Trưa nay (25/7), Toà án nhân dân quận 12, TP HCM đã tuyên phạt các bị cáo: Phạm Thị Mỹ Linh 3 năm tù; Nguyễn Thị Đào 2 năm tù (nhưng cho hưởng án treo, thử thách 4 năm); Phạm Như Huỳnh 1 năm 6 tháng tù (nhưng cho hưởng án treo, thử thách 2 năm), trong vụ án xét xử sơ thẩm hình sự công khai tội danh “Hành hạ người khác” xảy ra tại cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh, ở Khu phố 3, phường Hiệp Thành, quận 12.

img_2238_ctfv.jpg
 
Các bị cáo tỏ ra ân hận và xin lỗi các bé, gia đình các bé tại phiên tòa

Bản án cũng tuyên các bị cáo phải bồi thường bằng tiền cho những tổn thất về sức khoẻ và tinh thần cho các trẻ với mức cao nhất là 66 triệu đồng.

Trong vụ án này, các bị cáo đã có hành vi phạm tội đối với trẻ em dưới 6 tuổi và phạm tội đối với nhiều người.

Trước toà, bị cáo Phạm Thị Mỹ Linh khai nhận các vi phạm của lớp mẫu giáo Mầm Xanh, như: điều kiện lớp học tư thục của mình không đảm bảo quy định của Bộ Giáo dục – Đào tạo; giấy phép hoạt động chỉ được nhận các cháu 3 đến 5 tuổi nhưng lại nhận cả các cháu 1 tuổi; các cô bảo mẫu không có bằng cấp chuyên môn; không ký hợp đồng làm việc...

Bị cáo Linh khai, do nhiều cháu bé quấy khóc không dỗ được nên đã có hành vi đánh đập, chửi mắng các cháu. Linh thừa nhận những video clip chứng cứ vụ án đã thể hiện đúng hành vi đánh đập, chửi mắng trẻ của các bị cáo.

Linh cũng khai nhận đã dùng các vật dụng như: bình nước rửa chén, nắp xoong, vá, dao, dùng tay, chân… đánh đập 14 cháu, tổng cộng 30 lần, trong tổng số 41 hình ảnh bạo hành trẻ mà cơ quan điều tra thu thập được.Các bị cáo Phạm Như Huỳnh, Nguyễn Thị Đào trước toà cũng thừa nhận các hành vi dùng tay, dùng vật dụng đánh các bé, cầm dao dí vào mặt doạ bé, bóp miệng các bé, lấy dép đánh vào vai… Hội đồng xét xử có đủ bằng chứng về việc mỗi bị cáo Đào, Huỳnh có 6 lần đánh đập các cháu.Nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử nghị án, các bị cáo đều tỏ ra ăn năn hối hận, thành khẩn gửi lời xin lỗi các cháu bé, gia đình các bị hại và dư luận xã hội. Bị cáo Linh khai nhận đây là hành động bộc phát, nóng giận mất tự chủ do lớp đông trẻ.    Đại diện hợp pháp của 21 trẻ bị hành hạ trong vụ án này đều yêu cầu Hội đồng xét xử xử đúng người, đúng tội; đồng thời phải bồi thường trách nhiệm dân sự cho những tổn thất tinh thần và sức khoẻ cho các cháu.Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TPHCM cho biết, Chi hội đang đề nghị các địa phương và ngành chức năng tạo điều kiện để cho các trẻ em là bị hại trong vụ án này được tiếp tục đến trường trong năm học tới.

"Chúng tôi yêu cầu phải ghi vào bản án để đề nghị địa phương và các ngành chức năng sắp xếp để cho các cháu được đến trường theo Luật Trẻ em. Chúng tôi cũng đề nghị, bên cạnh việc các bị cáo phải thực hiện trách nhiệm dân sự thì các ngành chức năng phải tạo điều kiện cho các cháu đến trường vào tháng 9 tới đây. Với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ giám sát việc này"-Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nói./.  

Trong vụ án này cả 3 bị cáo cùng bị truy tố về tội “Hành hạ người khác” theo khoản 2, Điều 110, Bộ Luật Hình sự gồm: Phạm Thị Mỹ Linh (sinh năm 1974, quê Lâm Đồng); Nguyễn Thị Đào (sinh năm 1994, quê Đồng Nai) và Phạm Như Huỳnh (sinh năm 1996, quê Cà Mau).Cáo trạng nêu rõ, bị cáo Linh vừa làm chủ, vừa trực tiếp đứng lớp cùng hai bảo mẫu là Đào và Huỳnh tại cơ sở Mầm Xanh. Cơ sở này được cấp giấy phép hoạt động và hàng tháng nhận trông giữ trên 30 cháu từ 12 tháng tuổi trở lên.Vào khoảng tháng 10-11/2017, các bị cáo Linh, Đào, Huỳnh đã nhiều lần hành hạ các trẻ hiếu động bằng cách đánh, đạp vào người, dùng dao gõ vào đầu, lấy vá, dép đánh vào bụng hoặc bắt các cháu đội chồng ghế nhựa lên đầu... Hình ảnh về hành vi hành hạ người khác của các bị cáo khi lan truyền trên mạng xã hội đã gây làn sóng căm phẫn trong dư luận cả nước.Cơ quan điều tra có đủ chứng cứ xác định các bị cáo đã có hành vi đánh đập hơn 20 bé. Hội đồng xét xử đã thu thập được các video quay các hình ảnh, diễn biến này, nhưng vì có nhiều hành vi bạo lực nên không công khai tại toà. Kết quả giám định pháp y của Bộ Y tế cho thấy, nhiều bé có tình trạng chậm phát triển tâm thần, vận động./.