Thông tin về vụ án mạng xảy ra vào sáng 1/9, khi cô giáo Bùi Thị Thêm (46 tuổi, giáo viên trường THCS Tiền Phong, Vĩnh Bảo, Hải Phòng) đang trên đường đến trường thì bị Nguyễn Văn Doanh, 41 tuổi, ở xã Tiền Phong (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) chặn đường, dùng dao đâm vào ngực, sau đó tử vong một lần nữa khiến dư luận rúng động.

Đáng ngại hơn, theo Trưởng Công an xã Tiền Phong, nghi phạm Nguyễn Văn Doanh vốn mắc bệnh tâm thần nhiều năm nay. 

doi_tuong_doanh_utcf_mjso.jpg
Đối tượng Nguyễn Văn Doanh (Ảnh: An ninh Hải Phòng)

Đây không phải là trường hợp đầu tiên người bị bệnh tâm thần gây ra án mạng. Trước đó, vào 1h30 ngày 22/8, tại thôn Mỹ Cầu, xã Tân Mỹ, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang cũng xảy ra vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng khiến 2 người tử vong.

Nạn nhân là ông Nguyễn Văn Thái (SN 1955, ở cùng địa chỉ trên) và bà Vũ Thị Lương (SN 1968, trú tại thôn Trại Mới, xã Tân Hưng, huyện Lạng Giang). Nghi can trong vụ án mạng là Nguyễn Văn Hùng (SN 1964, em ruột ông Thái), trú cùng nhà với nạn nhân. Theo một số người dân cho biết, Hùng bị bệnh tâm thần nhiều năm nay, vừa mới ra viện được hơn 1 tháng.

Đã có nhiều cảnh báo được đưa ra để hạn chế người tâm thần gây án nhưng đến nay, những vụ án mạng thương tâm vẫn xảy ra khiến dư luận bàng hoàng. Dường như, gia đình và xã hội đang có sự lơ là trong quản lý người tâm thần?

Về vấn đề này, phóng viên VOV.VN có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Thị Nhung - Công ty NDTC & Partners (Công ty Luật TNHH Nguyễn Đỗ và Cộng sự).

PV:Thời gian qua, có không ít vụ án xảy ra, thậm chí là án mạng giết nhiều người do người bị bệnh tâm thần gây ra.Dưới góc độ pháp lý, luật sư nhìn nhận như thế nào về vấn đề người tâm thần gâyán?

Luật sư Đặng Thị Nhung: Đặt sự việc dưới cách nhìn của một người bình thường, không ai không khỏi đau lòng trước một vụ án mạng xảy ra và mong muốn kẻ gây án cho dù là ai cũng phải chịu hình phạt thích đáng.

Nhưng khi đặt sự việc dưới góc độ pháp lý, buộc chúng ta lại phải đối chiếu với các quy định của pháp luật hình sự. Ở đây, Bộ luật Hình sự năm 1999 đã quy định rõ trường hợp người mắc bệnh tâm thần khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, cụ thể: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”. 

Theo quy định này thì rõ ràng pháp luật không thể xử lý hình sự đối với những người gây án nhưng mắc bệnh tâm thần ngoài biện pháp đưa những người đó đến các cơ sở y tế để khám, chữa bệnh.

PV:Theo bà, trong trường hợp này các cơ quan chức năng nên xử lý như thế nào?

Luật sư Đặng Thị Nhung:Đối với những trường hợp người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần sẽ bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo quy định tại Điều 13, Bộ luật Hình sự năm 1999.

Tuy nhiên, để có thể áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với những đối tượng này, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, Điều 311 thì: cơ quan chức năng cần phải trưng cầu giám định đối với người có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Căn cứ vào kết quả trưng cầu giám định pháp y, cho thấy người gây án không có năng lực trách nhiệm hình sự như đã quy định tại Điều 13 Bộ luật Hình sự năm 1999 thì cơ quan chức năng sẽ ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh như đã nêu trên.

Bên cạnh những quy định pháp luật liên quan đến giải pháp áp dụng thì các cơ quan chức năng cũng cần có những hoạt động tích nhằm phòng ngừa khả năng xảy ra các sự việc đáng tiếc. Chẳng hạn như tích cực gặp gỡ, phối hợp các gia đình có người thân mắc bệnh để vận động đưa người bệnh đi khám, chữa, điều trị bệnh kịp thời, định kỳ.

