Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Bình vừa phá thành công chuyên án đấu tranh với người làm giả hồ sơ bệnh hiểm nghèo để hoãn thi hành án phạt tù. Theo đó, Lê Thị Thu Hiền khai nhận, lợi dụng danh nghĩa làm từ thiện, hỗ trợ kinh tế cho một số bệnh nhân mắc bệnh suy thận mãn tính giai đoạn IV và phải chạy thận theo chu kỳ, điều trị thường xuyên tại các cơ sở y tế, Hiền đã yêu cầu những người bệnh này sao y hồ sơ bệnh án điều trị theo chu kỳ. Sau đó, Hiền liên hệ với những người bị tuyên án phạt tù đang được tại ngoại có nguyện vọng xin tạm hoãn chấp hành án và sửa thông tin người bị bệnh thật thành thông tin của những người cần xin hoãn chấp hành án phạt tù để thu lợi.
Vậy quy định cụ thể về việc hoãn chấp hành hình phạt tù là như thế nào, những người lợi dụng quy định của pháp luật để trục lợi trong hoãn chấp hành hình phạt tù sẽ bị xử lý ra sao? Về vấn đề này, PV VOV trao đổi với luật sư Nguyễn Thị Phương Anh, công ty Luật Hồng Bách và cộng sự.
PV: Thưa luật sư, sau khi Tòa tuyên án, người vi phạm sẽ phải chịu án phạt tù tại trại giam. Tuy nhiên, có người bị tuyên phạt tù nhưng không phải đi tù. Vậy pháp luật quy định những trường hợp nào sẽ được hoãn chấp hành án phạt tù?
Luật sư nguyễn Thị Phương Anh: Hoãn chấp hành án phạt tù là biện pháp cho phép người bị kết án phạt tù chỉ phải chấp hành hình phạt tù đã tuyên sau một thời hạn nhất định mà không phải chấp hành ngay vì có lý do theo quy định của pháp luật.
Hình thức hoãn chấp hành án phạt tù được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 67 Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi 2017. Theo đó, các trường hợp được hoãn chấp hành án phạt tù được quy định cụ thể như, bị bệnh nặng được hoãn cho đến khi sức khỏe hồi phục; phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi; hoặc là người lao động duy nhất trong gia đình nếu phải chấp hành án phạt tù thì sẽ gặp khó khăn và sẽ được hoãn trong trường hợp 1 năm.
1 trường hợp nữa cũng được xem xét hoãn chấp hành án phạt tù, đó là bị kết án về tội ít nghiêm trọng do nhu cầu của công vụ được hoãn đến 1 năm. Như vậy, chúng ta có thể xem xét, hoãn chấp hành án phạt tù trong trường hợp mà người chấp hành án phạt có nơi làm việc ổn định, có nơi thường trú, cụ thể rõ ràng. Đồng thời, sau khi bị xử phạt tù thì không có hành vi vi phạm pháp luật nào nghiêm trọng và căn cứ vào mục 7 của Nghị quyết 01 Hội đồng thẩm phán của Tòa án nhân dân tối cao sẽ xem xét và quyết định.
PV: Thưa luật sư, trong trường hợp người phải chấp hành án phạt tù có bệnh nặng phải đáp ứng điều kiện như thế nào mới được hoãn chấp hành án phạt tù?
Luật sư nguyễn Thị Phương Anh: Việc xác định người bị bệnh nặng được hướng dẫn cụ thể tại điểm a Tiểu mục 7.1 Mục 7 của Nghị quyết 01/2007. Theo đó, người bị bệnh nặng, tức là bị bệnh đến mức không thể chấp hành án phạt tù được, nếu bắt chấp hành án phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, cần thiết phải cho họ được hoãn chấp hành án phạt tù để họ có điều kiện chữa bệnh.
Ví dụ như, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4, bại liệt, suy tim độ 3,… Trong trường hợp này phải có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về việc người bị xử phạt tù bị bệnh nặng và nếu họ chấp hành án phạt tù sẽ được Hội đồng giám định kết luận sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ.
