TheoNational Interest, vụ tàu ngầm hạt nhân của Triều Tiên mất tích mới đây là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng, việc đưa tàu ngầm vào hoạt động luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.

Theo đó, việc vận hành các tàu ngầm, dù trong những điều kiện thuận lợi nhất cũng luôn ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Ngay cả những tàu ngầm hạt nhân được trang bị những công nghệ hiện đại nhất vẫn có thể nằm lại dưới đáy đại dương do sơ suất của binh sĩ trên tàu hoặc do lỗi kỹ thuật.

Tạp chí National Interest đã liệt kê 5 thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến thứ 2:

Tàu Kursk năm 2000 

Đây là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất và cũng là gần đây nhất của Nga. Tàu K-141Kursk lớp Antey (NATO gọi là Oscar II) thuộc Dự án 949A là tàu ngầm hạt nhân được trang bị tên lửa dẫn đường.

Con tàu có khối lượng lên đến 16.000 tấn này đã bị phá hủy hòa toàn sau vụ nổ lớn ngày 12/8/2000 khiến toàn bộ 118 thành viên trên tàu thiệt mạng.

kursk_lvom.jpg
Tàu ngầm hạt nhân Kursk. Ảnh Express

Xác của tàu Kursk sau đó đã được trục vớt và nguyên nhân khiến tàu gặp nạn được được cho là do quả ngư lôi Type-65-76A bên trong tàu phát nổ. Quả ngư lôi này có sức công phá rất lớn, đủ để tiêu diệt một tàu sân bay chỉ với một quả duy nhất.

Ngư lôi Type-65-76A được Liên Xô chế tạo sử dụng hydrogen peroxide làm nhiên liệu. Hydrogen peroxide là loại nhiên liệu rất dễ gây nổ và phải được sử dụng một cách rất cẩn thận. Tuy nhiên, nhiều khả năng các thành viên trên tàu Kursk đã không có kinh nghiệm hoặc chưa được đào tạo để xử lý loại vũ khí này.

Sau vụ nổ tàu Kursk, Hải quân Nga đã không sử dụng hydrogen peroxide làm nhiên liệu cho các ngư lôi của mình nữa.

Tàu Komsomolets năm 1989 

K-278 Komsomolets là tàu lớp Plavnik (NATO gọi là Mike) thuộc Dự án 865 của Nga được hoàn thiện. Tàu được thiết kế để thử nghiệm các công nghệ mới nhất ở sâu dưới nước.

Con tàu có khối lượng lên đến 8.000 tấn này là một trong những tàu ngầm có hiệu suất hoạt động cao nhất từng được chế tạo và có thể lặn sâu xuống hơn 900m.

Tàu Komsomolets. Ảnh tư liệu Hải quân Nga

Giống như các tàu lớp Papa, con tàu lớp Plavnik thuộc Dự án 685 được thiết kế để thử nghiệm các công nghệ tự động hóa và hoàn thiện khả năng chế tạo tàu với thân chịu lực bằng titanium của Liên Xô.

Tàu Komsomolets bị chìm vào ngày 7/4/1989 sau khi khoang lái của tàu bốc cháy. Đám cháy là nguyên nhân gây ra một loạt những sự cố sau đó khiến tàu bị chìm. Dù các thành viên trên tàu đã rất nỗ lực nhưng họ không thể ngăn chặn nổi thảm họa xảy ra và 42 trên tổng số 69 thành viên đã thiệt mạng.

Đến nay, lò phản ứng hạt nhân cùng hai đầu đạn hạt nhân trên tàu Komsomolets vẫn nằm lại bên trong thân tàu ở độ sâu 1,6km dưới đáy biển Barents. Điều này làm nảy sinh lo ngại một thảm họa nữa có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Tàu K-8 năm 1970

K-8 là tàu ngầm lớp Kit (NATO gọi là November) thuộc dự án 627A và là tàu ngầm hạt nhân tấn công. Con tàu này bị chìm vào ngày 12/4/1970 sau khi lửa bốc cháy trong khoang tàu 4 ngày trước đó.

Đám cháy này được cho là do dầu tràn vào hệ thống máy tạo không khí. Sau khi đám cháy lan khắp tàu qua hệ thống điều hòa không khí dẫn tới việc các lò phản ứng ngừng hoạt động, thuyền trưởng của tàu đã ra lệnh cho các thành viên rời khỏi tàu.

