Vụ việc 3 thanh niên say rượu tự ý mở van hồ chứa nước Suối Vực (huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) hôm 15/3 gây ngập úng, thiệt hại khoảng 300 triệu đồng đối với người dân vùng hạ lưu.

ho_chua_1_tr_vov_tgjn.jpg
Trạm vận hành hồ chứa Suối Vực bị phá rạng sáng ngày 15/3 (Ảnh: Đặng Dự-Thái Bình)
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho hay, cơ quan chức năng đang điều tra, xử lý hành vi của 3 thanh niên này. Nếu do say rượu dẫn đến hành động bột phát, vô tình mở van hồ chứa nước thì có thể xem xét xử lý hành chính. Còn việc làm này có tổ chức, tính toán, âm mưu phá hoại từ trước thì phải xử lý hình sự.

Có ý kiến cho rằng việc tự ý phá hàng rào bảo vệ để xả nước không thể chỉ phạt hành chính, không thể lấy lý do say rượu để giảm tội.

Bình luận về ý kiến này, luật sư Vũ Ngọc Chi (Công ty luật TNHH Tam Anh) cho rằng, việc xác định có truy cứu trách nhiệm hình sự hay xử phạt hành chính hoặc phạm tội này hay tội khác cần xem xét theo quy trình tố tụng.

Trước hết cần làm rõ mục đích hành vi của 3 thanh niên để xem xét tội danh theo Điều 85 hay Điều 231 Bộ luật Hình sự. Nếu xét theo Điều 85 cần làm rõ mục đích của hành vi chống chính quyền nhân dân. Nếu xét theo Điều 231 Bộ luật Hình sự cần tiến hành theo trình tự sau: 

Luật sư Vũ Ngọc Chi (Công ty luật TNHH Tam Anh)
Căn cứ Nghị định 126/2008 ngày 11/12/2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Bảo vệ công trình trọng yếu liên quan đến an ninh quốc gia, tại chương II điều 7 quy định tiêu chí xác định công trình thuộc danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, trong đó có công trình có sử dụng công nghệ hạt nhân, công trình đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, giao thông, đê điều, thuỷ lợi, điện lực, xây dựng; nếu để xảy ra sự cố sẽ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đến nền kinh tế quốc dân, gây thảm hoạ với đời sống con người, môi trường sinh thái. 

Theo quy định này, trước hoặc trong quá trình tố tụng các cơ quan tiến hành tố tụng cần tham khảo các cơ quan có thẩm quyền để làm rõ các công trình này có phải là các công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia hay không.

Trong trường hợp cấp sơ thẩm thụ lý vụ án theo Điều 231, trước khi xét xử thấy không thuộc danh mục, nếu chưa có kết luận, sẽ trả hồ sơ và có văn bản yêu cầu làm rõ để gửi đến các cơ quan có thẩm quyền hoặc các cơ quan thẩm định.

Trong trường hợp cấp sơ thẩm đã xét xử theo tội danh Điều 231 mà lên cấp phúc thẩm chưa có kết luận của cơ quan chuyên môn hoặc cơ quan có thẩm quyền thì cấp phúc thẩm sẽ huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại. (Trích công văn số 144/TANDTC-KHXX ngày 20/8/2009).

Trường hợp của 3 thanh niên, nếu làm rõ không có mục đích gì khác, có kết luận của các cơ quan chuyên môn hoặc các cơ quan thẩm định trả lời không thuộc danh mục các công trình quan trọng đến an ninh quốc gia thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể tiến hành trưng cầu các cơ quan chuyên môn xác định giá trị tài sản mà các thanh niên say rượu đã đập phá. Trường hợp giá trị trưng cầu từ 2 triệu đồng trở lên có thể cấu thành tội huỷ hoại tài sản theo Điều 143 Bộ luật Hình sự.

Việc miễn trách nhiệm hình sự phải căn cứ vào Điều 25 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, say rượu không phải là một trong các căn cứ quy định tại điều này vì vậy quan điểm cho rằng vì say rượu mà miễn trách nhiệm hình sự là không chính xác.

Việc xem xét trên góc độ hành chính hay hình sự, mức độ ra sao, tội gì đều cần phải theo nguyên tắc chung của quá trình tố tụng của các cơ quan có thẩm quyền và theo luật định./.