Tóm tắt câu chuyện

Trưa 20/9/2012, tại một giao lộ nội thành Buôn Ma Thuột xảy ra một vụ va quệt giữa 2 xe máy khiến ông Lê Phước Thọ (67 tuổi) và cậu học sinh lớp 10 Đỗ Quang Thiện cùng ngã xuống đường.

Thấy ông Thọ nồng mùi bia rượu, nằm im không dậy được, Thiện gọi taxi đưa ông ta vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk.

Nửa năm sau, Thiện bị khởi tố vì tội gây ra tai nạn giao thông. Hồ sơ luận tội ghi rõ vì vụ va quệt này mà ông Thọ tổn hại đến 50% sức khỏe.

2_1433083253530_sbbd.jpg
Thiện thi học kỳ sáng 25/5/2015.

Sau 2 phiên sơ thẩm và phúc thẩm, tháng 8/2014, Thiện bị tòa tuyên phạt 9 tháng tù giam, buộc cha mẹ Thiện phải bồi thường cho ông Thọ các khoản chi phí, viện phí hơn 56 triệu đồng.

Cơ quan Thi hành án hình sự ngày 2/4/2015 đưa cả xe đặc chủng đến Trường THPT Buôn Ma Thuột để áp giải Thiện ngay giữa buổi học lên xe tù.

Tập thể lớp 12A2 của Thiện đã đồng ký tên vào đơn kiến nghị gửi Chủ tịch tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Sở GD&ĐT xin cho Thiện được tạm hoãn thi hành án để chuẩn bị dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sắp tới.

Nhưng ngày thi đã gần kề mà Thiện vẫn mang thân phận của một tù nhân. Cha của Thiện - ông Đỗ Quang Thanh đã đem hồ sơ kêu cứu đến Báo Tiền Phong. Và từ đó bắt đầu…

Hành trình 7 ngày cho một “kỳ án”

Ngày 17/5, ông Thanh ôm hồ sơ đến sau 7 giờ tối theo lời hẹn với nhà báo Hoàng Thiên Nga - Trưởng Ban đại diện Báo Tiền Phong tại khu vực Tây Nguyên (NBHTN).

Ông nghẹn ngào kể đã hơn 2 năm đi gõ cửa gửi đơn kêu oan cho con trai  khắp các tòa - viện - công an từ cấp thành phố đến cấp TW, kêu lên Quốc hội, UB Tư pháp Quốc hội, Hội Luật gia Việt Nam, chính quyền tỉnh và thành phố... nhưng hầu như không nhận được hồi âm nào ngoài vài cái phiếu chuyển đơn.

Với kinh nghiệm 20 năm làm báo, thực hiện hàng trăm phóng sự điều tra, NBHTN nghiệm ra rằng: Khi các cơ quan công tố (gồm công an, tòa án, viện kiểm sát) đồng loạt kết án, còn bị cáo ra sức kêu oan thì muốn tìm ra sự thật, nhà báo phải vận dụng mọi kỹ năng nghề nghiệp cố gắng tìm cho ra các dấu hiệu, chứng cứ khác để xâu chuỗi logic được toàn bộ các sự việc ngoài những gì có trong hồ sơ vụ án đề phòng hồ sơ không đầy đủ hoặc đã bị làm sai lệch theo hướng bất lợi cho bị cáo.

Trong hồ sơ kêu oan vụ này, có một số giấy tờ của 3 bệnh viện ông Thọ từng đến điều trị, do cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Buôn Ma Thuột (CSĐT CATP BMT) thu thập nhưng có vẻ thiếu khá nhiều.

2 bệnh viện đầu chỉ có vài trang bệnh án photo ghi nhận ông Thọ bị đột quỵ. Riêng Bệnh viện Chợ Rẫy có mấy tờ phiếu thanh toán mà gia đình ông Thọ kẹp vào để đòi bồi thường viện phí, photo rất mờ nhòe không thể đọc ra là họ chẩn đoán ông Thọ bị cái gì, nhập viện ngày nào.