PV: Như luật sư vừa trao đổi, những trường hợp có bệnh nặng được hoãn chấp hành án phạt tù. Nhưng nếu họ chữa khỏi bệnh thì họ sẽ vẫn phải tiếp tục thực hiện án phạt tù ?
Luật sư nguyễn Thị Phương Anh: Về cơ bản, khi điều kiện được hoãn chấp hành án phạt tù không còn nữa thì người bị kết án phạt tù sẽ phải chấp hành hình phạt tù theo bản án đã tuyên. Cũng theo quy định tại khoản 1 Điều 67 của Bộ luật hình sự năm 2015 thì quy định rất rõ ràng, người bị xử phạt tù bị bệnh nặng thì phải được hoãn chấp hành phạt tù cho đến khi sức khỏe được hồi phục.
PV: Như vậy, quy định của luật rất rõ ràng khi sức khỏe hồi phục không còn ảnh hưởng đến sức khỏe nữa thì phải chấp hành án phạt tù? Vậy có khi nào người mắc bệnh hiểm nghèo được hoãn thi hành án phạt tù, sau đó thì họ lại không phải đi tù nữa không thưa luật sư?
Luật sư nguyễn Thị Phương Anh: Đối với các trường hợp mà người bị mắc bệnh hiểm nghèo được quy định tại Khoản 2 Khoản 3 Điều 62 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 cũng quy định một số trường hợp được miễn chấp hành án phạt tù. Theo đó, người bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 3 năm mà chưa chấp hành án phạt tù, theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành án phạt tù nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
Thứ nhất, sau khi người bị kết án lập công.
Thứ hai, mắc bệnh hiểm nghèo.
Thứ ba, chấp hành tốt pháp luật và có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội. Như vậy, cũng có một số trường hợp mà sau khi bị kết án nhưng thuộc trường hợp được miễn như tôi vừa nêu thì cũng có thể được xem xét để miễn chấp hành án phạt tù.
PV: Thưa luật sư, quay lại với tình huống những người không bị bệnh làm giả hồ sơ bị bệnh để hoãn thi hành án phạt tù, vậy bây giờ họ phải chịu trách nhiệm như thế nào? Họ có bị xử lý thêm về hành vi làm giả hồ sơ lừa dối cơ quan chức năng hay không?
Luật sư nguyễn Thị Phương Anh: Đối với những trường hợp mà người không bị bệnh mà sử dụng hồ sơ bệnh án giả để xin hoãn thi hành án tù thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức và nó được quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi 2017. Hình thức, hình phạt sẽ được tổng hợp theo quy định của Điều 56 Bộ luật hình sự. Theo đó, trong trường hợp một người phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội phạm trước đó, trước khi có quyết định của bản án này thì Tòa án sẽ quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này.
PV: Thưa luật sư, đối tượng Lê Thị Thu Hiền đã sử dụng bệnh án của những người chạy thận để xin hoãn chấp hành hình phạt tù cho một số đối tượng khác, vậy hành vi này bị xử lý như thế nào?
Luật sư nguyễn Thị Phương Anh: Đối với hành vi sửa đổi thông tin của người bị bệnh thận thành thông tin của những người cần xin hoãn chấp hành án phạt tù để thu lợi như đối tượng Lê Thị Thu Hiền vừa nêu, tôi cho rằng, trong trường hợp này có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 341 về tội làm giả con dấu tài liệu. Về mặt khách quan, hành vi tạo ra con dấu giả giống như thật của cơ quan, tổ chức cũng là hành vi trái pháp luật, hoặc các hành vi về làm giả tài liệu, giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức là hành vi như: Viết vẽ in trên các loại giấy tờ, tài liệu giả giống như tài liệu thật để sử dụng nhằm mục đích thu lợi bất chính thì sẽ được cơ quan điều tra xác minh, làm rõ và truy tố, khởi tố về tội làm giả, con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
PV:Nếu bị truy tố về tội này thì mức phạt sẽ thế nào?
Luật sư nguyễn Thị Phương Anh: Trong trường hợp này thì khung hình phạt cao nhất đối với tội làm giả tài liệu con dấu có thể lên đến từ 3 năm đến 7 năm. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền mức từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
PV: Xin cảm ơn luật sư!./.