Liên quan vụ việc ông Nguyễn Văn Tấn, mở quán cà phê Xin Chào kinh doanh đồ ăn, đồ uống ở TPHCM chậm đăng ký kinh doanh 5 ngày bị Công an huyện Bình Chánh khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can tội kinh doanh trái phép, luật sư Nguyễn Quynh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định trong vụ việc này có dấu hiệu xâm phạm nghiêm trọng hoạt động tư pháp, ảnh hưởng đến tính đúng đắn của pháp luật. Luật sư Quynh cũng cho rằng trong vụ việc này còn có dấu hiệu truy tố người không có tội. 

vov_quan_xin_chao_kipm.jpg
Quán cà phê Xin Chào của ông Nguyễn Văn Tấn (Ảnh: Nguyễn Quynh)

Theo Luật sư Nguyễn Quynh, vụ việc này đã cho thấy sai sót ngay từ đầu khi 2 cán bộ công an tiến hành lập biên bản hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm là  không đúng thẩm quyền. Theo khoản 1 Điều 31, khoản 4 Điều 34 của Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định chỉ có Trưởng Công an huyện mới có thẩm quyền lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Biên bản xử lý vi phạm hành chính của cả 2 lần là do 2 cán bộ công an, không phải Trưởng Công an huyện Bình Chánh là không đúng thẩm quyền. Việc sai thẩm quyền trong biên bản xử phạt vi phạm hành chính dẫn đến Quyết định xử phạt không có giá trị pháp luật. Giả sử, quá trình ông Tấn khởi kiện, tòa xác định quyết định xử lý vi phạm hành chính là không hợp pháp và tuyên hủy quyết định này thì có phải cơ quan tố tụng đã làm oan ông Tấn không! 

Một sai sót nữa được luật sư Quynh chỉ ra đó là việc đánh giá chứng cứ, trong vụ việc này, 2 cán bộ công an đã làm theo cảm tính, không khách quan, không tuân theo đúng quy trình của pháp luật. Sự không khách quan được thể hiện qua việc trong 1 tháng, công an tiến hành kiểm tra liên tục 2 lần, đồng thời ra 2 quyết định xử phạt. 

Bên cạnh đó, mức xử phạt hành chính của cơ quan công an cũng không đúng với quy định của pháp luật hiện hành. Điều đáng nói là thay vì chỉ bị phạt 7,5 triệu đồng theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm nói trên thì ông Tấn lại bị phạt tới 17 triệu đồng. Bởi vì ngoài vi phạm không có giấy phép kinh doanh, quyết định xử phạt của Công an huyện Bình Chánh còn bổ sung thêm bốn vi phạm khác mà biên bản đã lập không hề nhắc tới, trong đó có vi phạm thiếu giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Luật sư Quynh cho rằng việc Công an huyện Bình Chánh dựa vào biên bản kiểm tra lần 2, xác định ông Tấn không có giấy phép đủ điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm để xác định ông Tấn kinh doanh trái phép là không đúng. Bởi theo Thông tư 26/2012/TT-BYT thì ông Tấn cần khoảng 150 ngày để nộp hồ sơ và được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng cơ quan công an lại tiến hành kiểm tra lần 2 cách lần 1 chưa đầy 1 tháng thì làm sao ông Tấn cung cấp được Giấy chứng nhận mà lại áp dụng quy định “Đã xử phạt vi phạm hành chính mà còn tái phạm”. 

Còn ông Bùi Anh Tuấn, Cục phó Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ KH&ĐT, chia sẻ với phóng viên Pháp luật TPHCM, cho biết, Nghị định 118/2015 hướng dẫn Luật Đầu tư có quy định tại Điều 9 rằng: Điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng theo một hoặc một số hình thức sau đây: a) Giấy phép; b) Giấy chứng nhận đủ điều kiện; c) Chứng chỉ hành nghề; d) Chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp; đ) Văn bản xác nhận; e) Các hình thức văn bản khác... Theo đó, giấy phép là một trong các loại điều kiện kinh doanh nhưng điều kiện kinh doanh không nhất thiết phải là giấy phép. Mặc dù chúng ta hay nói “vo” là giấy phép, nhưng đã xét luật thì phải xét đúng thuật ngữ, giấy phép là giấy phép, giấy chứng nhận là giấy chứng nhận.

Cũng theo ông Tuấn, ngành nghề kinh doanh thực phẩm là ngành nghề không đòi hỏi giấy phép. Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn kinh doanh thực phẩm chỉ quy định ngành nghề này phải có GCN ATVSTP, nó không phải là giấy phép. Một khi GCN ATVSTP không phải là giấy phép thì không thể áp vào trường hợp vi phạm kinh doanh không có giấy phép riêng để xử hình sự ông Tấn theo Điều 159 BLHS.

Ông Tuấn phân tích thêm, nếu ông Tấn kinh doanh ăn uống (thực phẩm) mà không có GCN ATVSTP thì ông không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh. Khi đó, ông có thể bị xử phạt hành chính bằng phạt tiền cho đến mức tước GCN điều kiện kinh doanh./.

Luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn luật sư TP Hà Nội): Sao lại coi bán phở là hành vi phạm tội?

Việc quản lý các hoạt động kinh doanh chủ yếu với các hình thức công ty theo Luật Doanh nghiệp chủ yếu nhắc nhở việc tuân thủ pháp luật và thu thuế nộp vào ngân sách nhà nước. Trong vụ việc chủ quán cà phê Xin Chào tại TP HCM chậm đăng ký kinh doanh năm ngày bị khởi tố, truy tố và chuẩn bị đưa ra xét xử còn nhiều điểm và trên nhiều phương diện chưa hợp lý. 

Cụ thể, thứ nhất, việc bán phở ở quán chủ yếu mang tính chất dân sự thường ngày phục vụ nhu cầu ăn cho các cá nhân, giá trị giao dịch nhỏ. Ở một phương diện khác nó còn là việc duy trì và phát triển đặc trưng của nền văn hóa của đất nước vì phở Việt Nam cũng là một trong các món ăn được các du khách nước ngoài biết đến khi tới du lịch Việt Nam.

Thứ hai, vì tính chất nhỏ lẻ như vậy nên trong thực tế ở nhiều nơi và ở Hà Nội nhiều quán phở cũng không có đăng ký hộ kinh doanh cá thể, việc các cơ quan có liên quan kiểm soát chủ yếu các vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, nơi đỗ, để xe... tuyệt đối chưa bao giờ có việc khởi tố người bán vì hành vi bán phở mà không có đăng ký kinh doanh.

Thứ ba, xét về quy định trong bộ luật Hình sự, hành vi bán phở không phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội, không xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, không thỏa mãn theo quy định của bộ luật hình sự định nghĩa về hành vi phạm tội, đơn giản hành vi này chỉ là hoạt động dân sự thuần túy, không có gì khác.

Thứ tư, việc khởi tố và truy tố này phần nào đó thể hiện sự thiếu khách quan bởi vì việc bán quán ăn này diễn ra thường ngày ở khắp mọi miền đất nước, vậy tại sao ở đây lại coi đó là hành vi phạm tội?

Chức năng của các cơ quan tiến hành tố tụng là điều chỉnh các hành vi cho đúng pháp luật nhưng rõ ràng việc điều chỉnh đó phải trung thực, khách quan và đúng luật, có vậy pháp luật mới được thực thi, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân mới được đảm bảo.