Còn Bản giám định pháp y thương tích do Trung tâm Giám định pháp y Đắk Lắk xác nhận thì càng cẩu thả, sơ sài hơn nữa vì giám định viên chỉ thực hiện bằng cách xem qua hồ sơ bệnh án của BVĐK tỉnh chứ không hề thăm khám trực tiếp trên bệnh nhân, nhưng lại ghi kết luận “Chấn thương sọ não, mất 50% sức khỏe”.

Hồ sơ vụ án cũng cho thấy, vì ông Thanh - bố cháu Thiện khiếu nại, cho rằng  bản giám định pháp y là gian dối nên Cơ quan CSĐT CATP BMT đã đề nghị Phân viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an căn cứ vào đó giúp giám định lại mức độ tổn hại sức khỏe cho ông Thọ để làm căn cứ khởi tố vụ án.

Phân viện trả lời phải giám định trên thực thể người bệnh. Điều này cơ quan CSĐT không làm được vì ông Thọ viện cớ sức khỏe kém để không đi vào TP HCM giám định lại, nhưng sau đó, cơ quan CSĐT vẫn căn cứ vào bản giám định pháp y ban đầu hết thời hiệu từ lâu để khởi tố em Thiện phạm lỗi vi phạm an toàn giao thông khiến ông Thọ bị chấn thương sọ não.

Tất cả những mâu thuẫn hiển hiện trong hồ sơ kêu oan đều xoay quanh nghi vấn về nguyên nhân tổn hại sức khỏe của ông Thọ. Điều đó khiến nhà báo xác định bước đột phá để tìm ra những sự thật còn bị khuất lấp, phải bắt đầu từ hướng bệnh viện.

Ngày 18/5: 7h30’, NBHTN đến Bệnh viện tỉnh Đắk Lắk xin xem lại toàn bộ hồ sơ bệnh án của ông Lê Phước Thọ, nhập viện trưa 20/9/2012, phát hiện ra Công văn (CV) 696.

Ông Nguyễn Văn Hùng - BSCKII, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp BV, khi trao CV đã không ngại ngần khẳng định với nhà báo: Mình dám chắc là cậu nhỏ này đã lãnh án oan! Nhà báo đọc CV 696, kinh ngạc thấy từ ngày 26/9/2013, hội đồng chuyên môn của BV đã trả lời chính thức với Viện KSND TP Buôn Ma Thuột (Viện KS) là nguyên nhân đột quỵ của ông Thọ hoàn toàn do bệnh lý, không liên quan gì đến tai nạn giao thông. Vậy mà không những toàn bộ hồ sơ vụ án và 2 phiên tòa đều không đề cập tới CV 696, ngay cả luật sư bào chữa cho Thiện cũng chẳng hề biết về CV 696.

Ngày 19/5: Đầu buổi sáng, NBHTN sang Tòa án tỉnh, các lãnh đạo tòa án đều viện cớ đang bận họp, từ chối tiếp. Nhận định rằng CV 696 là chứng cứ quan trọng, có thể làm xoay chuyển cục diện vụ án, NBHTN gấp rút chuẩn bị tư liệu, viết loạt bài điều tra về vụ Kỳ án sân trường nhằm giải oan cho Thiện. Cùng với đó, nhà báo cũng tham vấn thêm ý kiến của các luật sư.

Ngày 20/5: Báo Tiền Phong khởi đăng chuỗi phóng sự điều tra Vụ áp giải học sinh giữa sân trường. Bài báo “Tòa “bỏ quên” chứng cứ quan trọng” công bố kết luận của CV 696 cho thấy em Thiện không phạm tội. Dư luận hưởng ứng, cổ vũ nồng nhiệt.

Trong ngày, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn đã ký 2 văn bản Quyết định kháng nghị bản án, tạm đình chỉ thi hành án.

Cuối buổi chiều ngày 20/5, NBHTN nhận được tin báo có một kiểm sát viên sang Bệnh viện đang xin cấp lại CV 696 bản gốc có dấu đỏ. Nhà báo lập tức điện thoại cho Phó Giám đốc BVĐK tỉnh - BS. Bliu Arul và Giám đốc bệnh viện - BS. Bùi Trường Phong cho biết việc xin cấp lại CV này của KSV là bất thường, có thể liên quan đến vụ án có dấu hiệu oan sai. Giám đốc BV cho biết ông sẽ chỉ cấp lại với yêu cầu KSV phải có giấy giới thiệu hoặc công văn từ lãnh đạo Viện KS.

