Gunsa và Nyingchi ở Tây Tạng, lần lượt dọc Ladakh và Arunachal Pradesh của Ấn Độ.
Vấn đề nằm ở chỗ Mỹ sẽ sử dụng CAATSA như thế nào để phản ứng trước việc Ấn Độ mua S-400 của Nga. Điều này nhiều khả năng sẽ được thảo luận tại đối thoại cấp bộ trưởng 2+2 giữa Mỹ và Ấn Độ vào tháng 12 tới.
Mỹ đã áp đặt trừng phạt với các nước khác vì mua S-400. Cả Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh NATO, và Trung Quốc đều bị Mỹ trừng phạt vì mua S-400 của Nga. Nếu không có lệnh miễn trừ của tổng thống Mỹ, Ấn Độ cũng có thể bị áp đặt trừng phạt.
Trong trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ, ngoài các trừng phạt về kinh tế, Mỹ đã hủy bàn giao máy bay chiến đấu F-35 cho Ankara.
Ấn Độ “tự tin” sẽ thoát trừng phạt?
Ấn Độ có nhiều thỏa thuận với Nga trong lĩnh vực quốc phòng S-400 là một trong số các “giao dịch quan trọng”. Dù vậy, New Delhi dường như có lý do để tự tin về sự miễn trừ từ chính quyền Biden do hai nước có mối quan hệ chiến lược.
Ấn Độ coi việc mua S-400 là điều quan trọng đối với an ninh quốc gia nhằm đối phó mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Trung Quốc và Pakistan, đặc biệt là trong bối cảnh mối quan hệ căng thẳng giữa New Delhi với 2 nước láng giềng hiện nay.
Ấn Độ hy vọng rằng việc nước này giữ bí mật về hoạt động của các hệ thống vũ khí đã mua từ nhiều nhà cung cấp trong nhiều thập kỷ qua có thể thuyết phục Mỹ rằng S-400 sẽ không làm tổn hại đến công nghệ vũ khí của Mỹ mà Ấn Độ sở hữu.
Trong khi đó, Thượng nghị sỹ (đảng Dân chủ Mark Warner và Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa John Cornyn, đã gửi thư kêu gọi Tổng thống Joe Biden không áp trừng phạt Ấn Độ theo CAATSA. Các thượng nghị sỹ này cho rằng miễn trừ trừng phạt cho New Delhi sẽ “thúc đẩy lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ”.
Ấn Độ cũng nhận được sự ủng hộ khác từ một đề xuất sửa đổi gần đây do 3 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đưa ra đối với Đạo luật Ủy quyền Quốc gia cho Năm Tài chính 2022. Sửa đổi này sẽ khiến Mỹ khó khăn hơn trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt theo CAATSA đối với bất kỳ thành viên nào trong nhóm Bộ Tứ.
Theo sửa đổi, được gọi là Đạo luật Giảm thiểu thận trọng các hậu quả không mong muốn làm suy yếu các liên minh và khả năng lãnh đạo năm 2021 (CRUCIAL), các thành viên nhóm Bộ Tứ có thể được miễn trừ trừng phạt theo CAATSA để tránh ảnh hưởng xấu đến động lực an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ted Cruz, một trong số 3 thượng nghị sỹ giới thiệu dự luật sửa đổi này, nói rằng “Bây giờ không phải là lúc Tổng thống Biden xóa bỏ những tiến bộ đạt được bằng việc áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm răn đe Nga. Làm như vậy sẽ chẳng đạt được gì ngoại trừ việc làm suy yếu các mục tiêu an ninh chung của chúng ta trong việc đối phó với Trung Quốc và khiến Ấn Độ càng phụ thuộc vào Nga”.
Dù Washington không hài lòng khi Ấn Độ vẫn tiếp tục mối quan hệ quốc phòng với Nga, nhưng việc củng cố năng lực quân sự của Ấn Độ nhìn chung được xem là điều có lợi cho Mỹ. Nếu Mỹ dự định áp đặt trừng phạt với Ấn Độ, điều đó sẽ chỉ làm suy yếu một đối tác quan trọng của Mỹ, và đây không phải là điều mà Mỹ muốn làm, chưa kể mối quan hệ trong nhóm Bộ Tứ cũng sẽ bị ảnh hưởng./.