Sau phiên phúc thẩm Vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) vào cuối tháng 8/2012, Tòa đã tuyên cựu chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình lĩnh mức án 20 năm tù giam; đồng thời phải bồi thường thiệt hại hơn 500 tỉ đồng.
Tại buổi họp báo của Bộ Tư pháp chiều nay (17/4), phóng viên nêu câu hỏi rằng có nhiều doanh nghiệp được xác định là nguyên đơn dân sự trong vụ án, đã không làm đơn đề nghị thi hành án với vị cựu chủ tịch Vinashin. Vậy nếu doanh nghiệp không làm đơn, ông Bình có phải đền tiền?
“Theo luật thi hành án 2008 và các nghị định liên quan, thì đây dạng án theo đơn. Việc anh muốn được thi hành án thì phải có đơn đề nghị thi hành án, cơ quan có thẩm quyền mới tiến hành thi hành. Tuy nhiên việc này không phải một lần, chúng tôi đã trực tiếp họp với Bộ GTVT, trực tiếp mời các doanh nghiệp đó lên để trao đổi. Bộ GTVT cũng đã có công văn chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc Bộ phải làm đơn để tổ chức thi hành án. Tuy nhiên, một số công ty cho rằng họ không thiệt hại nên đã từ chối làm đơn đề nghị thi hành án”- ông Thành nói.
Ông Hoàng Sỹ Thành cho biết, đến nay, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin Phạm Thanh Bình chưa thi hành được đồng nào. Còn trong vụ Vinashin thì cũng mới thi hành được khoảng mấy chục tỷ đồng trong tổng số khoảng 1.200 tỷ đồng phải thi hành. “Tài sản của ông Bình hiện đang được kê biên để xử lý. Ngôi nhà của ông Bình ở Trung Hòa- Nhân Chính đang làm thủ tục kê biên, định giá, đấu giá để lấy iền đó thi hành án cho ông Bình; đồng thời tiếp tục xác minh các tài sản khác (nếu có) của ông Bình”./.