Những ngày qua, dư luận không khỏi bàng hoàng, phẫn nộ trước việc nghi phạm đầu độc chị họ ở tỉnh Thái Bình, khiến một người khác tử vong. Sau khi bị bắt, đối tượng khai nhận đã mua xyanua trên mạng cho vào trà sữa để đầu độc. Tội ác mà đối tượng gây ra chắc chắn sẽ bị pháp luật trừng trị. Tuy nhiên, điều mà nhiều người phải giật mình lo lắng sau vụ án này đó là: xyanua – 1 chất kịch độc, có thể giết người trong nháy mắt lại đang được bán công khai và quá dễ dàng. Phải chăng các cơ quan chức năng đang buông lỏng việc quản lý kinh doanh mặt hàng này? Việc xiết chặt quản lý mua bán các kịch độc để không còn xảy ra những hậu quả đáng tiếc cần phải được quan tâm như thế nào?
Phóng viên VOV trao đổi với bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XII:
Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. (Ảnh Kinh tế Đô thị) |
PV:Thời gian qua, xảy ra không ít vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng do việc sử dụng axit, hay xyanua gây ra. Bà nhìn nhận thế nào đối với việc kinh doanh hóa chất độc hại và vì sao việc mua bán này đang diễn ra một cách dễ dàng và công khai?
Bà Bùi Thị An: Liên quan đến hóa chất và quản lý hóa chất chúng ta đã có khá đầy đủ Luật và các Nghị định kèm theo. Trước hết là Luật Hóa chất sau đó kèm theo Nghị định của Chính phủ, gần nhất là Nghị định 113/2017 trong đó có hướng dẫn đầy đủ và quản lý hóa chất như thế nào, và phân trách nhiệm của từng ngành,...
Nhưng vụ việc xảy ra tại Thái Bình vừa rồi, bản thân tôi nhận thấy nó làm cho mọi người bàng hoảng, sửng sốt thậm chí là sởn gai ốc. Bởi, đấy là chuyện lộ ra và liên quan đến tính mạng thì mọi người mới biết. Qua đó, thấy rằng suốt thời gian qua việc quản lý hóa chất quá lỏng lẻo cả trong sản xuất, kinh doanh, chế biến và lưu thông. Trong chuyện này trước hết chúng ta phải xem trách nhiệm quản lý Nhà nước liên quan đến hóa chất, đặc biệt là hóa chất kịch độc lại có thể mua một cách rất đơn giản và dễ dãi trên online. Bản thân tôi là một người được đào tạo về hóa chất mà tôi ngạc nhiên vô cùng.
PV: Theo bà việc mua bán hóa chất này tiềm ẩn những nguy cơ gì?
Bà Bùi Thị An: Trong Luật Hóa chất quy định rất rõ, hóa chất độc hại có loại 1,2,3 và yêu cầu dán nhãn lên các bao bì ấy một cách rõ ràng và yêu cầu người kinh doanh, cũng như người quản lý phải thực hiện. Những hóa chất nào bán buôn phải có giấy giới thiệu, lượng bao nhiêu và khi mang về kho các đơn vị nghiên cứu cũng như sản xuất Thủ trưởng cơ quan ấy phải quản lý. Và khi xuất kho phải được chữ ký của thủ trưởng. Cho nên trong trường hợp này, tôi cho rằng quản lý của chúng ta rất yếu kém, ta không làm đúng luật và người kinh doanh cũng làm không đúng luật. Không thể nào có chuyện chất xyanua lại có thể bán online dễ dàng như thế.
Qua vấn đề này, chúng ta đã vi phạm Luật và thực thi không đúng Luật bởi Luật đã quy định rõ ràng, bên cạnh đó còn có hướng dẫn rất cụ thể của Chính phủ. Cho nên tôi đề nghị các cơ quan được giao như Bộ Công Thương, Bộ Công an, trong Bộ Công thương là Cục Hóa chất hay tất cả các ngành có liên quan phải quản lý chặt chẽ. Bởi, hóa chất có mặt tất cả mọi nơi mọi chỗ mà liên quan đến mọi người.
PV: Chúng ta cũng đã có quy định trong việc mua bán, kinh doanh hóa chất phải có sự kiểm soát hết sức sát sao. Tuy nhiên, trên thực tế có rất ít cơ sở có thể thực hiện đúng những quy định của pháp luật về Luật Hóa chất. Theo bà, đâu là nguyên nhân của việc này?
Bà Bùi Thị An: Trong việc sản xuất, kinh doanh hóa chất ta đã có luật rất rõ. Ví như sản xuất hóa chất độc hại thì quản lý thế nào? Đối với kinh doanh thì đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên phải có giấy phép đặc biệt mới được kinh doanh. Còn đối với người tiêu dùng, khi đến mua phải có giấy giới thiệu, có công văn, nói rõ việc mua bán, sử dụng vào mục đích gì?
Hóa chất sau khi mua về thủ trưởng cơ quan phải quản lý. Ví dụ cơ sở sản xuất thì giám đốc xí nghiệp, giám đốc công ty phải quản lý. Nếu về Viện Nghiên cứu thì Viện trưởng phải quản lý nên không thể sử dụng tùy tiện.
