Vụ một tài xế Lexus bị tông tử vong và một CSGT bị thương phải đi cấp cứu trên cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên mới đây là vụ tai nạn rất nghiêm trọng. Vụ tai nạn có nguyên nhân từ việc tài xế xe Lexus vi phạm tốc độ bị CSGT dừng xe xử lý. Trong lúc làm việc với CSGT, một chiếc xe tải lao tới tông vào đuôi chiếc Lexus rồi tiếp tục tông vào tài xế và một CSGT. Hiện Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đang thụ lý để điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.
Theo luật định, quá trình thực hiện chức năng kiểm tra và giám sát các vi phạm, CSGT có quyền dừng các phương tiện để kiểm tra. Tuy nhiên, một câu hỏi vẫn cần phải đặt ra đó là việc dừng xe để xử lý vi phạm trên cao tốc có thực sự an toàn và cần thiết?
CSGT được dừng xe vi phạm trên cao tốc trong trường hợp nào?
Luật sư Trần Sỹ Tiến (Công ty luật Hà Nội VDT) cho biết, việc CSGT ra hiệu lệnh dừng các phương tiện trên đường cao tốc được quy định tại Thông tư số 01/2016/TT-BCA của Bộ Công an. Trong đó, Điều 5 của Thông tư này quy định: Cán bộ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ thực hiện các nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát nhân dân được dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát, việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định pháp luật.
Theo Điều 12 của Thông tư này, việc dừng phương tiện phải bảo đảm an toàn, đúng quy định của pháp luật; Không làm cản trở đến hoạt động giao thông; Khi đã dừng phương tiện phải thực hiện việc kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, tại Điều 26 Luật Giao thông đường bộ hiện hành, quy định: Chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định; trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết.
Như vậy Điều 26 Luật Giao thông đường bộ đã quy định rõ là việc dừng các phương tiện của CSGT phải tuân thủ quy định của pháp luật, cụ thể trước hết là theo Luật Giao thông đường bộ, còn Thông tư số 01/2016/TT-BCA của Bộ Công an là văn bản dưới luật nên phải tuân thủ theo luật.
Theo luật sư Tiến, trên đây là cơ sở để ông cho rằng CSGT không nên dừng các phương tiện trên đường cao tốc, trừ trường hợp khẩn cấp, nghiêm trọng hay nguy cơ nghiêm trọng ví dụ như trường hợp tài xế có dấu hiệu say rượu hoặc phê ma túy khi lái xe, sẽ dẫn tới việc điều khiển xe không chuẩn, không an toàn; dừng xe khi có dấu hiệu phạm tội. Hay hiểu theo một cách khác, đối với những vi phạm ở mức xử phạt hành chính, thì CSGT không cần phải dừng xe khẩn cấp.
“Trong vụ việc đáng tiếc xảy ra trên cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên, việc tài xế xe Lexus đi quá tốc độ cho phép và CSGT đã ra hiệu lệnh dừng xe trên đường cao tốc là chưa thực sự cần thiết. Việc dừng xe để xử lý vi phạm có thể được lực lượng CSGT thực hiện ở cuối chặng gần nhất của đường cao tốc để đảm bảo an toàn giao thông trên đường cao tốc”, luật sư Tiến nêu quan điểm và cho biết đã từng có vụ việc xảy ra tai nạn trên đường cao tốc khi lực lượng CSGT dừng xe để xử lý vi phạm.
Đồng quan điểm, luật sư Tạ Quốc Long (Công ty luật Đức Bảo) cho rằng, để tránh vụ việc không mong muốn xảy ra như vừa rồi, nếu không phải trường hợp khẩn cấp (không nhất thiết phải dừng phương tiện) nên áp dụng hình thức phạt nguội hoặc dừng phương tiện nơi an toàn hơn (hay phương tiện đã ra khỏi đường cao tốc). Như vậy hiệu lực quản lý vẫn bảo đảm và sự an toàn của con người sẽ được bảo vệ tối đa.
Chiếc xe tải màu trắng sau khi tông vào đuôi chiếc Lexus (Ảnh: Zing) |
Cần có quy định việc CSGT lập chốt xử lý xe vi phạm
Một vấn đề nữa được đặt ra sau vụ tai nạn trên cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên hôm 15/9 vừa qua đó là việc CSGT lập chốt xử lý xe vi phạm trên cao tốc cần ở những điểm quy định được phép dừng xe.
Về vấn đề này, luật sư Trần Sỹ Tiến cho rằng, Thông tư số 01/2016/TT-BCA cho phép CSGT được lập chốt kiểm tra, giám sát, xử lý xe vi phạm trên đường bộ nói chung, đây là lỗi không theo kịp với thực tế của luật, cần phải xem xét lại. Nên có quy định rõ ràng về các điểm dừng đỗ, thời điểm, phạm vi... để đảm bảo an toàn cho CSGT và người tham gia giao thông, an toàn phải được đặt lên trên hết. Theo luật sư, phương án phạt nguội theo kết quả của camera ghi hình vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất./.Tài khoản giao thông sẽ là lời giải cho bài toán “phạt nguội“?