Người đàn bà bí ẩn này đã khiến lực lượng công an nhiều tỉnh thành và Bộ Công an nhọc công điều tra theo dõi suốt nhiều năm trời. Cuối cùng ả cũng bị Công an tỉnh Bình Dương lần ra tung tích. Ngày 5/5/2011, Đào Thị Ngừng đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Long An tuyên án tử hình.
Những vụ đầu độc kinh hoàng
Một vụ đầu độc bằng thuốc gây mê tại miếu Bà Chúa Xứ ở Tây Ninh vào giữa tháng 11/2008, làm ba người mê man bất tỉnh, thủ phạm lấy đi 4 chỉ vàng 24K và 500.000 đồng đã gây chấn động dư luận ở Tây Ninh. Tháng 2/2009, hai ni cô tại ngôi chùa ở thành phố Bến Tre (tỉnh Bến Tre) cũng thiếp đi sau khi uống cà phê của một phụ nữ đến cúng chùa mời. Tỉnh dậy, các sư cô phát hiện mất 1 đôi bông tai và 3,2 triệu đồng.
Tại tỉnh Tiền Giang, từ tháng 4 đến tháng 7/2009 đã xảy ra liền 2 vụ đầu độc tương tự tại một gia đình và một ngôi chùa, hung thủ cướp 1 đồng hồ, 4 nhẫn vàng, 2 lắc vàng và 1,6 triệu đồng. Cũng trong thời gian này, tại tỉnh An Giang xảy ra 2 vụ đầu độc, trên 70 triệu đồng của các nạn nhân bị kẻ thủ ác cướp đi.
Cơ quan điều tra công an các tỉnh tập trung truy xét đối tượng, song vẫn không tìm ra manh mối về người đàn bà bí ẩn. Đến ngày 28/5/2009, tại chùa Bạch Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An lại xảy ra vụ đầu độc 3 sư cô, thủ phạm cướp một số tiền khá lớn thì cuộc điều tra lại càng quyết liệt dưới sự chủ trì của Cục CSĐTTP về TTXH Bộ Công an. Tổng hợp thông tin tài liệu các vụ đầu độc cướp tài sản trên, cơ quan công an nhận định những vụ cướp trên do một nhóm đối tượng gây ra, chúng có ít nhất 2 tên mà theo mô tả của các bị hại thì thủ phạm là người phụ nữ trạc 50 tuổi, cao không quá 1,4 mét, da rất trắng, sống mũi mới nâng sửa, tóc dài khỏi vai, nhuộm màu nâu, uốn xoăn, cổ đeo dây chuyền có hột đá cẩm thạch xanh có viền đá, đeo nhẫn vàng 18K có đính hột xoàn màu trắng…Từ tài liệu điều tra ban đầu, Cục CSĐTTP về TTXH Bộ Công an tiến hành xác lập chuyên án, giao cho Công an tỉnh Long An phối hợp điều tra, đồng thời chỉ đạo công an các địa phương tăng cường công tác nắm tình hình, rà soát, mô phỏng chân dung đối tượng để truy xét.Truy tìm người đàn bà bí ẩnTrung tuần tháng 10/2009, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã kiểm tra, đối chiếu và nhận định người có nhân dạng trên có nhiều khả năng là Đào Thị Ngừng (SN1960, ở ấp 2, xã Tân Bình, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) vừa được đặc xá vào ngày 20/9/2008. Thông báo truy tìm Đào Thị Ngừng (kèm theo chân dung và các thông tin liên quan) được gửi đến công an các địa phương trong tỉnh.
Tuy nhiên, những người mở nút vụ án, lần ra được tung tích người đàn bà bí ẩn này chính là trinh sát Nguyễn Quốc Hùng (Đội CSĐTTP về TTXH CATX Thủ Dầu Một), cảnh sát khu vực Nguyễn Văn Cường (Công an phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một) và anh N.T.N - người chở xe ôm nêu cao tinh thần cảnh giác phòng chống tội phạm có trí nhớ khá tốt.
Anh N.T.N cho tổ truy xét biết, anh đã nhiều lần chở người phụ nữ có nhân dạng đặc điểm trên đi nhiều nơi và bà ta vừa di chuyển chỗ ở mới. Anh N.T.N sốt sắng đưa các trinh sát đi truy tìm người đàn bà bí ẩn từ 11 giờ trưa 18/10 đến 22 giờ cùng ngày thì phát hiện thị tại một nhà trọ ở khu phố 2, phường Phú Cường.