PV:Cơ quan nào có trách nhiệm đưa người mắc bệnh tâm thần đến cơ sở khám chữa bệnh điều trị khi người bệnh chưa phạm tội, thưa luật sư?

Luật sư Đặng Thị Nhung: Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có một quy định nào về việc bắt buộc đưa người tâm thần đi chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh khi người bệnh chưa phạm tội. Vì vậy, việc đưa người mắc bệnh tâm thần đi khám chữa bệnh hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của gia đình người bệnh.

Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, mặc dù pháp luật không quy định cơ quan, tổ chức nào phải chịu trách nhiệm đưa người mắc bệnh tâm thần đến cơ sở khám chữa bệnh điều trị khi người bệnh chưa phạm tội, nhưng rõ ràng do người mắc bệnh tâm thần cũng là một vấn đề chung của xã hội cũng như vấn đề riêng của mỗi gia đình. 

Theo ý kiến của chúng tôi, các cơ sở y tế địa phương cần có chương trình hỗ trợ cho các gia đình có người thân mắc bệnh, bằng cách tích cực chủ động rà soát tại địa phương các đối tượng mắc bệnh, để từ đó có phương án vận động, phối kết hợp với các gia đình đưa người bệnh khám, chữa, điều trị bệnh đến nơi đến chốn.

PV:Đã có nhiều cảnh báosong những vụ án thương tâm do người tâm thần gây ra vẫn đang khiến dư luận nhức nhối. Nhiều người cho rằng, dườngnhưnggiađình và xã hội đang lơ là trong việc quản lý người tâm thần. Ý kiến của luật sư về vấn đề này?

Luật sư Đặng Thị Nhung: Trên thực tế đúng là hiện nay đang có sự lơ là trong việc quản lý người tâm thần, dẫn đến những vụ việc thương tâm do người bị tâm thần gây án.

Trách nhiệm quản lý người bị tâm thần trước hết thuộc về phía gia đình của người bệnh. Là người trực tiếp gần gũi với người bệnh nhất, gia đình nên đưa người bệnh đi chữa bệnh tại cơ sở chuyên khoa để tránh những sự việc đáng tiếc và cũng là tạo điều kiện cho người bệnh có thể hòa nhập với cuộc sống. 

Tuy nhiên, vấn đề đưa người bị tâm thần đi chữa bệnh có vẻ vẫn còn bị nhiều gia đình bỏ qua. Nhiều gia gia đình sợ bị những lời đàm tiếu, dị nghị của hàng xóm xung quanh nên đã có những hành vi tiêu cực như giam lỏng người bệnh tại nhà. Song chỉ cần lơ là trong quản lý rất có thể người bị tâm thần sẽ xảy ra hậu quả đáng tiếc.

PV:Ngoài việc bắt buộc chữa bệnh khi người bị bệnh tâm thần đã gây án, theo luật sư cần phải làm gì để ngăn ngừa những vụ án đau lòng tương tự?

Luật sư Đặng Thị Nhung:Để có thể ngăn ngừa được những vụ án tương tự, trước hết gia đình của người bị mắc bệnh tâm thần cần chú ý đến việc quản lý, chăm sóc người bệnh. Không được để người bị bệnh tâm thần tiếp xúc với những công cụ có khả năng gây sát thương, ngoài ra cần tránh việc có những hành vi, lời nói làm bệnh nhân tâm thần bị kích động dẫn đến việc gây hậu quả nguy hiểm.

Quan trọng nhất là mỗi gia đình nên chủ động đưa người bệnh đi chữa bệnh tại các cơ sở chuyên khoa để phòng tránh những hậu quả xấu. Bên cạnh đó, vai trò của các cơ quan chức năng tại địa phương trong vấn đề chăm sóc sức khỏe cộng đồng, người dân địa phương cũng hết sức cần thiết.

Ngoài ra như đã đề cập ở trên, pháp luật hiện hành vẫn còn thiếu quy định về việc yêu cầu chữa bệnh bắt buộc đối với người bị bệnh tâm thần trong trường hợp họ còn chưa có hành vi nguy hiểm cho xã hội, vậy nên các nhà làm luật nên có các quy định về việc quản lý và bắt buộc chữa bệnh đối với người bị tâm thần.

PV:Xin cảm ơn luật sư./.