Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Thế nhưng, tình trạng xuất nhập cảnh trái phép vẫn diễn ra. Tuần qua, các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh liên tiếp bắt giữ các đối tượng là người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào thành phố địa đầu Móng Cái.
Theo thống kê chưa đầy đủ, nửa đầu tháng 5/2021, các lực lượng chức năng thành phố Móng Cái đã phát hiện và bắt giữ 5 vụ, 14 đối tượng xuất nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, phần lớn là người Trung Quốc. Hai ngày 9 và 10/5, thành phố Móng Cái đã phát hiện 03 vụ, với 6 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Họ nhập cảnh với mục đích tìm kiếm việc làm; trốn truy nã của nước sở tại hoặc trung chuyển qua Việt Nam để đến nước thứ 3. Các đối tượng chia thành nhiều nhóm nhỏ và đi bằng đường tiểu ngạch, băng qua rừng hoặc vượt sông biên giới Ka Long bằng bè mảng...
Địa bàn quản lý của đồn Biên phòng Bắc Sơn, thành phố Móng Cái có trên 26 km đường biên. Trung tá Nguyễn Mạnh Thắng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Bắc Sơn cho biết: “Chúng tôi quản lý có rất nhiều đường mòn, lối mở. Tất cả các đường mòn, lối mở chúng tôi đều có từ 3-5 đồng chí biên phòng chốt chặn nên hoạt động nhập cảnh trái phép chỉ có thể là lợi dụng đêm tối mới có thể lọt qua. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi bắt được khoảng 200 đối tượng, như vậy là giảm 80% so với cùng kỳ năm ngoái”.
Lượng người nhập cảnh trái phép vào Móng Cái giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng thực tế lại có dấu hiệu gia tăng vào những ngày gần đây. Đáng chú ý, nhiều vụ có sự tiếp tay, móc nối của chính cư dân biên giới để đưa người nhập cảnh trái phép đi sâu vào nội địa.
Mới đây nhất, thông qua bắt giữ 4 người Trung Quốc thường trú tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc nhập cảnh trái phép, các lực lượng chức năng thành phố Móng Cái đã mở rộng điều tra và phát hiện 5 người dân bản địa đã chung chi, móc nối, dẫn dắt những người này qua biên giới và qua các chốt chặn. Đó là Nguyễn Mạnh Cường, (SN 1986); Mạc Văn Hoàng, (SN 1977); Vũ Duy Sinh (SN 1992); Phạm Xuân Đường,(SN 1969) cùng trú tại các xã biên giới của thành phố Móng Cái và Nguyễn Công Phúc,(SN 1990) ở TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Thủ đoạn của những người này khá tinh vi như giấu người trong cốp xe ô tô và hóa trang thành người dân đi khai thác thủy sản như người dân bản địa để hòng qua mặt cơ quan chức năng. Dù chia thành nhiều nhóm nhỏ và di chuyển vào lúc trời nhá nhem tối nhưng các đối tượng vẫn bị bắt.
Ông Đỗ Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái cho biết: “Vừa qua, thành phố đã chấn chỉnh, yêu cầu các tổ chốt, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường lực lượng kiểm soát ở các tổ chốt, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện khi qua lại các chốt phát hiện kịp thời các trường hợp đi, đến từ vùng dịch và đặc biệt là ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép. Và quan điểm của thành phố là xử lý nghiêm các trường hợp bao che, tiếp tay cho các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép”.
Công an thành phố Móng Cái đã khởi tố và mở rộng điều tra các vụ án liên quan tới việc "Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép". Mỗi phi vụ trót lọt, những người môi giới, tiếp tay sẽ nhận được khoảng 3.000 nhân dân tệ tức khoảng 9 triệu đồng tiền Việt Nam. Nhưng khi bị bắt, mức án cao nhất mà các đối tượng này có thể nhận là 15 năm tù giam theo quy định tại điều 348 Bộ luật hình sự năm 2015. Đấy là chưa kể những tội danh liên quan nếu các đối tượng người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam có mang theo dịch bệnh, làm xáo trộn đời sống và sức khỏe của người dân.
Để nâng cao tinh thần trách nhiệm công dân, những ngày gần đây, các đồn biên phòng Trà Cổ, Pò Hèn phối hợp với chính quyền sở tại đã phát động phong trào toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và vận động cư dân biên giới ký cam kết tố giác, không tiếp tay cho các hành vi liên quan đến xuất nhập cảnh trái phép.
Đây là những việc làm thiết thực nhưng cần có những biện pháp mạnh tay hơn nữa với những đối tượng tiếp tay cho người nhập cảnh trái phép vào nội địa; khuyến cáo công dân nâng cao tinh thần, trách nhiệm với xã hội nhất là trong thời điểm dịch bệnh đang bùng phát mạnh và có diễn biến hết sức phức tạp trong cả nước và các nước lân cận./.