Trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ngày 14/6/2007 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ, do Bộ Tài chính soạn thảo, có nhấn mạnh đến vấn đề tăng quyền hạn cho lực lượng Công an trong quản lý dịch vụ đòi nợ với khẳng định “chỉ có lực lượng công an mới có đủ lực lượng và nghiệp vụ đưa hoạt động này vào quy củ”. 

Nhiều quan điểm khác nhau

Theo Luật sư Vũ Ngọc Chi (Công ty luật Tam Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội), nếu nói chỉ duy nhất lực lượng công an mới làm được thì không đúng, nhưng lực lượng công an hiện tại mang tính khả thi nhất vì chức năng phòng chống tội phạm là chức năng chính của cơ quan công an. Tuy nhiên, dù là giao cơ quan công an quản lý thì vẫn cần có quy định kiểm tra, giám sát và cần có lộ trình minh bạch, dễ nắm bắt và kịp thời với người dân khi họ bị đòi nợ kiểu xã hội đen, đồng thời cần có chế tài nghiêm khắc. 

mot_vu_doi_no_qqdu.jpg
Một vụ đòi nợ thuê gây náo loạn khu phố. (Ảnh: Công an TPHCM)
Luật sư Chi cũng cho rằng, Bộ Tài chính hay Bộ Công an quản lý dịch vụ đòi nợ chỉ là một phần của vấn đề, còn cái gốc là phải bảo đảm về luật với những quy định, quy trình đủ để đảm bảo người cho vay đòi được nợ, người đi vay tự giác trả nợ thì mới hạn chế được tình trạng đòi nợ bất hợp pháp. Khi đã giao Bộ Công an quản lý và chịu trách nhiệm, trong mọi tình huống, cơ quan công an sẽ phải can thiệp vào hoạt động này. Vì thế quy trình kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của cơ quan này cần phải được quy định cụ thể.

“Việc Bộ Tài chính đề nghị tăng quyền hạn cho lực lượng công an trong quản lý dịch vụ đòi nợ là hợp lý, nhưng để lực lượng này tham gia trực tiếp vào nghiệp vụ đòi nợ thuê là chưa hợp lý và còn nhiều bất cập”, là quan điểm của luật sư Hoàng Ngọc (Văn phòng luật sư Nhiệt tâm và Cộng sự).

“Trước hết, bản chất của việc đòi nợ là một vụ việc dân sự, trong trường hơp việc đòi nợ giữa hai bên không thực hiện được thì một tổ chức trung gian là doanh nghiệp đòi nợ có nghiệp vụ chuyên môn, đạo đức tốt đủ năng lực hỗ trợ sẽ giúp giảm thiểu tranh chấp, thời gian, chi phí và xung đột. Nếu doanh nghiệp đòi nợ vẫn không giải quyết được thì nên đưa vụ việc ra Tòa án để giải quyết. Bởi thực tế có rất nhiều khoản nợ không chỉ xuất phát từ các khoản vay trực tiếp mà còn xuất phát từ công nợ giữa hai bên. Do vậy nó tiềm ẩn các tranh chấp khác chưa được giải quyết và chỉ có thể giải quyết bằng "con đường" tố tụng tại Tòa án”, luật sư Hoàng Ngọc phân tích.

Luật sư Ngọc cũng băn khoăn, trong khi cơ quan công an là bộ máy thực thi công quyền nếu can thiệp "sâu" vào một quan hệ dân sự sẽ tiếp tục dẫn đến nhưng tranh chấp phái sinh, hay "hình sự hóa" các tranh chấp dân sự thậm chí dẫn đến tiêu cực. Bên cạnh đó, lực lượng Công an hiện đang quá tải vì công việc lại phải kiêm nhiệm thêm công việc mang nhiều tính chất dân sự này. Hơn nữa, cơ quan Công an không phải là cơ quan giải quyết tranh chấp vì rất nhiều khoản nợ, vay còn ẩn chứa nhiều tranh chấp cần giải quyết.

