Tháng 6/2011, thủ phạm trong vụ án là Phạm Duy Hân (SN 1989) đã phải đền tội. Hân cũng là tử tù cuối cùng bị xử bắn tại Bến Tre. Sáu năm sau vụ án chấn động dư luận một thời, PL&TĐ quay lại xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.
Ngôi nhà tuềnh toàng, nơi tuổi thơ tử tù Hân bị cha hắt hủi, đánh đập |
5h30 chiều, một nam thiếu niên áo trắng quần đen mới lững thững bê chiếc xe đạp qua cầu gỗ tiến về phía ngôi nhà. Cậu bé này là em trai của Phạm Duy Hân. Khi vụ án xảy ra Huy mới học lớp 1, nay cậu bé đã lên lớp 8.
Khi biết khách đến tìm mẹ, Huy tỏ ra nghi ngại: “Mẹ đi làm mướn, tối muộn mới về”. Cậu bé chủ nhà nhất định không chịu bật điện, cứ đi ra đi vào ý chừng chờ mẹ. Gần 8h tối, bà mẹ mới từ trong rừng dừa đi về.
Bà Huỳnh Thị Tâm (SN 1968, mẹ của Hân) kể về cuộc đời bất hạnh: Xuất thân gia đình nghèo khó, 18 tuổi bà đi lấy chồng. Lấy nhau được vài năm ông ấy phải nghỉ việc do nghiện rượu, rồi ở nhà luôn.
Rượu vào lời ra, mới đầu nói nhiều, sau lè nhè kiếm chuyện mắng chửi vợ con. Bố mẹ đẻ cũng không chịu nổi con trai nát rượu, đành gạt nước mắt chuyển đi nơi khác sinh sống.
Mỗi khi có rượu vào, nhìn vợ “ngứa mắt”, người chồng vớ được cái gì bèn phang cái đó, ly chén trong nhà dần dần chẳng còn cái nào. Sống với người chồng hung hãn như vậy, nên chẳng mấy khi thân thể bà Tâm không có vết bầm tím.
Ngoài nát rượu và hung bạo với vợ con, người đàn ông này còn nổi tiếng gàn dở ở địa phương. Điện đã về xã gần 20 năm qua, nhưng ông Hoàng nhất quyết không kéo điện về gia đình mình vì lo “tốn kém, điện giật”.
Đối với vợ như vậy, đối với con trai, người cha cũng khắc nghiệt không kém. Lúc còn bé, những trận đòn thừa sống thiếu chết của cha trong những cơn say luôn khiến Hân ám ảnh. Lớn lên một chút, mỗi lần ông bố nổi điên lè nhè là cậu bỏ đi. Hai cha con hầu như không bao giờ nói chuyện được với nhau.
Phải chăng tuổi thơ dữ dội này đã khiến cậu bé lầm lì năm xưa trở thành tên giết người với thủ đoạn dã man, tàn bạo bậc nhất Việt Nam?
Tình oan trái với cô gái “vợ khắp người ta”
Tử tù Phạm Duy Hân |
Làm công nhân một thời gian, Hân quen Nguyễn Thị Thúy (SN 1990). Thời điểm đó Thúy đang là tiếp viên nhà hàng, ra đời sớm khiến cô gái già dặn trước tuổi. Yêu đương một thời gian, cả hai cũng đã mơ đến “ngôi nhà và những đứa trẻ”. Thúy đã bỏ việc ở nhà hàng để tìm việc “lành mạnh” hơn.
Tuy nhiên, khi bạn trai đưa về nhà, tận mắt chứng kiến cuộc sống “robinson” trong rừng dừa của gia đình Hân thì cô gái tỏ vẻ nản hẳn. Mặc dù vẫn sống chung với Hân nhưng Thúy nhanh chóng quay lại “con đường cũ”, cặp kè với nhiều người, có khi dẫn cả bạn tình khác về phòng trọ.
Ghen tuông khiến cặp đôi này liên tục cãi vã. Bà Tâm kể: “Cũng 2 - 3 lần Hân đưa con bé về nhà, nhưng nó chỉ nói là bạn. Vụ án mạng xảy ra, tôi mới biết chúng nó yêu và đã ở với nhau từ lâu”.
“Sau này tôi nghe bà chủ nhà trọ kể lại buổi tối hôm đó, Hân nó đi làm bảo vệ ca đêm. Những người hàng xóm thấy Thúy dẫn đàn ông về phòng nên đã điện thoại méc lại. Đêm hôm đó chúng cãi nhau rất dữ, có thể trong lúc ghen tuông, con tai tôi đã giết con bé”, bà mẹ thở dài.
