Lại một vụ “hôi của” khi xe chở hàng bị lật, bị cháy xảy ra mới đây tại địa bàn thành phố Quy Nhơn, Bình Định. Theo clip do người dân quay được đưa lên Facebook cho thấy, hàng chục người dân lao vào lấy hàng từ trên thùng xe bị cháy, hàng rơi dưới đất mặc cho tài xế khóc đề nghị mọi người không lấy hàng. Cũng có những người dân đứng ra giúp tài xế ngăn cản, đề nghị trả lại tài sản, nhưng hàng chục người vẫn bất chấp, thậm chí còn cười đùa khi lấy được hàng.

tai_xe_hoi_cua_hvvl.jpg
Tài xế bất lực khóc khi hàng chục người dân lao vào lấy hàng hóa trên xe (Ảnh cắt từ clip)
Trước đó không lâu, tại buổi tiêu hủy hàng giả ở Bộ KH&CN, ngay sau khi người chủ trì tuyên bố lý do, chưa kịp mang hàng đi tiêu hủy, cả khách và người của Bộ đã lục lọi, lấy đi nhiều tang vật thu được, gây ra dư luận xấu.

Năm 2013, sau khi xảy ra vụ hôi bia từ một xe tải bị lật ở Ngã ba Tam Hiệp (Đồng Nai), đã có 2 người bị khởi tố về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.

Thông tin về các vụ hôi của được tuyên truyền rất rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, hành động hôi của bị dư luận lên án dữ dội. Tuy nhiên những hành vi đó vẫn cứ xảy ra.

Chia sẻ quan điểm với phóng viên VOV.VN, Luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho đây là hành vi bắt nguồn từ sự thiếu nhận thức của một bộ phận người dân trong xã hội.

PV: Luật sư suy nghĩ gì trước nhiều vụ việc “hôi của” xảy ra thời gian qua?

Luật sư Vũ Ngọc Chi: Thời gian vừa qua có nhiều phương tiện thông tin đại chúng đưa thông tin về việc hôi của trong nhiều tình huống khác nhau. Theo tôi, đây là việc làm chúng ta phải suy nghĩ và cân nhắc về nhiều phương diện.

Ở góc độ người bị hại: Khi người khác gặp điều không may, nếu chúng ta không giúp đỡ được thì cũng đừng nhẩy vào lấy tài sản của họ. Thử đặt mình vào địa vị của họ thì sao? Chắc chắn đây không thể là việc đáng cổ vũ và cũng không phải là việc đáng làm với người khác. Nói cách khác đây là hành vi đáng bị lên án về mặt đạo đức xã hội.

Ở góc độ pháp luật: Đây là hành vi do Luật Hình sự điều chỉnh, bởi nó ảnh hưởng đến quyền chiếm hữu sử dụng và định đoạt một cách trái pháp luật. 

Vì vậy, chúng ta hãy cân nhắc khi làm một việc mà chúng ta thấy không ổn về mặt đạo lý cũng như luật pháp. 

PV: Báo chí đã thông tin nhiều vụ hôi của, thậm chí trong vụ việc xảy ra năm 2003 đã có một số đối tượng bị khởi tố, nhưng hành vi hôi của vẫn tiếp diễn. Phải chăng lòng tham của họ lớn hơn nhận thức pháp luật?

Luật sư Vũ Ngọc Chi: Ở một góc độ nào đó, rõ ràng là họ có lòng tham, nhưng theo tôi, việc họ cho phép mình tham là do thiếu hiểu biết pháp luật, chưa hiểu rõ được tính chất, mức độ hành vi của mình nên mới dẫn đến có hành vi hôi của. Thực tế, trong nhiều trường hợp, không ít người khi được các cơ quan có thẩm quyền giải thích, vận động, đã tự nguyện mang trả lại hàng hoá.

