Không giải quyết được việc nội bộ trong gia đình, con rể đã sát hại bố mẹ vợ; mâu thuẫn trong việc làm ăn, thuê người đến đánh hay gần đây liên quan đến 2 đối tượng nghi trộm chó bị người dân thôn 3, xã Ea Kao, TP Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk vây đánh tử vong. Tại sao những vụ việc tự xử ngày một nhiều? Tại sao một số người dân không sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Liên quan vấn đề này, phóng viên VOV phỏng vấn Luật sư Nguyễn Văn Hậu –Phó Chủ tịch Hội luật gia TPHCM.

luat_su_msdc.jpg
 Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM (Ảnh: Pháp luật TPHCM).

PV: Ông đánh giá nào về việc ngày càng có nhiều vụ việc người dân tự hành xử, không tuân theo quy định của pháp luật?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Thực tế hiện nay có rất nhiều vụ việc đau lòng và đáng tiếc xảy ra với số lượng ngày càng gia tăng. Nếu nhìn vào góc độ người dân có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự việc này, đó là việc xem trọng giá trị vật chất và sự suy thoái nghiêm trọng về mặt đạo đức, thiếu nền tảng giáo dục trong một số bộ phận của người dân. Bên cạnh đó, có nhiều vụ việc người dân tự hành xử theo ý mình, bất chấp pháp luật dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Những vụ việc xảy ra ngày càng nhiều về số lượng, phức tạp hơn, hậu quả để lại theo chiều hướng không suy giảm và đang dấy lên hồi chuông báo động về ý thức thượng tôn pháp luật của các chủ thể trong xã hội. Đây là hành vi đáng bị lên án, cần sự vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền để xử lý kịp thời, răn đe và là bài học cho toàn xã hội.

PV:Mới đây nhất là vụ 3 người bị bắn chết ở Đắk Nông, trong vụ việc này dường như chính quyền địa phương đứng ngoài cuộc. Trách nhiệm của những cán bộ công chức ở đây như thế nào về vụ việc này, thưa ông?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Trong vụ việc này, chính quyền địa phương không thể trốn tránh tránh nhiệm của mình, nhưng quy trách nhiệm cho cá nhân, cơ quan nào thì cần phải đợi kết luận của cơ quan điều tra thì mới khẳng định được. Tuy nhiên vụ việc xảy ra dẫn đến 3 người thiệt mạng thì đây là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Trong trường hợp này, vụ việc xảy ra liên quan đến nhiều cá nhân và cơ quan, đơn vị. Tôi cho rằng, trong vụ việc này, UBND tỉnh, Sở Tài nguyên Môi trường cần phải chịu trách nhiệm về việc quản lý nhà nước trong công tác quản lý đất đai, đất rừng và công tác giải tỏa ở địa phương.

Nếu không có giấy tờ và không được sự cho phép thì tại sao doanh nghiệp tự ý giải tỏa, trong khi pháp luật quy định rất rõ trường hợp nào Nhà nước thu hồi đất để giao cho doanh nghiệp, trường hợp nào chủ đầu tư có trách nhiệm thỏa thuận với người dân hoặc góp vốn, đền bù thỏa đáng.

Vì vậy, bên cạnh việc xác định và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác, các cơ quan chức năng cần điều tra xác minh làm rõ nguyên nhân để trên cơ sở này xử lý nghiêm những cá nhân, cơ quan không thực hiện những quy định của pháp luật.

PV:Theo ông, nguyên nhân do đâu?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Thực trạng đang bàn ở đây thấy rằng xu hướng tự xử trong công việc của mình đang có chiều hướng gia tăng và tần số ngày càng nhiều hơn. Theo tôi, xuất phát từ nhiều phía, nhiều chiều, những nguyên nhân hàng đầu do ý thức pháp luật của người dân chưa cao mà lý do quan trọng nhất là coi thường, bất chấp pháp luật của một số bộ phận người dân thuộc mọi lứa tuổi, tầng lớp trong xã hội. Một trong những nguyên nhân này xuất phát từ nền tảng giáo dục, điều kiện sống, làm việc, thậm chí đặc điểm tâm sinh lý của mỗi người.

Bên cạnh đó có sự lỏng lẻo của các cơ quan chức năng, sự thiếu hiểu biết, thiếu kiên quyết trong việc xử lý chế tài, xử phạt quá nhẹ, kết hợp sự thoái hóa, biến chất trong một số cán bộ, công chức trong hàng ngũ nhà nước đã làm cho tâm lý người dân coi thường pháp luật, mất niềm tin vào pháp luật.

Một trong những vấn đề quan trọng ở đây phải kể đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tôi cho rằng đây là khâu đầu tiên trong quá trình thi hành pháp luật, đóng vai trò rất quan trọng trong thực hiện pháp chế pháp chế xã hội chủ nghĩa.

PV:Theo ông, Luật phổ biến, giáo dục pháp luật cần được điều chỉnh như thế nào để thực sự hiệu quả, đi vào cuộc sống?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Trong thời gian tới, để đẩy mạnh hơn nữa công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật để đi vào cuộc sống, chúng tôi thấy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, thay đổi những quy định pháp luật, chính sách của nhà nước về các hoạt động phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật để hướng tới loại bỏ những quy định pháp luật lạc hậu, trùng lặp, mâu thuẫn; kịp thời bổ sung những thiếu sót trong quy định này.

Chúng ta phải có kế hoạch xây dựng pháp luật phù hợp trong mỗi giai đoạn để đẩy mạnh những nghiên cứu khoa học pháp lý, nâng cao kỹ thuật lập pháp để mở rộng các hình thức nhân dân tham gia trong việc xây dựng pháp luật; đồng thời bảo đảm đủ kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đặc biệt công tác xã hội hóa.

Cần tiến hành đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp phổ biến, tuyên truyền, giáo dục hiện nay. Cần đổi mới làm sao khi tuyên truyền phải chính xác, đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu, kịp thời, thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm tránh việc tuyên truyền mang tính khô khan, phong trào. Cần thiết đưa những quy định pháp luật vào thực tiễn cuộc sống thông qua những hình thức sân khấu hóa, tổ chức game show trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, đường dây nóng.

Cần mở rộng đối tượng, làm sao nâng cao chất lượng đội ngũ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, vận động những người có tâm huyết để thực hiện công tác.

PV: Xin cảm ơn ông./.