Hành trình đưa cậu học trò từ nhà tù trở lại trường thi

Ngày 21/5: 7h30’, NBHTN đến TAND tỉnh Đắk Lắk hỏi về 2 quyết định Kháng nghị và Tạm đình chỉ thi hành án đối với em Thiện. Tòa trả lời chưa biết gì về 2 QĐ này. 8h15’, NBHTN có mặt tại BVĐK tỉnh Đắk Lắk, chụp ảnh vị KSV đang ngồi chờ xin cấp lại CV 696. Đó là KSV Nguyễn Duy Cành - người được phân công thay mặt VKSND TP BMT giữ vai trò kiểm sát tố tụng và là công tố viên tại phiên tòa sơ thẩm, người đã buộc em Thiện vào tội Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ, gây ra tai nạn giao thông.

Khi bài báo này lên khuôn, Thiện vẫn còn đang mang thân phận của một bị án nên nhà báo Hoàng Thiên Nga xác định mình vẫn còn nhiều việc phải làm cho đến khi Thiện được hoàn toàn giải oan bằng những phiên tòa thật sự công minh, được đông đảo công chúng quan tâm giám sát...

Ngày 22/5: NBHTN trực tiếp hoặc qua điện thoại hỏi về quan điểm lãnh đạo các bên liên quan: VKS thành phố, VKS tỉnh; TAND thành phố, TAND tỉnh; Lãnh đạo BVĐK tỉnh Đắk Lắk, luật sư của Đoàn LS Đắk Lắk về các diễn biến bất thường mới xảy ra liên quan tới vụ án em Thiện. Rồi tiếp tục viết bài.

Ngày 23/5: Chiều thứ bảy này, gia đình Thiện đã nhận được 2 quyết định của TANDTC nhưng Thiện vẫn còn ở trong trại giam.

Chánh án TAND TP BMT Nguyễn Minh Hoàng nói với nhà báo rằng nếu nhận được 2 QĐ  ông sẽ lập tức cho thi hành.

NBHTN điện thoại cho Giám đốc Bưu điện tỉnh Nguyễn Như Vân, kể vắn tắt cho ông Vân biết nội dung sự việc, nhờ ông Vân giúp điều hành việc chuyển 2 CV của TANDTC đến tận tay ông Hoàng - Chánh án sớm nhất trong khả năng có thể. Ông Vân cho biết, nguyên tắc công văn công sở đến vào chiều ngày làm việc cuối tuần thì phải cất vào kho chờ sáng thứ hai mới đưa ra phát. Tuy nhiên, hưởng ứng ý nghĩa nhân văn của câu chuyện, ông Vân sẽ cho triển khai ngay việc này. Kết quả: 20h53’, ông Hoàng đã ký nhận CV tại nhà riêng.

Chủ nhật - ngày 24/5: 7h17’, NBHTN điện thoại cho ông Nguyễn Minh Hoàng, nói ông đã nhận được 2 QĐ của TANDTC, mấy giờ em Thiện mới được thả? Lúc này, ông Hoàng mới biết nhà báo đã mời cả GĐ bưu điện tỉnh vào cuộc. Ông công nhận chưa thấy kiểu làm việc “thần tốc” thế này bao giờ. Ông đồng ý sẽ đến tòa án hoàn tất các giấy tờ để thả Thiện ra khỏi trại giam sau 8h sáng.

8h30’, NBHTN chở ông ngoại 93 tuổi và bố Thiện xuống trại tạm giam. Tại đó, phóng viên các báo, thầy cô, bạn bè, thân nhân Thiện tập trung đông dần trước cổng trại. Chờ đến 10h5’ thì Thiện trong chiếc áo thun đen ngày nhập trại bước nhanh ra khỏi cổng trại giam. Mọi người ùa đến ôm chầm lấy cậu học trò tội nghiệp. Mẹ Thiện bật khóc.

Thứ hai - ngày 25/5:  Thiện đã tới trường, bắt đầu làm bài kiểm tra học kỳ 12 môn trong 2 ngày. Em đã đạt học lực khá dù đã trải qua 52 ngày ở tù./.