Ở đây tôi thấy có hai vấn đề, một là quản lý thị trường của chúng ta lỏng lẻo, chúng ta phải quản lý giấy phép kinh doanh, có kinh doanh đúng không? Lượng có đúng không? Chúng ta phải tiến hành kiểm tra thường xuyên và nếu có vấn đề gì phải báo cáo ngay lập tức. Cụ thể từ vụ đầu độc ở tỉnh Thái Bình tôi thấy chúng ta đã quản lý quá lỏng lẻo gây ra ảnh hưởng đến nhiều người. Đó là chuyện rất lớn trong xã hội hiện đại này, nó làm cho nhiều người phải sửng sốt và suy nghĩ.
PV: Mặc dù luật định khá chặt chẽ đối với việc mua bán, sử dụng hóa chất nhưng thực tế kiểm tra ở các địa phương lại chưa tốt. Mức xử phạt của chúng ta quá là nhẹ, phải chăng là chế tài của chúng ta chưa đủ mạnh và đủ sức răn đe cho nên công việc này nó vẫn tiếp tục xảy ra trong thời gian như vậy?
Bà Bùi Thị An: Trong trường hợp này, sau khi chúng ta đã tuyên truyền giáo dục, và đưa tất cả các điều mà các nhà kinh doanh, sản xuất phải chấp hành nhiều lần mà họ vẫn không thi hành thì mình phải có chế tài xử phạt rất mạnh thì mới đủ sức răn đe và không dám làm.
Còn nếu để xử phạt, ví như xử phạt tiền không tương xứng với lợi nhuận gấp nhiều lần thì họ sẵn sàng làm. Qua đây, cũng đề nghị Chính phủ phải nghiên cứu ngay, bên cạnh rà soát lại tất cả các điều kiện kinh doanh của các cơ sở thì phải có chế tài tương xứng, phạt nặng như việc chúng ta đang thực hiện Nghị định 100 trong xử phạt nồng độ cồn mấy ngày gần đây.
PV: Hành vi sử dụng hóa chất độc hại để trả thù làm tổn hại đến người khác là một tội ác cần phải được lên án và bị pháp luật trừng trị một cách thích đáng. Tuy nhiên, bà có cho rằng chúng ta cần phải quản lý chặt chẽ hơn đối với đối tượng kinh doanh, buôn bán hóa chất và gắn với trách nhiệm, cửa hàng của các DN khi tham gia vào kinh doanh mặt hàng này
Bà Bùi Thị An: Trong trường hợp kinh doanh hóa chất, đặc biệt là hóa chất độc hại cần kinh doanh có điều kiện. Có điều kiện là phải được phép, cấp phép và kiểm tra thường xuyên, chặt chẽ. Ví dụ họ kinh doanh có đúng chủng loại, số lượng không? Thậm chí có thể kiểm tra họ bán cho ai.
Tôi nghĩ là vẫn có quyền kiểm tra như thế. Cuối cùng là bán có đúng mục đích không? Vì có thể họ mua vào những mục đích sai. Tôi nghĩ là về mặt quản lý thị trường là mình có quyền làm những công việc đó. Thậm chí, công an cũng có thể vào kiểm tra. Nhưng đặc biệt, theo tôi mình có thể phối hợp với địa phương, nhất tại địa bàn các phố, phường, thậm chí các xã, nơi nào có kinh doanh hóa chất thì phải đặc biệt quan tâm. Vì nó liên quan đến mạng sống của người dân nên không thể đơn giản được để tránh tình trạng ví dụ như ngộ độc thức ăn, hay các tình trạng khác. Qua đây, tôi đề nghị Chính phủ phải rà soát toàn bộ và quy trách nhiệm rõ ràng đừng để xảy ra những chuyện tương tự như thế nữa.
PV: Theo bà, làm thế nào để chúng ta siết chặt quản lý kinh doanh cũng như là mua bán các loại hóa chất độc hại để không còn xảy ra những vụ án thương tâm như ở Thái Bình?
Bà Bùi Thị An: Đầu tiên về quản lý sản xuất là có quy định, quy chế và Nghị định còn quản lý lưu thông thì tôi cho rằng, có thể làm được. Ví dụ trong quản lý cửa hàng thì cần có bảng liệt kê những loại gì, qua đây quản lý thị trường có thể kiểm tra đột xuất, hoặc định kỳ để có thể xem hóa chất độc hại mình đang bán có đúng không?
Nếu họ bán đúng mục đích thì có thể, còn nếu không phải nghiêm cấm. Bởi , chuyện này không đơn giản là hóa chất đơn thuần mà nó là hóa chất độc hại, giết người nên phải quản lý rất chặt. Cái này quản lý thị trường có thể làm được và tôi nghĩ chắc chắn giao trách nhiệm cho các đồng chí làm và làm thường xuyên. Bởi vì cửa hàng hóa chất ở từng địa bàn không phải là nhiều trong địa bàn mình quản lý.
Xin cảm ơn bà!./.Chất Xyanua trong vụ đầu độc chết người ở Thái Bình độc cỡ nào?