Xác định tính chất nghiêm trọng của các vụ án, đồng thời nắm vững yêu cầu chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh nên trinh sát Nguyễn Quốc Hùng và cảnh sát khu vực Nguyễn Văn Cường hết sức cảnh giác, thận trọng, luôn trong tư thế sẵn sàng khống chế nếu đối tượng có hành vi bỏ trốn. Quả đúng như nhận định, khi lực lượng công an vừa bước vào nhà trọ thì người phụ nữ bất thần đứng dậy định trốn chạy.
- Muộn rồi Đào Thị Ngừng - trinh sát Quốc Hùng đanh giọng.
Nói rồi hai anh chắn ngay cửa và yêu cầu thị Ngừng ngồi xuống ghế. Đối chiếu nhân dạng thấy đúng là kẻ đang cần tìm nên các chiến sĩ lập tức khống chế và tiến hành kiểm tra hành chính. Thật bất ngờ và may mắn khi qua công tác kiểm tra, các anh thu giữ 1 sợi dây chuyền, 1 đôi bông tai, 1 vòng đeo tai, 1 lắc, 2 bịch cà phê, 2 túi dựng nhiều loại thuốc tân dược, 300.000 đồng và một số giấy tờ. Những tang vật trên đã quá đủ để chứng minh cho hành vi giết người, cướp tài sản của ả phù thủy này.Sau khi ghi lời khai ban đầu, Công an thị xã Thủ Dầu Một giao Đào Thị Ngừng cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An tiếp tục đấu tranh vạch trần tội ác của ả.
Hành trình tội ác Kết quả đấu tranh của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An cho thấy, năm 1978 Đào Thị Ngừng vào tù về tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Năm 1983, Ngừng tiếp tục mặc áo tù thêm 5 năm về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ra tù Ngừng lại “nâng cấp” hành vi phạm tội lên thành kẻ cướp để rồi phải “trở lại chốn xưa”. Năm 1990 Ngừng ra tù khi tuổi đã 30 nhưng không tu chí làm ăn mà tiếp tục dấn sâu vào tội ác mà vụ gây mê, cướp tài sản của sư cô Nguyễn Thị Lê ở chùa Quảng Bình, quận Thủ Đức, TP.HCM đã đưa ả trở lại nhà tù với mức án 4 năm.Chấp hành án được 4 tháng thì đầu tháng 10/1991, Ngừng trốn trại và tiếp tục thực hiện 4 vụ cướp tài sản khác bằng thủ đoạn gây mê khiến cơ quan điều tra lại một phen vất vả. Cuộc điều tra truy lùng người đàn bà này diễn ra quyết liệt suốt một thời gian dài. Gần bốn năm sau, ngày 12/5/1995, Ngừng mới sa lưới, TAND tỉnh Sông Bé tuyên phạt Ngừng tổng cộng gần 19 năm tù về các tội “trốn khỏi nơi giam” và “cướp tài sản”.
Sau 2 tháng cởi áo tù, ngày 8/11/2008, Đào Thị Ngừng đến xe Miền Đông gặp hai bạn tù là Hồng và Ngọc - hai kẻ chuyên sống bằng nghề móc túi tại bến xe Miền Đông - rủ đi cướp với thủ đoạn đầu độc nạn nhân bằng thuốc gây mê. Hồng và Ngọc đồng ý và ứng cho Ngừng hai triệu đồng. Ngọc dùng xe máy chở Ngừng lên Tây Ninh. Ngọc ở trọ gần miếu Bà Chú Xứ, Ngừng đến cúng, làm quen chủ miếu và hai phật tử rồi bỏ thuốc mê vào 3 ly cà phê mời họ uống. Khi những người này bất tỉnh, Ngừng lục lấy 4 chỉ vàng và 500.000 đồng. Sau đó Ngọc chở Ngừng về bến xe Miền Đông giao “chiến lợi phẩm” cho Hồng.