Do vậy, theo Luật sư Hoàng Ngọc, vấn đề cần làm là tăng cường chức năng nhiệm vụ quyền hạn của Công an trong việc quản lý, giám sát trong hoạt động đòi nợ thuê của doanh nghiệp từ khi doanh nghiệp xin giấy phép hoạt động, trong quá trình hoạt động chứ không phải xây dựng cơ quan Công an như một đơn vị hoạt động trực tiếp.

Cần quy định những hành vi bị cấm khi đòi nợ

Kinh doanh dịch vụ đòi nợ là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo đó, để có thể hoạt động được ngành nghề này, cần phải đảm bảo các điều kiện về vốn pháp định từ 2 tỷ trở lên, người quản lý cần phải có trình độ từ đại học trở lên, không có tiền án, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự,… Các quy định trên của pháp luật nhằm đảm bảo khả năng hoạt động đòi nợ một cách chuẩn mực, tuân thủ pháp luật, không có các hành vi vi phạm pháp luật. 

Trên thực tế, việc đòi nợ thuê lại diễn ra theo một chiều hướng tiêu cực, còn nhiều hạn chế. Các tổ chức kinh doanh hoạt động đòi nợ thuê sử dụng nhân viên không đúng theo quy định tại Điều 15 Nghị định 104/2017/NĐ-CP vì pháp luật mới dừng lại quy định những điều kiện áp dụng cho người đứng đầu. Do vậy, một số nhân viên của doanh nghiệp đòi nợ thuê không có nghiệp vụ chuyên nghiệp, không có những quy định nghiêm ngặt về đạo đức nghề nghiệp. Thậm chí, một số nhân viên của doanh nghiệp đòi nợ thuê đã từng có tiền án tiền sự dẫn đến việc đòi nợ thuê như được "núp bóng" trá hình bởi một ngành nghề kinh doanh hợp pháp.

Thực tế đã diễn ra nhiều vụ việc đòi nợ kiểu "xã hội đen" có hành vi mang tính chất côn đồ gây hậu quả nghiêm trọng như đe dọa, hành hung, đánh người bị đòi nợ, gây thương tật vĩnh viễn, thậm chí là gây chết người.

Trong khi các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, giám sát còn hạn chế do lực lượng còn “mỏng” nên việc vi phạm pháp luật của các tổ chức hoạt động dịch vụ kinh doanh đòi nợ thuê vẫn diễn ra. Nhiều vụ việc người bị hại vì bị đe dọa sợ hãi không dám tố cáo hành vi vi phạm, nhiều vụ việc vi phạm nhưng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự...

Theo luật sư Nguyễn An (Hãng luật Cộng Đồng, Đoàn luật sư TP Hà Nội), để hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ diễn ra an toàn, không gây mất trật tự xã hội, cơ quan nhà nước nên xem xét thiết lập lại một hành lang pháp lý trong hoạt động đòi nợ chuyên nghiệp, bài bản như: Quy định cụ thể về quy trình đòi nợ; Quy định về đào tạo nghiệp vụ cho người lao động khi tham gia đòi nợ, cần thiết nên quy định về việc cấp chứng chỉ nghiệp vụ đòi nợ cho người lao động.

Đặc biệt, cần nghiêm cấm sử dụng các hành vi xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng đến khách nợ khi thực hiện đòi nợ. Cấm sử dụng các thông tin có được từ hoạt động dịch vụ đòi nợ gây bất lợi tới khách nợ để phục vụ cho các mục đích khác ngoài nội dung được ủy quyền. Cấm thực hiện các hoạt động, hành vi vượt quá quyền được pháp luật công nhận hoặc vượt quá phạm vi đã được ủy quyền.

Luật sư Nguyễn An cũng đề nghị cần có quy định khống chế chi phí dịch vụ khi đòi nợ bởi hiện nay các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ thường áp dụng mức phí khá cao, lên tới khoảng 50% tổng khoản nợ đòi. Nếu cứ để các công ty tự mình định ra các chi phí và áp dụng thì rõ ràng với lợi nhuận cao họ sẽ tìm mọi bằng để đòi được nợ./.