Sau khi giám sát tình hình oan sai tại Viện KSND tỉnh Cà Mau, ngày 10/2, ông Trương Minh Hoàng, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau đã đề nghị sớm bồi thường cho Tô Phương Trọng (21 tuổi, ngụ xã Tân Thành, TP.Cà Mau) vì bị tù oan hơn 1.300 ngày.
“Dù vụ án hiện đang đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, nhưng bản án sơ thẩm đã có hiệu lực, tòa tuyên Trọng vô tội vì vậy Viện KSND tỉnh phải chấp hành bồi thường cho em”, ông Hoàng khẳng định.
Án tuyên không phạm tội
Theo hồ sơ vụ án, vào chiều 5/11/2008, Trọng cùng bé H. (5 tuổi, ngụ xã Tân Đức, H.Đầm Dơi, Cà Mau) vào sân bưu điện cũ của xã Tân Đức hái cau. Khi nghe người lớn gọi, bé H. chạy ra gặp một phụ nữ cùng xóm và được dẫn về nhà ông Lê Văn Dũng (ông ngoại cháu H.). Lúc này vì tình nghi cháu H. bị xâm hại, ông Dũng cùng mẹ của H. tố cáo Trọng với chính quyền địa phương. Không lâu sau đó, Trọng bị mời đến nhà ông Dũng lập biên bản. Tại buổi làm việc, mặc dù Trọng luôn khẳng định mình không xâm hại bé H., cháu H. cũng không nói gì để ghi vào biên bản, thế nhưng ngày hôm sau, Trọng bị chuyển lên công an huyện để lấy lời khai và sau đó bị Công an tỉnh Cà Mau khởi tố, tạm giam về tội hiếp dâm trẻ em.
Đến ngày 18/6/2010, TAND tỉnh Cà Mau xử sơ thẩm, tuyên phạt Trọng 6 năm tù về tội hiếp dâm trẻ em, buộc bồi thường cho bị hại tổng số tiền 3.950.000 đồng. Sau đó, Trọng chống án.
Ngày 25/11/2010, TAND tối cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm, hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại.
Ngày 30/7/2013, TAND tỉnh Cà Mau xét xử sơ thẩm lần 2, tuyên Trọng không phạm tội. Đến ngày 13/5/2014, TAND tối cao tại TP.HCM xử phúc thẩm, tuyên y án sơ thẩm.
Gian nan đòi bồi thường
Trước khi gửi đơn yều cầu bồi thường đến Viện KSND tỉnh Cà Mau, Trọng đã có đơn gửi đến TAND tỉnh yêu cầu xem xét bồi thường thiệt hại.
Tại thông báo trả lời cho Trọng, TAND tỉnh chỉ rõ: Ở giai đoạn tố tụng hình sự này, tuy bản án hình sự sơ thẩm ngày 18/6/2010 của TAND tỉnh Cà Mau bị tòa án cấp phúc thẩm hủy, nhưng giao toàn bộ hồ sơ về viện kiểm sát điều tra lại theo thủ tục chung, nên chưa đủ các điều kiện áp dụng một trong các trường hợp quy định trong luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2009. Do đó, TAND tỉnh Cà Mau không có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này.
Ngày 23/2/2015, tiếp xúc với PV Thanh Niên, Trọng buồn bã nói: “Ngày được thả tự do, em không nhớ đường về nhà. Em đã gửi đơn nhiều nơi, nhưng tới giờ vẫn chưa biết kết quả. Trước tết em có đến Viện KSND tỉnh thì họ nói chờ qua tết mới giải quyết. Thực sự, em trông chờ mọi việc sớm kết thúc, em quá mệt mỏi rồi. Gia đình em nhiều năm trời sống trong tủi nhục vì có đứa con phạm tội. Còn em thì mất tất cả tương lai. Giờ đây để nuôi sống bản thân và mẹ già hằng ngày em phải đi làm thuê”.
Trọng kể, do không có người hướng dẫn nên từ khi nhận bản án của Tòa phúc thẩm của TAND tối cao tại TP.HCM tuyên không phạm tội hiếp dâm trẻ em, Trọng không biết cơ quan nào phải chịu trách nhiệm bồi thường. Có người chỉ gửi đơn đến TAND tỉnh Cà Mau nhưng mới đây, tòa án có văn bản trả lời trách nhiệm bồi thường là của Viện KSND tỉnh nên Trọng tiếp tục làm đơn gởi Viện KSND tỉnh yêu cầu bồi thường và xin lỗi công khai. Nhưng mấy lần gửi đơn không được tiếp nhận. “Sau đó em được một cán bộ cho biết đơn em không hợp lệ và đưa em một xấp tài liệu bảo về nghiên cứu viết theo cho đúng. Đến ngày 2/10, em làm đơn theo hướng dẫn và trở lại nộp nhưng vẫn không được chấp nhận và yêu cầu làm lại”, Trọng kể.
Theo đơn gửi Viện KSND tỉnh Cà Mau, Trọng đòi bồi thường tổng cộng 2,355 tỉ đồng. Cụ thể: mất thu nhập, cơ hội nghề nghiệp là 900 triệu đồng; tổn thất tinh thần bản thân 500 triệu đồng; tổn thất tinh thần của cha, mẹ, anh, chị, em 500 triệu đồng; chi phí gia đình thăm nuôi 43 tháng bị tạm giam 350 triệu đồng; chi phí thân nhân đi làm việc với cơ quan tố tụng 80 triệu đồng và chi phí thuê luật sư 25 triệu đồng./.