Việc thực hiện hành vi hôi của theo tôi gồm cả hai yếu tố: vừa nhận thức kém vừa thiếu hiểu biết pháp luật. Việc đánh giá cụ thể do một trong hai yếu tố hoặc cả hai phụ thuộc vào từng tình huống cụ thể, tuỳ nơi, tuỳ theo sự hiểu biết xã hội cũng như công việc, vị trí của mỗi người thực hiện hành vi.

Đối với vụ việc vừa xảy ra có thể thấy yếu tố nhận thức nổi trội hơn. Họ nghĩ việc hôi của đơn giản là thấy rơi thì nhặt mang về sử dụng, bỏ đi cũng phí. Họ thấy việc làm của mình bình thường, không có gì ghê gớm. Nhưng nếu họ có ý thức một chút thì vấn đề sẽ khác.

PV: Có ý kiến cho rằng hành vi “hôi của” là do tâm lý đám đông?

Luật sư Vũ Ngọc Chi: Chúng ta không phủ nhận hành vi hôi của có yếu tố tâm lý đám đông, bởi lẽ khi thấy có đám đông, việc đầu tiên là người ta vào ngó và khi thấy người khác hôi của, họ nghĩ đơn giản và cũng làm theo không cần suy nghĩ, việc làm đó ít mang tính chủ quan, không cân nhắc nên gọi là tâm lý đám đông.

PV: Có những trường hợp người ta biết rõ làm thế là phạm tội, biết hậu quả sẽ xảy ra nhưng người ta vẫn cứ làm. Phải chăng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật của ta chưa hiệu quả? Hay các biện pháp xử lý chưa đủ sức răn đe?

Luật sư Vũ Ngọc Chi: Việc biết có hành vi như vậy là phạm tội song vẫn thực hiện hành vi thì có thể thấy ở đây lòng tham quá lớn, họ bất chấp pháp luật. Tuy nhiên cũng phải thấy việc tuyên truyền pháp luật cũng chưa làm cho người hôi của hiểu rõ các chế tài mà họ phải đối mặt khi thực hiện hành vi.

Theo tôi, các phương tiện truyền thông cần có những bài tin chuyên đề làm rõ và nêu bật lên hậu quả pháp lý đối với các hành vi có tính lặp lại và trái pháp luật của xã hội (ví dụ việc hôi của). Việc tuyên truyền pháp luật là biện pháp ngăn chặn hợp lý và cần thiết, cũng là biện pháp mang lại hiệu quả tốt nhất. Rõ ràng, những người hôi của chưa được biết và nắm rõ các chế tài chứ không phải do luật pháp thiếu tính nghiêm minh.

Có lẽ nguyên nhân chính là do việc tuyên truyền chưa đạt yêu cầu, chưa phổ cập rộng rãi, chưa đủ để những người hôi của buộc phải tự nhủ với bản thân đây là hành vi vi phạm, không thể thực hiện.

PV: Hành vi hôi của được quy định và xử lý như thế nào?

Luật sư Vũ Ngọc Chi: Hành vi hôi của đối chiếu với các quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành, tuỳ thuộc vào từng tình huống, có thể là các tội danh sau:

Cướp tài sản (nếu có sử dụng vũ lực để lấy tài sản); Trộm cắp tài sản (nếu khi người bị hại bị ngất, hoặc hôn mê... không nhìn thấy việc chiếm đoạt tài sản); Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (người chủ tài sản nhìn thấy người chiếm hữu công khai chiếm giữ tài sản trước mọi người chứng kiến).

Đối với hành vi “Cướp tài sản”, luật không quy định về giá trị tài sản, còn đối với loại tội trộm cắp tài sản và công nhiên chiếm đoạt tài sản thì luật quy định từ 2 triệu đồng trở lên là bị truy cứu. Nếu dưới 2 triệu đồng thì cần có thêm các yếu tố như: gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính hay đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền tuỳ vào mức độ.

Nếu không bị khởi tố, những người hôi của cũng có thể bị phạt vi phạm hành chính theo tính chất, mức độ của hành vi cũng như giá trị chiếm đoạt.

PV: Xin cảm ơn luật sư./.