Vụ việc nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ (quê ở huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) có thai trong thời gian chờ thi hành án tại một trại giam ở Quảng Ninh đang khiến dư luận không khỏi hồ nghi, liệu có sự tiếp tay của cán bộ quản giáo hay không?

Vietnamnet dẫn phân tích của luật sư Trần Đình Dũng (Trung tâm TVPL TP Hồ Chí Minh – TƯ Hội Luật gia Việt Nam) cho thấy quá trình mang thai (như báo chí đã đưa) của tử tù này có những thắc mắc khó giải thích như: Thời gian tinh trùng sống trong môi trường túi ni-lon là bao lâu mà có thể thực hiện được việc thụ thai? Khi bơm tiêm vào nếu còn sống, tinh binh còn đủ độ mạnh để đục thủng vỏ trứng không? Hay, việc Huệ trao đổi nhiều lần với phạm nhân Hưng vì sao quản giáo không hay biết? Ống tiêm Hưng lấy từ đâu ra?

nguyen_thi_hue_jopd.jpg
Việc nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ mang thai trong trại giam khi đang chờ thi hành án khiến dư luận hồ nghi liệu có sự tiếp tay của cán bộ trại giam hay không? (Ảnh: VNN)

Luật sư Trần Đình Dũng cho rằng, dù có sự tham gia của quản giáo hay không thì hậu quả cũng đã xảy ra, trách nhiệm phải thuộc về các cán bộ trại giam do họ không giám sát, kiểm tra chặt chẽ khi thi hành công vụ, không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao. Hành vi này có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự được qui định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự về “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo Luật sư Trần Đình Dũng, Điều 285 được áp dụng nguyên tắc “tương tự pháp luật”. Theo đó, áp dụng tương tự Điều 301 Bộ luật Hình sự về Tội thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn. Trong đó Điều 301 qui định “Người nào trực tiếp quản lý, canh gác, dẫn giải người bị giam, giữ mà thiếu trách nhiệm để người đó trốn gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”, đặc biệt khoản 2 qui định khi có yếu tố “để người bị giam, giữ về một tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng trốn”.

Thực chất Điều 301 chỉ là một trường hợp khu biệt của Điều 285 đối với hậu quả phạm nhân trốn thoát. Xét theo gốc độ này, để tử tù thoát án tử gây nên tác động rất nghiêm trọng đối với trật tự trị an xã hội, xâm phạm tính nghiêm minh pháp luật và hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, làm cho cơ quan nhà nước mất uy tín dẫn đến mất lòng tin của nhân dân vào chế độ.

Vì vậy Luật sư Dũng cho rằng, hành vi thiếu trách nhiệm của một số cán bộ trại giam đã có đủ hai yếu tố chính “gây hậu quả nghiêm trọng” và “thiếu trách nhiệm”, cấu thành tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng qui định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự. Cơ quan điều tra cần phải nhanh chóng thực thi chức trách khởi tố vụ án hình sự, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Còn theo đại diện Bộ Công an, phạm nhân Nguyễn Thị Huệ mang thai khi đang trong trại giam của công an tỉnh Quảng Ninh do vậy trách nhiệm thuộc về Công an Quảng Ninh và việc điều tra, làm rõ sự việc cũng do cơ quan này tiến hành.

Trên báo Người Lao Động, Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an) cho biết tuy đã có phạm nhân nhận là “tác giả” của cái thai trong bụng nữ tử tù nhưng vẫn cần phải xác định ADN và nghiên cứu xác nhận xem phương pháp bơm như khai nhận ban đầu có thể thực hiện được không. Cơ quan đang điều tra và phải làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân. Việc xác định mức độ vi phạm để có quyết định kỷ luật cá nhân, tập thể liên quan đến sự việc đều do công an tỉnh Quảng Ninh thực hiện. Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng cho biết đã có văn bản chỉ đạo Công an tỉnh Quảng Ninh điều tra, xử lý trách nhiệm những tập thể, cá nhân có liên quan vụ việc tử tù Nguyễn Thị Huệ.

Theo Thanh Niên, Viện KSND và Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ mang thai khoảng 25 tuần tuổi và dự khám sẽ sinh con vào tháng 4/2016. Huệ bị bắt từ tháng 4/2012 vì tội mua bán trái phép chất ma túy và bị tuyên tử hình./.