Bạch Văn Chanh là tướng cướp trong những năm 1990 có độ lì lợm, máu lạnh và giết người không ghê tay. Báo chí đã viết về con đường phạm tội cũng như diễn biến vụ vây bắt tướng cướp này, song chưa một lần độc giả được nghe người trực tiếp vào hang bắt Chanh kể lại.
Trong chuyến công tác tại Công an tỉnh Nam Định gần đây, người viết đã vô cùng may mắn được nghe lại tình tiết vụ vây bắt tướng cướp Bạch Văn Chanh từ chính người trực tiếp vào hang bắt cướp.
Vậy người trực tiếp vào hang bắt Chanh là ai? Tại sao người đó tay không vào hang mà khiến một tướng cướp nổi tiếng máu lạnh buông súng đầu hàng? Chắc hẳn rất nhiều độc giả có thắc mắc này khi đọc các bài viết về tướng cướp Bạch Văn Chanh.
Thượng tá Trần Ngọc Giao (áo trắng) tại buổi giao lưu
Xin thưa, người vào hang bắt cướp chính là Thượng tá Trần Ngọc Giao, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Nam Định. Lúc thi hành nhiệm vụ bắt Bạch Văn Chanh, Thượng tá Trần Ngọc Giao đang giữ cương vị Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nam Hà. Tại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập lực lượng Cảnh sát bảo vệ và cơ động Công an tỉnh Nam Định vừa qua, trước đề nghị tha thiết của những chiến sĩ Cảnh sát cơ động, Thượng tá Trần Ngọc Giao đã kể lại ngắn gọn tình tiết lực lượng Cảnh sát cơ động, Cảnh sát hình sự Công an Nam Hà phối hợp vây bắt tướng cướp Bạch Văn Chanh vào ngày 15/10/1992.
Bạch Văn Chanh sinh năm 1961 tại làng Đồng Văn, thị trấn Đồng Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Nam Hà (nay là tỉnh Hà Nam). Gia đình Bạch Văn Chanh ở gần ga xe lửa Đồng Văn. Chanh sớm bỏ học, lang thang kiếm sống tại ga Đồng Văn và chợ Đồng Văn. Đây là một trong những nguyên nhân chính đưa đẩy Chanh sớm đi vào con đường trộm cắp vặt, sau đó là trộm cắp trên tuyến đường bộ, đường sắt.
Năm 12 tuổi, Chanh được đưa đi trường giáo dưỡng song khi ra trường, Chanh không chịu cải tạo lao động mà tiếp tục đi theo con đường trộm cắp. Có thời gian, Chanh được chính quyền địa phương đưa đi cải tạo tập trung tại Trại cải tạo Ninh Khánh, thuộc tỉnh Hà Nam Ninh (nay thuộc tỉnh Ninh Bình) với thời hạn 3 năm.
Ra trại, Chanh lại tiếp tục hoạt động trộm cắp trên tuyến Phủ Lý – Hà Nội, Hà Nội – Lạng Sơn. Chanh còn thành lập băng cướp dọc tuyến từ Nam Hà lên tới Lạng Sơn, gây ra nhiều vụ cướp tài sản, thậm chí là giết người để cướp của. Trong đó, có cả nạn nhân là đồng bọn của Chanh.
Nghi ngờ tên đàn em có dấu hiệu bất minh, Chanh rút súng xả cả băng đạn vào người tên đó. Bạch Văn Chanh nổi tiếng là một tên cướp máu lạnh với đôi mắt sắc, cặp lông mày rậm và chiếc cằm nhọn. Chanh có mẹ già, có vợ và hai con nhỏ. Tuy nhiên trên Lạng Sơn, Chanh còn một người vợ bé.
