Đây là vụ án gây chấn động cả nước mà trước đó, hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) tuyên phạt tử hình với Lê Bá Mai. Tuy nhiên, VKSND Tối cao khẳng định vi phạm tố tụng, trong hồ sơ còn nhiều điểm mâu thuẫn nên ngày 5/2/2007, Hội đồng phẩm phán TANDTC ra quyết định giám đốc thẩm hủy án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Phước và án phúc thẩm của TANDTC thành phố Hồ Chí Minh.
Tại phiên tòa lần này, vị đại diện VKSND tỉnh giữ quyền công tố luận tội Lê Bá Mai vẫn giữ nguyên quan điểm như trước đây luận tội Lê Bá Mai “Hiếp dâm trẻ em” và “Tội giết người” theo Bộ luật Hình sự. Đồng thời, đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt Lê Bá Mai tử hình.
Tại phiên toà xử Lê Bá Mai ngày 13/7 (Ảnh:PLTPHCM) |
Điểm mới trong phần xét hỏi, Lê Bá Mai đều khai nhận mình giết người và hiếp dâm nhưng khi Hội đồng xét xử hỏi hành vi đó thể hiện như thế nào thì Mai không mô tả được. Khi được hỏi tại sao lại tự nhận tội mà không mô tả được hành vi, Lê Bá Mai khẳng định mình bị ép cung và bị cán bộ công an huyện Bình Long đánh đập nên buộc phải nhận tội. Sau đó Mai phản cung kêu oan tại tòa.
Để làm rõ những mâu thuẫn trong các lời khai và bút lục trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử hỏi một số tang vật liên quan đến chủ trang trại Dương Bá Tuân- người nuôi và thuê Mai.
Ông Tuân khẳng định những tang vật trong vụ án mà cơ quan điều tra nêu trong bản kết luận là bịa đặt, gia đình ông không có những vật dụng đó. Ông cho rằng việc Cơ quan điều tra thu giữ tang vật của gia đình ông mà chưa có sự đồng ý của chủ sở hữu như xe gắn máy và các vật dụng khác là vi phạm nghiêm trọng tố tụng.
Ông Tuân cung cấp một tình tiết hết sức quan trọng trong vụ án là trong khi Lê Bá Mai bị tạm giữ có một người tên Tuấn tự xưng là giám đốc một Công ty TNHH gặp Mai bảo “Mày cứ nhận tội đi, chỉ hai ba năm tù là ra thôi…” cho thấy tính khuất tất của vụ án. Ông khẳng định Lê Bá Mai bị oan sai.
Phần tranh tụng giữa VKSND tỉnh Bình Phước và các luật sư bào chữa cho Lê Bá Mai kéo gần hai ngày.
Các luật sư đề nghị VKSND làm rõ những mẫu thuẫn trong cáo trạng cũng như trong các bút lục và phần kháng nghị số 30 của VKSND Tối cao. Đặc biệt, cơ quan điều tra vi phạm nghiêm trọng tố tụng là bỏ qua không giám định 4 cọng tóc tại hiện trường; điều tra viên lập biên bản không có chữ ký của bị cáo; biên bản tẩy xóa; thu giữ tang vật không có người chứng kiến…
Phần tranh tụng VKSND hầu như không làm rõ được những yêu cầu mà các luật sư đề nghị.
Đến trưa 15/7, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Bình Phước thấy một số chứng cứ, lời khai mâu thuẫn với lời buộc tội của VKSND tỉnh nên quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung theo luật định./.