Chiều 28/11, Tòa án nhân dân TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án gây thiệt hại hơn 3.600 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á với phần xét hỏi các bị cáo.
Trong phiên tòa chiều nay không có sự tham gia của Vũ “nhôm” và Nguyễn Thị Ái Lan (sinh năm 1973, nguyên Trưởng phòng Quản lý tài sản nợ thuộc khối kinh doanh nguồn vốn của DongABank). Trước đó, Hội đồng xét xử thông báo cách ly 2 bị cáo này trong phần xét hỏi buổi chiều nhằm đảm bảo tính khách quan, do cả hai bị cáo này không thừa nhận tội danh như cáo trạng truy tố. Việc trích xuất hai bị cáo sẽ được sắp xếp sau.
Bị cáo Trần Phương Bình tại tòa. |
Được gọi xét hỏi đầu tiên, bị cáo Trần Phương Bình khai trước khi chuyển về công tác tại DongABank, Bình là giảng viên tại trường Trung cấp Tài chính TPHCM. Tháng 7/1992, Bình chính thức chuyển về làm việc tại Ngân hàng Đông Á với chức danh Phó Tổng Giám đốc, vợ của Bình là Chủ tịch HĐQT. Thời gian đầu thành lập, Ngân hàng Đông Á có rất ít cổ đông, trong đó Công ty Vàng bạc đá quý Phú nhuận (PNJ) góp 8 tỷ đồng. Đến năm 1997, các cổ đông chính thức bổ nhiệm Bình làm Tổng giám đốc DongABank.
Theo lời khai của bị cáo Bình, từ năm 1997 đến năm 2015, Ngân hàng Đông Á trải qua rất nhiều lần tăng vốn điều lệ, bị cáo không nhớ chính xác bao nhiêu lần. Khi chủ tọa nhắc trong giai đoạn này, DongABank đã tăng vốn điều lệ tổng cộng là 39 lần và hỏi: “Căn cứ vào đâu để ngân hàng quyết định tăng vốn điều lệ?”, bị cáo Bình cho biết, căn cứ vào sự phát triển của ngân hàng, vốn tối thiểu của của ngân hàng theo quy định của NHNN và tính thanh khoản của ngân hàng.
Quyết định tăng vốn điều lệ do Đại hội đồng cổ đông quy định, giao HĐQT và Tổng giám đốc thực hiện. Theo bị cáo Bình, tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành cổ phần, bán cho các cổ đông hiện hữu. Ngân hàng cũng quy định cổ đông không được vay tiền của ngân hàng để mua cổ phần trong những lần tăng vốn điều lệ. Nguồn tiền mua cổ phần trong các lần tăng vốn điều lệ phải là tiền có nguồn gốc rõ ràng.
Các cổ đông có quyền vay tại các ngân hàng khác để mua cổ phần. Trong trường hợp này thì nguồn vốn mà Đông Á có bao gồm cả nguồn vốn của ngân hàng khác, điều này nảy sinh trường hợp sở hữu nguồn vốn chéo giữa các ngân hàng, nhưng pháp luật không cấm.
Trần Phương Bình khai nhận cáo trạng truy tố bị cáo đã chiếm đoạt hơn 2.000 tỷ đồng là chính xác, nhưng “về bản chất thì số tiền này còn nằm trong số cố phần của bị cáo và các cổ đông bị cáo nhờ đứng tên, hiện vẫn đang ở DongABank chứ không mất đi”. Cũng theo bị cáo Bình, những người đứng tên cổ phần không hỏi bị cáo lấy tiền đâu để mua cổ phần của DongABank. Bị cáo cũng không kinh doanh gì thêm, chỉ lấy tiền tích lũy từ những khoản tiền kiếm được từ DongABank để mua cổ phần của ngân hàng này./.
Khởi tố ông Hiệp “khùng”, chủ chuỗi nhà trọ bị cháy khiến 2 người chết