Tàu K-8. Ảnh tư liệu Hải quân Nga

Sau khi được một tàu cứu hộ giải cứu, các thành viên trên tàu lại quyết định quay lại tàu ngầm K-9. Tuy nhiên, con tàu này đã bị chìm do bị sóng cuốn khi biển động dữ dội mang theo 52 thành viên trên tàu.

Trước đó, Nga đã từng gặp phải nhiều sự cố với các tàu ngầm của mình do lửa bùng lên trong khoang lái. Hồi tháng 9/1967, tàu K-3 Leninsky Komsomol – chiếc tàu ngầm tấn công hạt nhân đầu tiên của Nga đã gần như bị phá hủy do bị bắt lửa trong quá trình sửa chữa.

Tàu USS Scorpion (SSN-589) năm 1969 

Giống như Liên Xô và Nga sau này, Mỹ cũng phải hứng chịu 2 thảm họa tàu ngầm hạt nhân lớn. Vụ gần đây nhất của Mỹ xảy ra ngày 22/5/1969 với tàu USS Scorpion, một tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Skipjack, khi tàu này bị chìm cùng toàn bộ 99 thành viên trên tàu cách đảo Azores khoảng 650km về phía Tây Nam.

Tàu USS Scorpion. Ảnh tư liệu Hải quân Mỹ

Nguyên nhân khiến tàu Scorpion bị chìm vẫn còn là bí ẩn. Phía Mỹ chỉ biết rằng con tàu này không về bến vào ngày 27/5/1969. Hải quân Mỹ sau đó đã tiến hành tìm kiếm nhưng cuối cùng cũng phải tuyên bố con tàu này mất tích vào ngày 5/6. Cuối cùng, một tàu nghiên cứu của Hải quân Mỹ đã tình cờ phát hiện ra tàu Scorpion đang nằm ở độ sâu hơn 3.000m dưới biển.

Hầu hết các nguồn tin đều cho rằng, chiếc tàu này bị chìm là do các quả ngư lôi Mark 37 vô tình bị kích hoạt gây nổ.

Tàu USS Thresher (SSN-593) năm 1963 

Tàu USS Thresher là tàu ngầm hạt nhân đầu tiên trên thế giới bị chìm vào ngày 10/4/1963 cùng toàn bộ 129 thành viên trên tàu. Đây cũng là vụ chìm tàu ngầm có số người thiệt mạng nhiều nhất từ trước đến nay.

Không như vụ chìm tàu Scorpion, Hải quân Mỹ có lời giải thích rất rõ ràng về nguyên nhân tàu USS Thresher bị chìm- đó là do việc kiểm soát chất lượng tàu quá yếu kém.

Tàu USS Thresher. Ảnh tư liệu Hải quân Mỹ

Chiếc tàu USS Thresher bị chìm khi đang lặn xuống độ sâu khoảng 400m. 5 phút trước khi mất liên lạc với tàu USS Thresher, tàu ngầm cứu hộ Skylark đã nhận được một tín hiệu UQC (tín hiệu vô tuyến điện) từ tàu USS Thresher báo rằng tàu USS Thresher đang gặp lỗi kỹ thuật nhỏ. Sau đó, tàu Skylark tiếp tục nhận được thêm một vài tín hiệu UQC trước khi tàu USS Thresher phát nổ.

Hải quân Mỹ cho biết, chiếc tàu này có thể gặp nạn do hệ thống ống nước dằn tàu bị hỏng khiến nước tràn vào tàu. Các thành viên trên tàu cũng không có thời gian để lấy các trang thiết bị ngăn nước tràn vào. Điều này khiến buồng máy của tàu ngập nước và lò phản ứng hạt nhân trên tàu ngừng hoạt động.

Sau thảm họa tàu Thresher, Hải quân Mỹ đã triển khai chương trình SUBSAFE để đảm bảo rằng, tất cả các bộ phận quan trọng của tàu ngầm đều được kiểm tra nhiều lần và rất kỹ lưỡng. Toàn bộ chi tiết của các cuộc kiểm tra này đều được ghi lại là lưu trữ đầy đủ./.