Nói về thủ đoạn hoạt động của Chanh, trước là trộm cắp sau là cướp, kể cả giết người để cướp tài sản. Nói về độ liều lĩnh của tướng cướp này, có lần, do định kiến với cán bộ ở Trại cải tạo Ninh Khánh, Chanh cùng một tên đàn em thân tín là tên Quang, trú ở thị trấn Đồng Văn, đi xe Minsk mang theo súng ngắn, súng AK vào Trại cải tạo Ninh Khánh tấn công cán bộ quản lý.
Song, do công tác bảo vệ tại trại quá nghiêm ngặt, không phát hiện được sơ hở nên Chanh cùng tên đàn em đã từ bỏ ý định tấn công ngày hôm đó. Ra về tới thị xã Phủ Lý, Chanh và tên đàn em bị chốt kiểm tra giao thông kiểm tra hành chính. Lợi dụng đêm khuya, Chanh đã trốn thoát mang theo một súng ngắn, một súng AK, còn tên Quang bị bắt với một xe máy, một quả lựu đạn mỏ vịt.
Tại sao Bạch Văn Chanh có biệt danh tướng cướp? Có 2 lý do, thứ nhất, bản chất Chanh là một tên cướp lì lợm, máu lạnh, rất ngông cuồng. Chanh “cai” cả một tuyến đường dài từ Nam Hà lên Lạng Sơn mà không một băng cướp nào cạnh tranh được, các băng cướp khác đều “dạt” hết đi địa bàn khác.
Thứ hai là, Đồng Văn là một vùng quê nghèo, người dân cần cù làm ăn, song có một số đối tượng không chịu làm ăn, đi vào con đường trộm cắp. Không hiểu sao mà ở Đồng Văn trước đây, thế hệ nào cũng có một người là tướng cướp. Người dân cho rằng Đồng Văn là đất nghịch. Bạch Văn Chanh cũng nổi lên là một tướng cướp máu lạnh.
Chanh hoạt động đơn tuyến và thành lập băng cướp lớn nhưng thành lập ở Nam Hà một băng cướp, trên Lạng Sơn một băng cướp khác và giữ cho hai băng cướp này không biết đến sự tồn tại của nhau. Bản tính đa nghi, rất cảnh giác, Chanh lúc nào cũng mang theo người một khẩu súng AK báng gấp, một khẩu súng ngắn và một quả lựu đạn. Chanh cũng thường xuyên thay đổi địa điểm hoạt động trộm cướp và rất giỏi ngụy trang.
Mỗi lần về Đồng Văn, Chanh đều ngụy trang, lúc là anh bắt cua, lúc là anh đi buôn để tránh sự truy đuổi của Công an. Điều đáng chú ý là, trước đây, các tướng cướp ở đất Lạng Sơn trấn để cướp.
Sau này các băng cướp thường hoạt động tấn công rất nhanh gọn, xóa dấu vết cướp, dấu vết ẩn náu. Nhưng Chanh chỉ xóa dấu vết gây án, còn về nơi ẩn náu, tại quê nhà Đồng Văn, hắn lại đào một công sự để tử thủ với chính quyền, với Công an khi bị phát hiện.
Trước sự hung tàn, tác oai tác quái của tướng cướp Bạch Văn Chanh, Bộ Công an đã xác lập chuyên án và chỉ đạo Công an các địa phương quyết liệt truy bắt. Công an tỉnh Nam Hà được Bộ chỉ đạo lập Ban chuyên án do đồng chí Phạm Toàn Thịnh, Phó Giám đốc làm Trưởng ban; đồng chí Trần Ngọc Giao, Phó phòng Cảnh sát hình sự làm Phó ban.
Các lực lượng tham gia truy bắt có Đội Cảnh sát đặc nhiệm Bộ Công an, Đội Đặc nhiệm hình sự, Đội Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Nam Hà và Công an huyện Duy Tiên. Nhiều tỉnh, thành đã phục kích quyết bắt Chanh nhưng chưa thành. Có lần Công an tỉnh Lạng Sơn phục kích bắt Chanh.