Do Ngừng đã ứng tiền nhiều nên Hồng không chia cho Ngừng. Khoảng tháng 2-2009, sau khi Hồng cung cấp cho Ngừng 25 viên thuốc gây mê cực mạnh với giá 400.000 đồng, Ngọc chở Ngừng xuống thành phố Bến Tre và chỉ điểm một ngôi chùa, Ngừng vào cúng và xin ở lại. Ngừng chặt 3 trái dừa rót vào 2 cốc, bỏ mỗi cốc 8 viên thuốc mê rồi mời 2 sư cô uống. Hai sư cô bất tỉnh, Ngừng cướp 1 đôi bông tai và 3,2 triệu đồng rồi ra gặp Ngọc đưa về bến xe Miền Đông giao tài sản cho thủ lĩnh Hồng để được chia 700.000 đồng.Cũng thủ đoạn trên, một mình Ngừng đón xe đò lên Buôn Ma Thuột xin ngủ nhờ tại một ngôi chùa và đầu độc 3 sư cô, cướp 5 chỉ vàng 24K, 1 ĐTDĐ, 150USD và 7 triệu đồng. Còn 2 vụ tại Tiền Giang thì khoảng tháng 4-2009, sau khi Ngừng mua 10 viên thuốc gây mê giá 400.000 đồng, Ngọc và Ngừng đón xe đò xuống Tiền Giang gặp “sư mẫu” chuyên lên đồng chữa bệnh là bạn của Ngọc và Hồng.
Do không thích sư mẫu nên Ngừng bỏ về. Ngừng ra bến xe Tiền Giang thì cháu của “sư mẫu” chạy đến nói là “sư mẫu” nhắn dẫn Ngừng giới thiệu cho một người thầy chữa bệnh hay. Trong lúc nói chuyện thì một đôi vợ chồng đi đám cưới về nghe chuyện, người vợ giới thiệu với Ngừng về một người thầy chữa bệnh trong xóm và hẹn Ngừng đến nhà để chị dẫn đi chữa bệnh.
Sau khi lên xe buýt về Gò Công, đi được một đoạn thì đôi vợ chồng kia xuống xe, Ngừng và cháu của “sư mẫu” tiếp tục về nhà cháu của “sư mẫu” ở Gò Công. Nghe Ngừng và cháu “sư mẫu” kể người phụ nữ trên có đeo vàng, “sư mẫu” bảo Ngừng đến gây mê cướp. “Sư mẫu” kêu xe ôm chở Ngừng đến nhà vợ chồng đó. Do đã làm quen nên Ngừng được vợ chồng này tiếp chuyện thân mật. Cơm tối xong, Ngừng pha 4 ly cà phê mời cả nhà uống. Sau khi họ thiếp đi, Ngừng lấy 1 đồng hồ và 600.000 đồng rồi tẩu thoát.
Cũng tại Tiền Giang, 18h một ngày tháng 7-2009, Ngừng cho ba người trong một ngôi chùa ngấm thuốc ngủ mê, thị cùng Ngọc lấy 2 chiếc lắc vàng 24K, 4 nhẫn vàng, 1 sợi dây chuyền. 4 giờ sáng, Ngừng và Ngọc về bến xe Miền Đông gặp Hồng. Hồng lấy sợi dây chuyền trị giá 3 triệu đồng. Ngừng bán số nữ trang trên được 11 triệu, chia cho Hồng 3 triệu, còn lại Ngừng và Ngọc mỗi người 4 triệu.Đào Thị Ngừng khai nhận đã cùng đồng bọn thực hiện 8 vụ gây mê, cướp được 9 chỉ vàng, 4 nhẫn vàng, 2 đôi bông tai, 2 lắc vàng, 1 sợi dây chuyền vàng, 1 đồng hồ, 150USD và khoảng 88 triệu đồng.Trong hai mươi người bị Ngừng đầu độc có ba người tử vong là bà Phạm Thị Thủy (trụ trì chùa Pháp Tam, Bến Tre), ông Nguyễn Văn Chơi (trụ trì chùa Quan Âm, Tiền Giang) và bà Võ Thị Xiêu (tu tại gia ở An Giang), nhiều người may mắn thoát chết do được phát hiện đưa đi cấp cứu kịp thời. Ngày 5/5/2011, Đào Thị Ngừng đã phải ra trước vành móng ngựa Tòa án nhân dân tỉnh Long An. Xét hành vi phạm tội của Đào Thị Ngừng là đặc biệt nghiêm trọng, đã tước đoạt mạng sống của ba người, gây tổn thương tinh thần và sức khỏe cho nhiều người khác, đã cướp đi số tài sản trị giá cả trăm triệu đồng, hội đồng xét xử cho rằng không còn khả năng cải tạo một con người như Đào Thị Ngừng nên tuyên án tử hình./.