Liên quan đến vụ việc một nhà hàng ở Điện Biên bị khách hàng "bỏ bom" đến 150 mâm cỗ lớn. Theo đó, sau khi vụ việc được chia sẻ lên MXH đã khiến không ít người tỏ ra bất ngờ và phẫn nộ trước hành động của vị khách "bùng hàng". 

Cụ thể, 150 mâm cỗ trên được nhà hàng tiệc cưới có tên Tâm Phúc (phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ, Điện Biên) được một vị khách đặt, trị giá khoảng hơn 200 triệu đồng. Qua lời chia sẻ của người chủ nhà hàng này cho biết, vị khách đặt 150 mâm cỗ, thế nhưng đến hẹn nhà hàng vẫn không thấy sự xuất hiện của cô dâu - chú rể hay bất kỳ một vị khách nào đến tham dự.

Bên cạnh đó, chủ nhà hàng còn cho biết, do khách đặt là 1 người quen, thế nên người này đã chủ quan và không lấy tiền đặt cọc trước. Trước diễn biến của sự việc trên, nhiều người đã để lại thắc mắc, trong trường hợp này, liệu rằng nhà hàng có quyền khởi kiện và đòi bồi thường từ vị khách trên hay không?

Mới đây, chia sẻ với Zing, luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, khi khách hàng đặt tiệc cưới tại nhà hàng thì đây đã là một giao dịch hợp đồng. Mặc dù cả 2 bên đều không tiến hành làm hợp đồng bằng văn bản, thế nhưng giao dịch trên đã xảy ra và phát sinh 1 số quyền và nghĩa vụ. Ngoài ra, luật sư Dũng còn cho biết, nếu cả 2 bên đều thừa nhận có giao dịch thì đều hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu như có phát sinh lỗi dù có hoặc không có giấy đặt cọc. 

Bên cạnh đó, luật sư Dũng cũng nêu rõ quan điểm: "Tôi cho rằng không bỗng dưng mà phía nhà hàng làm 150 mâm cỗ để mang tới. Nếu không thoả thuận được trong trường hợp này, phía bị thiệt hại (nhà hàng) có thể khởi kiện vụ việc ra toà, yêu cầu bồi thường".

Để giải thích rõ về vấn đề có liên quan đến các hình thức của hợp đồng, luật sư Dũng cho biết thêm, hợp đồng có nhiều loại như hợp đồng theo hình thức lời nói, hành vi, văn bản. Có thể hiểu rằng, nếu đi mua 1 món đồ ngoài chợ; bạn trả tiền và nhận được đồ thì đây là 1 một giao dịch hợp đồng. 

Cũng cùng quan điểm với luật sư Dũng, vị luật sư Trần Minh Cường (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng sự việc "bùng" 150 mâm cỗ trên, hợp đồng đã được xác lập dù không có văn bản. Vì vậy, luật sư này nhận định, nếu có tranh chấp mà bên đặt tiệc không thừa nhận hành vi "bùng hàng" thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về bên nhận đặt tiệc là nhà hàng.

Các vị luật sư cũng nhận định, nhà hàng Tâm Phúc có quyền khởi kiện và đòi bồi thường thiệt hại khi bị "bùng" 150 mâm cỗ lớn. Tuy nhiên, nếu như bên đặt tiệc không thừa nhận việc đặt tiệc tại nhà hàng, thì phía bên nhà hàng phải có nghĩa vụ chứng minh.

Luật sư Cường cho biết thêm: "Thực tế, vấn đề đòi bồi thường rất khó. Nhà hàng không chỉ phải chứng minh có thoả thuận đặt tiệc mà còn phải chứng minh thiệt hại để yêu cầu bồi thường"./.