TờMilitary Timesngày 1/6 đưa tin, sẽ có thêm 4 quốc gia tham gia cuộc tập trận trên biển lớn nhất thế giới, mang tên Vành đai Thái Bình Dương năm 2016 (RIMPAC 2016), nâng tổng số các nước tham gia cuộc tập trận này lên 27.

tap_tran_cwzi.jpg
Tàu của các nước tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương RIMPAC 2014. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Theo đó, Đan Mạch, Brazil, Đức và Italy sẽ lần đầu tiên tham gia RIMPAC 2016 dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 30/6 và kéo dài cho đến 4/8 ở Hawaii. Trung Quốc, nước từng tham gia RIMPAC 2014 cũng sẽ tham gia cuộc tập trận chung lần này.

Theo Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, RIMPAC 2016 với sự tham gia của 45 tàu các loại, 5 tàu ngầm, hơn 200 máy bay cùng hơn 25.000 quân nhân sẽ tập trung vào hoạt động ứng phó với thiên tai, an ninh hàng hải, kiểm soát rủi ro trên biển, tập trận đổ bộ, pháo binh, chống cướp biển, rà phá bom mìn, phòng thủ chống tên lửa, chống tàu ngầm...

Thông tin từ Hải quân Mỹ cũng cho biết, hầu hết các hoạt động diễn tập sẽ được tổ chức ở Hawaii, riêng hoạt động diễn tập đổ bộ sẽ diễn ra tại Nam California.

Việc có thêm các nước tham gia RIMPAC 2016 không phải là điều đáng chú ý. Tuy nhiên, sự góp mặt của Trung Quốc tiếp tục là đề tài gây tranh cãi trong chính giới Mỹ.

Trên thực tế đã có một số ý kiến trong Quốc hội Mỹ kêu gọi loại Trung Quốc ra khỏi RIMPAC 2016 vì những hoạt động bành trướng của nước này ở Biển Đông – nơi mà Bắc Kinh đang không ngừng mở rộng quy mô xây dựng trái phép các đảo nhân tạo, bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế.

Tháng trước, nghị sĩ Mark Takai, thành viên Ủy ban Quân lực Hạ viện đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter xem xét lại lời mời Trung Quốc tham dự cuộc tập trận diễn ra hai năm một lần này.

Ông Takai đặt câu hỏi với Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter trong một phiên điều trần: “Tôi muốn hỏi là tại sao chúng ta lại thưởng cho Trung Quốc vì hành vi hung hăng của họ bằng cách trao cho họ cơ hội tham dự một sự kiện có ý nghĩa quan trọng với các đối tác và đồng minh?”

Lý do mà ông Takai đưa ra cho sự phản đối của mình là cách hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông thể hiện sự "trái ngược hoàn toàn với các mục tiêu của Mỹ", và việc mời Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) tham gia RIMPAC chẳng khác nào sự tán thưởng cách hành xử đó.

Ngoài hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo phi pháp trên các bãi đá ở Biển Đông, Trung Quốc còn có một loạt hành động "xấu" mà ông Takai coi là chưa bị trừng phạt, chẳng hạn như những vụ đánh cắp bí mật quân sự của Mỹ hay tuyên bố thành lập Vùng Nhận diện Phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông…

Nhiều người đã hy vọng rằng, bằng việc không mời Trung Quốc tham dự RIMPAC 2016, Mỹ sẽ phát đi một thông điệp mạnh mẽ đến các nước đồng minh và đối tác, đó là Washington luôn nỗ lực dẫn đầu trong việc bảo vệ trật tự và luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Scott Swift lại có suy nghĩ khác khi cho rằng, việc mời Trung Quốc tham dự sẽ giúp hai nước tăng cường liên lạc quân sự trên biển./.