Trước đây, chúng ta đã có những quy định thủ tục tố tụng tư pháp đặc biệt đối với người chưa thành niên phạm tội nhưng lại chưa có bộ máy tổ chức chuyên trách để giải quyết các vụ án liên quan đến người chưa thành niên, vì vậy, hiệu quả phòng ngừa tội phạm cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên chưa cao…

Để giải quyết tốt hơn những vấn đề liên quan đến gia đình và người chưa thành niên, Luật Tổ chức Tòa án 2014 đã có quy định thành lập Toà án gia đình và người chưa thành niên với trình tự thủ tục xét xử phù hợp với tâm sinh lý trẻ em. Đây là bước đột phá trong tiến trình xây dựng môi trường tố tụng thân thiện với trẻ em.

Thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy, có gần 70% vụ án hình sự xảy ra gần đây có đối tượng phạm tội là thanh thiếu niên. Có không ít trường hợp đã bị Tòa án xét xử, áp dụng mức phạt nghiêm khắc nhưng tác dụng phòng ngừa, cảnh báo chưa cao. Người chưa thanh niên là những người chưa phát triển một cách đầy đủ về thể chất và tinh thần, khả năng nhận thức và kiểm soát hành vi của họ còn bị hạn chế. Khi phạm tội, phần lớn các em có tâm lý nặng nề, mặc cảm, bi quan, nhiều lúc tuyệt vọng…

Trong khi đó, chúng ta chưa có bộ máy chuyên trách điều tra, truy tố, xét xử, cải tạo người chưa thành niên. Từ thực tế này, Luật Tổ chức Tòa án 2014 đã quy định về việc thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên.

Ông Trần Văn Tăng - Phó viện trưởng Viện khoa học xét xử, Tòa án nhân dân tối cao cho biết: Hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao đã và đang xây dựng hoàn thiện Đề án thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên với đội ngũ thẩm phán có kiến thức sâu về tâm sinh, sinh lý của trẻ để giải quyết các vụ án về gia đình và người chưa thành niên một cách hiệu quả nhất.

“Hiện nay, chúng ta vẫn xét xử chung đối tượng này ở toà hình sự là chưa thề hiện được chính sách toàn diện đối với trẻ vị thanh niên, không phù hợp với tâm sinh lý, nhận thức điều kiện của trẻ khi thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy, thành lập cơ quan tố tụng chuyên trách để xem xét giải quyết các vụ án liên quan đến người chưa thành niên là việc làm cần thiết bởi ngoài việc xem xét đánh giá tính chất mức độ hành vi phạm tội chúng ta còn xem xét đến tâm sinh lý, động cơ, nhận thức của trẻ trong quá trình thực hiện hành vi... Từ đó, có cách xử lý hiệu quả và toàn diện hơn...”, ông Trần Văn Tăng nói.

tran_van_do_wita.jpg
PGS.TS Trần Văn Độ

Phó Giáo sư - Tiến sỹ, Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án quân sự Trung ương cho rằng: Khi có Toà án gia đình và người chưa thành niên thì trong quá trình giải quyết vụ án các công tố viên, thẩm phán và Luật sư không những phân tích đánh giá vụ việc trên cơ sở pháp lý mà còn cả về khía cạnh đạo đức.

Vì vậy, viêc thành lập một tòa án chuyên trách về gia đình và người chưa thành niên với trình tự, thủ tục tố tụng và môi trường tư pháp đặc biệt sẽ bảo vệ tốt hơn quyền trẻ em, góp phần hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến tâm sinh lý của những người có liên quan, nhất là trẻ em.

“Lần đầu tiên chúng ta có thiết chế thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên. Tòa chuyên trách này có thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự mà bị cáo, hoặc bị hại hay có thể nhân chúng là trẻ em, giải quyết các vụ kiện dân sự, các vụ án hành chính có liên quan đến quyền lợi ích hợp pháp của trẻ em. Tòa xét xử các vụ án này với tố tụng đặc biệt thể hiện ở khung cảnh thân thiện của phiên tòa, xét xử kín…Việc thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên sẽ bảo vệ tốt hơn quyền của trẻ em và tạo bước tiến để Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng”, ông Trần Văn Độ nói.

Các chuyên gia, nhà hoạt động xã hội đều đưa ra ý kiến: Thành lập Toà án gia đình và người chưa thành niên không những nhằm đảm bảo sự thống nhất về mặt chính sách đối với người chưa thành niên đã được quy định trong Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Tổ chức Tòa án, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình (sửa đổi), đáp ứng yêu cầu Cải cách tư pháp và là biện pháp thiết thực nhằm thực hiện cam kết quốc tế liên quan đến bảo vệ trẻ em trong hệ thống tư pháp.

Luật sư Nguyễn Tiến Dũng - Công ty Luật Dũng Ninh - Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An kiến nghị: Khẩn trương thành lập Toà án gia đình và người chưa thành niên, cùng với đó dần hình thành các bộ phận điều tra, truy tố chuyên biệt theo quy định của Luật Tố tụng hình sự sửa đổi 2015 với một lộ trình hợp lý.

“Việc thành lập Toà án gia đình và trẻ chưa thành niên là vấn đề cấp thiết...Trước mắt, có thể giao cho Toà án này xet xử các vụ án hình sự liên quan đến gia đình và trẻ vị thành niên phạm tội cùng với việc thành lập các cơ quan điều tra, công tố chuyên trách tương ứng tại cấp tỉnh thành. Sau đó, có thể rút kinh nghiệm để thành lập toà án và hệ thống cơ quan tố tụng chuyên trách ở các cấp...”, ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết.

Đối với người chưa thành niên phạm pháp phải có một cơ chế toàn diện để giải quyết, gồm toàn bộ các khâu từ điều tra, xét xử, thi hành án và hậu thi hành án, tái hòa nhập cộng đồng, trong đó việc thành lập, đưa Tòa gia đình và người chưa thành niên vào hoạt động theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án là vấn đề cấp thiết, phù hợp xu thế phát triển xã hội và định hướng chung trong cải cách tư pháp là lấy xét xử làm khâu đột phá./.