Nhắc lại vụ án, mẹ tử tù tỏ vẻ chân thành: “Sau khi giết bạn gái, Hân bỏ xác lại phòng trọ, về nhà năn nỉ cha mẹ giúp phi tang xác. Khi thấy cha nó từ chối, tôi nghĩ thương thằng bé vô cùng.
Nó là con đẻ mà suốt từ lớn tới nhỏ lúc nào cũng ông ấy cũng hắt hủi. Khi thằng bé năn nỉ “mẹ phụ giúp con quăng xác con bé”, tôi nhắm mắt đồng ý. Lúc đó tôi ngu dại, đáng lẽ tôi phải hỏi người thân khác, nếu được can ngăn thì đâu đến nỗi…”.
Ở trong phòng trọ, khi đó Tâm lột da mặt, móc mắt, cắt tai bạn tình, nhét vào bao tải, rồi đi xe chở ra ngoài đường. Bà Tâm lên ngồi phía sau, ôm bao tải đựng xác người, hai mẹ con quăng xuống sông.
Tử tù đào huyệt mộ cho chính mình
Thi thể cô gái sau đó ít ngày nổi lên sông. Cảnh sát vào cuộc, lần theo dấu vết, phát hiện con trai bà Tâm là hung thủ.
Nhắc đến đứa con tội lỗi, người đàn bà ngậm ngùi: “Từ nhỏ ổng đánh nó hoài, nó cứ lì ra chẳng nói cũng chẳng khóc. Sau này giết con bé người yêu, nó vẫn lì lợm thế.
Từ đầu tới cuối nó nhất định không chịu nhận tội giết người. Dù tôi có nói: “Thôi con ơi thành khẩn nhận tội đi, biết đâu các chú các bác còn thương tình” nhưng nó cũng không nghe. Chắc tại nó cứng đầu như vậy, nên tòa mới tuyên án xử tử”.
Cái hố Hân đào sau vườn, sau này trở thành huyệt mộ tử tù |
Tuy thường xuyên bị đánh đập, nhưng nhắc tới chồng, bà Tâm không hề có chút oán hận, mà rất dịu dàng: “Hôm bữa có lịch người ta xử bắn nó, người hàng xóm bảo “bà có đi tôi chở đi”. Nhưng tôi nghĩ đi làm gì, đến đó thấy họ bắn con mình, về chắc ám ảnh mãi.
Hai vợ chồng ở nhà mà cứ đi ra đi vào mãi. 10h trưa ông ấy lẩm bẩm “chắc giờ này bắn rồi” sau đó vào giường nằm đến tối. Chắc ổng cũng thương nó lắm”, thiếu phụ rớt nước mắt.
Hân bị xử tử được 2 năm thì người cha mất, vừa vì bệnh lao, vừa vì buồn phiền. Ông Hoàng mất, hàng xóm thương tình giúp đỡ mẹ con bà Tâm mắc đường dây điện. Từ đó đến nay hai mẹ con bà mới thoát cảnh đèn dầu.
Góa phụ chia sẻ: “Mọi chuyện đã qua, giờ tôi chỉ mong đi làm kiếm tiền cho thằng nhỏ ăn học. Nay nó đã học đến lớp 8, tôi ráng nuôi hết lớp 12 rồi đi làm như người ta. Tôi không dám mong ước con giàu có, chỉ mong nó thành người bình thường là tôi vui rồi”.
Bà Tâm lặng người hồi lâu, tâm sự nhớ nhất trong đời cái ngày định mệnh 1/2/2010. Hôm ấy bà và chồng cũng phải ra tòa, TAND tỉnh Bến Tre tuyên phạt con bà mức án tử hình về tội giết người, bản thân bà bị tuyên phạt 2 năm tù, chồng bà bị tuyên phạt một năm tù về tội “không tố giác tội phạm", may mắn vợ chồng bà được cho hưởng án treo.
Từ hôm ấy bà ít ra sau vườn, nơi có một cái hố đất hình chữ nhật dài 2m, rộng 60cm, sâu 48cm. Cái hố ấy chính là cái huyệt định chôn xác nạn nhân. Mới đầu, sau khi gây án, Hân về nhà đào cái hố trên để giấu thi thể bạn tình, nhưng do đất quá cứng nên Hân đã chuyển từ “thổ táng” sang “thủy táng” và năn nỉ mẹ phi tang xác cùng.
Sau ngày Hân bị thi hành án, người mẹ mang xác con trai về chôn chính vào cái hố định mệnh Hân đã đào 2 năm trước. Khu vườn âm u, nay lại càng âm u./.