Hoạt động lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội hoặc mạng viễn thông đã phổ biến đến mức hầu hết mọi người nếu không trực tiếp được các đối tượng lừa đảo tiếp cận, liên lạc thì cũng đã từng nghe người thân, bạn bè, đồng nghiệp kể về những vụ việc lừa đảo.

Chị Lan từng là mục tiêu để các đối tượng hướng đến lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Chị cho biết, cách đây không lâu, khi đang trong giờ làm việc, có một số điện thoại với đầu số 069 gọi cho chị trao đổi được mấy câu thì mất sóng.

lua_dao_qua_dien_thoai_hmrn.jpg
Ảnh minh họa.
Chị Lan đã chủ động gọi lại thì đầu số bên kia cho biết chị đang kết nối với tổng đài của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và hướng dẫn bấm phím theo yêu cầu để gặp nhân viên Tòa án.

Thực hiện theo yêu cầu, chị Lan đã kết nối với 1 người tự xưng là nhân viên Tòa án, người này cho biết chị đang có đơn kiện, họ tên, số chứng minh nhân dân của chị Lan đang dùng để đăng ký một thuê bao điện thoại có liên quan đến một đường dây ma túy. Sau đó người này đề nghị chị Lan giữ máy để kết nối với phòng điều tra Công an thành phố Hà Nội để xác minh thông tin, hoàn thiện hồ sơ…

Trong lúc chờ kết nối, chị Lan nghe được âm thanh như các điều tra viên đang trao đổi với nhau. Không lâu sau đó, một người tự xưng là công an trao đổi với chị Lan, lòng vòng một lúc về các thông tin cá nhân và cuối cùng yêu cầu chị cho biết số tiền hiện có trong tài khoản và đề nghị chuyển sang một tài khoản khác vừa là để xác minh, hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu, vừa là để đảm bảo an toàn cho số tiền đó.

Vì đang có việc cá nhân liên quan đến Tòa án nên ban đầu chị Lan đã tin và làm theo hướng dẫn của các đối tượng này. Chỉ đến khi các đối tượng yêu cầu chị chuyển tiền vào một tài khoản khác chị mới nhận ra mình đang là mục tiêu của các đối tượng lừa đảo.

Đại diện Công an thành phố Hà Nội cho biết, câu chuyện vừa nêu thuộc dạng giả danh cán bộ của cơ quan tư pháp, sử dụng công nghệ truyền tiếng nói của con người qua mạng internet bằng điện thoại IP. Từ đầu năm 2018 đến nay, phòng PC50, Công an Hà Nội đã tiếp nhận 93 đơn trình báo thiệt hại tới 58 tỷ đồng; đấu tranh làm rõ 9 ổ nhóm với 53 đối tượng đã gây ra 43 vụ án; chiếm đoạt 38 tỷ đồng.

Thượng tá Hà Thu Hằng - Phó phòng PC50 (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, hiện nay các đối tượng sử dụng các phương thức lừa đảo phổ biến khác như: Đối tượng tự xưng là người nước ngoài, kết bạn, làm quen với người Việt Nam. Sau một thời gian muốn sang Việt Nam du lịch, sinh sống, đối tượng gửi quà tặng có giá trị lớn hoặc gửi tiền nhờ mua nhà ở Việt Nam.

Sau đó bọn chúng giả làm nhân viên sân bay hoặc hải quan gọi điện tới đe dọa phát hiện lượng lớn ngoại tệ, yêu cầu nộp tiền phạt để chiếm đoạt; các đối tượng lập những tài khoản zalo, facebook, email… gần giống với tài khoản khác hoặc hack chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội sau đó liên hệ vay tiền, nhờ mua thẻ cào nhằm chiếm đoạt; các đối tượng nhắn tin trúng thưởng tới người bị hại rồi yêu cầu đóng phí nhận thưởng rồi chiếm đoạt khoản phí đó. Ngoài ra các đối tượng còn đánh cắp thông tin cá nhân, tấn công vào hệ thống ngân hàng…

Theo thượng tá Hà Thu Hằng, trước sự phát triển của internet, mạng xã hội, hoạt động lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội, mạng viễn thông ngày càng tinh vi, phức tạp. 

"Bộ luật Hình sự sửa đổi 2015 có những quy định cụ thể, chúng tôi đã đấu tranh quyết trấn áp loại tội phạm này. Thời gian tới, diễn biến của hoạt động lừa đảo qua mạng xã hội này càng phức tạp tinh vi hơn. Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch cụ thể để đấu tranh… đề nghị mọi người dân nêu cao tinh thần cảnh giác" - Thượng tá Hà Thu Hằng cho biết.

Trong 5 năm qua, Công an Hà Nội đã đấu tranh làm rõ 554 vụ việc với 879 đối tượng. Trong đó chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính vụ việc với 283 đối tượng, khởi tố 284 vụ với 596 đối tượng. Đây chỉ là những vụ việc đã được Công an thành phố Hà Nội đấu tranh làm rõ. Đối với mỗi người dân nên sử dụng internet, mạng xã hội một cách thông minh, nâng cao tinh thần cảnh giác để tránh bị lừa đảo./.