Tính đến hết tháng 2/2021, tỉnh Thanh Hoá có 1.609 đơn vị nợ bảo hiểm với tổng số tiền 349 tỷ đồng.

Trong số 1.609 đơn vị nợ bảo hiểm (chiếm 16% số đơn vị tham gia bảo hiểm) có 337 doanh nghiệp nợ khó thu (mất tích, phá sản, giải thể, ngừng hoạt động…). Một số doanh nghiệp có nguồn gốc nhà nước khi chuyển đổi sang kinh tế thị trường hoạt động kém hiệu quả dẫn đến nợ kéo dài như Công ty HanCorp.2 nợ 34 tỷ đồng; công ty cổ phần Lilama5 nợ 13 tỷ đồng; công ty cổ phần Licogi nợ 9,9 tỷ đồng; công ty cổ phần xây dựng số 5 nợ 12 tỷ đồng

Về nguyên nhân nợ bảo hiểm xã hội, ông Lê Bá Hội, Trưởng phòng thu, Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hoá cho biết, có trường hợp doanh nghiệp khó khăn thật sự, nhưng cũng không ít doanh nghiệp chây ì. Cơ quan bảo hiểm đã chuyển 41 hồ sơ các đơn vị nợ bảo hiểm sang Liên đoàn lao động tỉnh và Cơ quan công an để truy cứu trách nhiệm, nhưng chưa xử lý được đơn vị nào.

"Chế tài về công tác thu nộp bảo hiểm xã hội chưa đươc thực hiện. Từ năm 2016 đến nay, cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh đã chuyển 22 hồ sơ của các đơn vị nợ bảo hiểm sang Liên đoàn lao động tỉnh, thế nhưng đến nay tổ chức công đoàn chưa thực hiện khởi kiện đơn vị nợ bảo hiểm nào theo quy định. Việc lập hồ sơ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các đơn vị nợ đóng bảo hiểm đang còn vướng trong thực hiện vì từ năm 2018 đến nay, cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh đã chuyển 19 hồ sơ doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội sang cơ quan công an điều tra nhưng chưa xử lý được đơn vị nào", ông Hội cho biết thêm.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đề nghị các ngành phải vào cuộc xử lý. Hiện nay luật có rồi, nếu không xử lý nghiêm thì hệ luỵ rất lớn, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp và tỉnh. Đây là tồn tại hạn chế nhiều lần nhắc đến./.