Theo thống kê, số vụ việc mà Tòa án nhân dân  hai cấp tại TPHCM thụ lý  chiếm 1/5 số vụ việc cả nước và tính chất ngày càng phức tạp, chủ yếu là tranh chấp về nhà đất. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, đã có hơn 19.000 vụ việc cần thụ lý (trong khi cả năm 2017 là 22.500 vụ việc). Tòa án các cấp đã giải quyết gần 4.800 vụ việc và hiện đang có 14.000 vụ việc chưa được giải quyết, trong đó có gần 4.500 vụ việc đang tạm đình chỉ. 

dan_su_dpmp.jpg
 Phiên xét xử vụ án dân sự giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (gọi tắt là Vinasun Corp, đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun) và bị đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn Grab Taxi Việt Nam (gọi tắt là Grab) 
Qua thực tế báo cáo của Tòa án nhân dân TPHCM, hầu hết các vụ án tạm đình chỉ là chờ kết quả ủy thác tư pháp, kết quả thu thập chứng cứ của cơ quan, tổ chức khác về  giám định, định giá,  đo vẽ hiện trạng, tài liệu chứng cứ…Ngoài ra còn có các nguyên nhân như đợi kết quả xử lý của vụ án khác theo quy định pháp luật, hoặc trong quá trình giải quyết vụ án cá nhân liên quan trong vụ án chết mà chưa xác định người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng…Theo đánh giá của HĐND TPHCM, dù ngành tòa án đã có nhiều cố gắng, nhưng số vụ án dân sự bị tạm đình chỉ vẫn còn rất nhiều. Ông Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM cho rằng, số lượng án đình chỉ nhiều sẽ gây ra cho người dân những trăn trở, những khó khăn bức xúc. 

Ông Trương Lâm Danh, Trưởng ban pháp chế HĐND TPHCM cho biết, qua giám sát và khảo sát, có một thực tế là một số thẩm phán không tích cực hỗ trợ cho người dân khi có yêu cầu, trong khi vai trò hỗ trợ của thẩm phán là rất quan trọng. Bên cạnh đó, các luật sư tham gia bào chữa cũng chưa làm hết trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm tìm chứng cứ cho nguyên đơn. Đặc biệt, ông Danh cho rằng, vai trò mờ nhạt của các cơ quan chức năng có liên quan là nguyên nhân chính dẫn đến việc xử lý các vụ án còn chậm, khiến cho nhiều vụ việc bị kéo dài qua nhiều năm. 

“Có trường hợp, việc giám định chữ ký kéo dài gần 5 năm nhưng kết luận của công an như thế này “Kết luận về chữ viết và chữ ký có một số đặc điểm khác nhau nhưng chưa có cơ sở kết luận giám định”. Thế thì thẩm phán xử sao? Tôi cho rằng, đó là kết luận vô trách nhiệm. Trong đó, có một cơ quan của Bộ kết luận rất rõ ràng “Kết luận giám định không phải cùng một người ký và một chữ viết ra” thì Tòa án giải quyết rất nhanh”, Ông Trương Lâm Danh dẫn chứng.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, nhiều vụ án bị đình chỉ, chậm trễ là do công tác thu thập chứng cứ của các cơ quan có thẩm quyền quá lâu và đề nghị cần phải có chế tài xử lý.

“Chúng tôi thấy rằng, phải có những biện pháp phối hợp và có chế tài thì câu chuyện tạm đình chỉ án dân sự mới có hồi kết bởi có rất nhiều lí do để tạm đình chỉ án dân sự nhưng chúng ta không có địa chỉ chịu trách nhiệm”, ông Hậu kiến nghị. 

Cũng bàn về tình trạng án dân sự bị tạm đình hoặc chậm giải quyết, ông Lý Ngọc Thạch, Trưởng ban Dân chủ pháp luật, UBMTTQ Việt Nam TPHCM đề nghị cần phải bố trí nhân sự phù hợp và có chế tài xử lý các thẩm phán xử lý chậm. Phải giao những người có kinh nghiệm xử lý các vụ việc phức tạp để giải quyết nhanh và cần phải rút ra bài học kinh nghiệm. Theo ông Lý Ngọc Thạch, đây là vấn đề quan trọng vì nó liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Cần phải bố trí nhân sự có kinh nghiệm theo từng vụ việc phức tạp. Ông Thạch đề nghị, qua các vụ án dân sự phức tạp, khi giải quyết xong phải có tổng kết, rút kinh nghiệm để từ đó có sự trao đổi, học tập giữa hai cấp đối với các vụ án dân sự.

Theo đánh giá của Viện kiểm sát nhân dân TPHCM, số lượng án dân sự tại TPHCM đang rất lớn và tính chất ngày càng phức tạp. Mặc dù hầu hết lí do đình chỉ là đúng pháp luật nhưng rõ ràng nó đã gây ra nhiều bức xúc trong nhân dân. Ngành kiểm sát đã tăng cường kiểm sát, kiến nghị, kháng nghị và tiếp tục phối hợp với lãnh đạo tòa án để đẩy nhanh chỉ đạo, giải quyết. 

Bà Huỳnh Thị Hon, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân TPHCM cho rằng, cần phải làm tốt công tác tham mưu các cấp ủy, chính quyền địa phương, tranh thủ sự chỉ đạo của các cấp trong các vụ việc phức tạp. Chính quyền địa phương cần phải sớm trả lời kết quả xác minh, nhất là liên quan đến nhà đất, có chính sách quản lý tốt nhà đất trên địa để hạn chế tranh chấp phát sinh… Đặc biệt, cần phải nâng cao công tác tuyên truyền cho người dân hiểu về quyền và nghĩa vụ của mình.

Bà Huỳnh Thị Hon, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân TPHCM dẫn chứng: “Nhiều trường hợp người dân được mời nhưng không lên và cứ nghĩ là tòa án sẽ không giải quyết nhưng mà nếu như Tòa án đủ điều kiện xác định, mình cố tình thì sẽ xét xử vắng mặt. Trong những trường hợp như vậy, người dân sẽ không có dịp trình bày ý kiến của mình, đưa ra ý kiến để bảo vệ chính mình”.

Tới đây, TPHCM sẽ đề nghị lãnh đạo Tòa án các cấp phải có các giải pháp đôn đốc, phối hợp với các cơ quan hữu quan, cùng vào cuộc, đưa ra xét xử nhanh hơn các vụ án dân sự. HĐND thành phố sẽ thông qua Ban pháp chế để theo dõi, giám sát việc này trong thời gian tới nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho người dân./.