Thời gian qua, có rất nhiều vụ án oan như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, Lương Ngọc Phi ở Thái Bình, Trần Văn Thêm ở Bắc Ninh… đã được xem xét lại và được minh oan. Tuy nhiên, sau các bản án được minh oan, việc giải quyết bồi thường cho người bị oan sai còn nhiều bất cập, trong đó có việc xác định cơ quan nào, cá nhân nào chịu trách nhiệm bồi thường.

Đây là vấn đề cần được làm rõ trong dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), để bảo đảm quyền lợi của người bị oan, đồng thời đề cao trách nhiệm cá nhân trong hoạt động tố tụng và xét xử.

ong_nen_1_gvkw_nlwz.jpg
Ông Huỳnh Văn Nén nhận quyết định bồi thường của TAND tỉnh Bình Thuận vào ngày 7/3/2016.
Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành và dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 đều thống nhất một nguyên tắc là cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng sẽ chịu trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, do đặc thù của quy trình tố tụng nên trong tố tụng hình sự, khi có bản án, quyết định gây oan cho cá nhân, tổ chức thì thường có sự liên đới trách nhiệm của 3 cơ quan tiến hành tố tụng là cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và tòa án. Nhưng cũng không thể đồng thời quy định cả 3 cơ quan này cùng đứng ra thương lượng giải quyết bồi thường.

Cho nên, trách nhiệm giải quyết bồi thường ở đây phải là trách nhiệm của Nhà nước, còn cơ quan đứng ra giải quyết thì chỉ là thay mặt Nhà nước để giải quyết bồi thường. Vì vậy, ông Hoàng Thanh Tùng cho rằng, cần phân biệt rõ trách nhiệm của cơ quan thay mặt Nhà nước để giải quyết bồi thường với trách nhiệm công vụ của những cá nhân có liên quan.

"Một điều rất đáng lưu ý ở đây là cần phân biệt rõ giữa trách nhiệm của cơ quan thay mặt Nhà nước để giải quyết bồi thường với trách nhiệm công vụ của những người có liên quan. Không chỉ cơ quan giải quyết bồi thường mà kể cả những cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan khác cũng đều phải chịu trách nhiệm.

Ví dụ như trong vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, cơ quan giải quyết bồi thường là tòa án. Nhưng những người thi hành công vụ có liên quan phải chịu trách nhiệm và bị khởi tố không chỉ có thẩm phán, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm đã ra bản án oan mà kể cả điều tra viên, kiểm sát viên có liên quan trong vụ án ấy cũng đều bị khởi tố và phải chịu trách nhiệm" – ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, dự thảo Luật quy định cơ quan giải quyết bồi thường phần lớn là cơ quan Nhà nước và chi phí bồi thường được trích từ kinh phí của cơ quan Nhà nước đã gây oan sai chứ không quy định chi phí bồi thường từ cá nhân gây oan sai.

“Nếu Nhà nước cứ bao hết thì khi anh ở cương vị của tòa án hoặc Viện kiểm sát thì có thể cố ý làm sai, vì làm sai sau này cũng chẳng phải bồi thường vì đã có nhà nước lo. Cho nên phải đưa vào quy định là cơ quan và cá nhân phải có trách nhiệm bồi thường. Trên tinh thần đó, kinh phí bồi thường trong điều 58 là Nhà nước có trách nhiệm bố trí một khoản kinh phí, ngân sách của Nhà nước để bồi thường. Nói như thế thì trách nhiệm của cá nhân đã bị bỏ lọt. Trong điều 58 phải có quy định, Nhà nước và cá nhân làm sai thì đều phải bỏ ra một khoản kinh phí để bồi thường” – ông Nguyễn Ngọc Phương cho biết.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp cho biết: Qua giám sát chuyên đề của Ủy ban Tư pháp khoá XIII về bồi thường cho người bị oan, sai trong tiến hành tố tụng thì một trong những nguyên nhân khiến 70 - 80% bồi thường Nhà nước ở các cơ quan tiến hành tố tụng chậm là do chính cơ quan gây ra lỗi bồi thường cố tình dây dưa, trì hoãn, thậm chí “hành hạ” người được bồi thường. Từ thực tế này, ông Nguyễn Đình Quyền cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi lần này cần có đột phá trong quy định về cơ quan bồi thường. Theo đó, cơ quan bồi thường không phải là cơ quan tiến hành tố tụng và cũng không phải là cơ quan gây ra thiệt hại mà phải là một cơ quan độc lập.

“Chúng tôi kì vọng lần này sửa đổi, chỗ tố tụng sẽ được giao cho Bộ Tư pháp là cơ quan thay mặt Nhà nước, lấy ngân sách Nhà nước để bồi thường", ông Quyền nêu ý kiến.

TS Nguyễn Đình Quyền cũng đề nghị phải quy định chặt chẽ về mặt trách nhiệm chứ không thì 70-80% theo giám sát của Ủy ban Tư pháp khóa XIII là chậm vì cơ quan tiến hành tố tụng và một bên là công dân đơn phương độc mã đi đòi và hầu hết là kéo dài. Có những vụ nhanh thì lại có vấn đề móc nối giữa cơ quan tiến hành tố tụng và người được bồi thường, nâng giá bồi thường lên rất cao. Do đó, trong Luật cũng phải rất chú ý thực trạng đó.

Rõ ràng, để bảo đảm quyền lợi của người bị oan sai, đồng thời nâng cao trách nhiệm công vụ của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong thực thi pháp luật, dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) cần quy định rõ cơ quan giải quyết bồi thường, cá nhân có trách nhiệm bồi thường bao quát hết tất cả các trường hợp có thể xảy ra, tránh đùn đẩy hay bỏ trống trách nhiệm giữa các cơ quan./.