VKSND Tối cao đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bộ Y tế, Công ty CP dược phẩm Cửu Long và các đơn vị liên quan.
VKSND Tối cao cho rằng, cần làm rõ hành vi sai phạm có dấu hiệu thiếu trách nhiệm của ông Nguyễn Việt Hùng (nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược), trong việc kiểm tra Công ty Cửu Long giữ lại số tiền hơn 3,8 triệu USD mà không báo cáo Bộ Y tế.
Thời hạn điều tra bổ sung không quá 2 tháng từ ngày C03 (Bộ Công an) nhận được quyết định trả hồ sơ.
Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3, điều 360, BLHS 2015.
Theo kết luận điều tra, ông Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế được Bộ giao làm Trưởng ban chỉ đạo giải quyết những vấn đề liên quan thuốc Tamiflu, nguyên liệu và thuốc Oseltamivir, có trách nhiệm kiểm tra các vấn đề liên quan theo phân công của Bộ.
Sau khi kiểm tra (theo chỉ đạo của Chính phủ), phát hiện Công ty Dược Cửu Long còn nợ nhà cung cấp hơn 3,8 triệu USD, ông Quang đã không chỉ đạo tiếp tục kiểm tra, làm rõ.
Sau khi Bộ Tài chính có công văn đề nghị tiếp tục làm rõ, ông Cao Minh Quang vẫn không chỉ đạo kiểm tra để thu hồi lại cho Nhà nước số tiền Công ty Dược Cửu Long đã được giảm giá nguyên liệu, gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước.
Ông Quang thừa nhận có thiếu sót khi không thực hiện kiến nghị của Bộ Y tế nên không biết Công ty Dược Cửu Long đã được giảm giá nguyên liệu số tiền hơn 3,8 triệu USD và xin tự nguyện khắc phục hậu quả.
Ông Nguyễn Việt Hùng (cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược Bộ Y tế) cũng vừa bị TAND TP Hà Nội tuyên án 3 năm tù vì liên quan đến vụ VN Pharma giai đoạn 2.
Cáo buộc vụ VN Pharma cho rằng, ông Hùng khi đó là Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Phó Chủ tịch Hội đồng xét duyệt thuốc Bộ Y tế. Theo quy định, ông Hùng có trách nhiệm kiểm tra, rà soát biên bản thẩm định, khi cần thiết phải kiểm tra hồ sơ sau khi Phòng Đăng ký thuốc kết luận biên bản thẩm định. Trước khi họp hội đồng xét duyệt cấp số đăng ký cho 7 thuốc Extrafovir; Kaderox-250; Kafotax-1000; MGP Axinex-1000, MGP Mosinase-625, H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin, ông Nguyễn Việt Hùng đã được nhận biên bản thẩm định nhưng không kiểm tra, xem xét kỹ nội dung biên bản, hồ sơ đăng ký thuốc, không phát hiện ra hồ sơ 7 thuốc không đáp ứng đúng quy định của pháp luật.
Cùng với các thành viên khác trong Hội đồng xét duyệt thuốc, ông Hùng đã đồng ý cấp số đăng ký cho 7 thuốc trong khi hồ sơ không đủ điều kiện cấp dẫn đến hậu quả 6/7 loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả nhãn mác Health 2000 Canada được nhập khẩu, tiêu thụ hết tại Việt Nam có trị giá hơn 148 tỷ đồng./.