Trong lúc vừa lăn xuống đồi để tẩu thoát, Chanh vừa rút súng ngắm tổ phục kích bóp cò làm hai đồng chí Quân đội, một đồng chí Công an bị thương gãy chân. Lần phục kích ấy, Chanh đã lợi dụng địa hình đồi núi tẩu thoát được. Có lần Công an huyện Duy Tiên phối hợp với các lực lượng khác vây bắt Chanh nhưng Chanh đã trắng trợn nổ súng bắn lại, gây nguy hại cho lực lượng và nhân dân.
Có thể nói, Bạch Văn Chanh không chỉ là một tướng cướp lì lợm mà còn là một tay súng thiện xạ. Sau này, khi đã bị bắt, Chanh khai: “Các chú (lực lượng Công an - PV) cũng thường xuyên luyện tập bắn súng nhưng mỗi năm các chú chỉ bắn khoảng 10 viên đạn thật. Còn cháu bắn cả nghìn viên một năm nên cháu điểm xạ rất chuẩn”.
Ngày 15/10/1992, nhận tin Bạch Văn Chanh đang có mặt tại Đồng Văn, Công an Nam Hà nhanh chóng triển khai phương án vây bắt tên tướng cướp có tài thiện xạ này. Khoảng 5h sáng 15/10/1992, lực lượng Cảnh sát hình sự của Bộ, của tỉnh và huyện Duy Tiên cùng các chiến sĩ Cảnh sát cơ động bao vây khu nhà ở của Chanh tại Đồng Văn. Lực lượng tấn công chia làm 5 mũi. Đồng chí Trần Ngọc Giao được phân công phụ trách mũi một – tức là mũi nguy hiểm nhất, có nhiệm vụ tiếp cận và áp sát nhà Chanh.
Cũng cần nói thêm, trong ngôi nhà ở Đồng Văn, Chanh có đào một công sự ngay dưới gầm giường để trốn và tấn công lại khi bị bắt. Hắn cắt chiếc giường ra làm hai, chỉ giữ lại một nửa để nằm, nửa còn lại hắn đào công sự, có chiếu đậy bên trên ngụy trang như một cái giường hoàn chỉnh. Trên miệng công sự có để các bao cát, bao thóc. Khi có biến, hắn lăn ngay xuống hầm ẩn nấp và chống trả.
Biết bị bao vây, tên tướng cướp ranh mãnh chui xuống công sự tự thủ với tuyên bố “sinh ra ở Đồng Văn, chết cũng ở Đồng Văn”. Phát lệnh kêu gọi Chanh không trả lời. Đồng chí Giao đã sang nhà bên, gọi Bạch Văn Nghĩa – anh trai Bạch Văn Chanh vào nhà kêu gọi Chanh đầu hàng.
Đồng chí Giao còn dẫn anh trai Chanh đi vòng quanh ngôi nhà và chỉ cho biết lực lượng Công an đã bao vây mọi ngõ ngách. Bạch Văn Chanh chỉ còn đường sống duy nhất là buông súng đầu hàng.
Lần thương thuyết thứ hai, Chanh chuyển lời qua anh trai đề nghị được gặp người chỉ huy cao nhất để đàm phán với điều kiện người đó phải cởi trần, mặc quần cộc, không mang vũ khí khi vào gặp hắn. Mọi giả thuyết được đặt lên bàn cân.
Xét địa hình địa vật, nếu chiến đấu lực lượng Công an gặp rất nhiều khó khăn. Đối tượng ở trong công sự, nếu lực lượng Công an áp sát nhà thì phải băng qua khoảng trống sân, trong khi Bạch Văn Chanh lại có súng và hàng trăm viên đạn, hắn sẽ quan sát được và sẵn sàng nã đạn vào lực lượng công an. Mà nổ súng tiêu diệt thì còn những người vô tội trong nhà như mẹ, vợ con của Chanh.
Cân nhắc thiệt hơn, Công an Nam Hà quyết định lựa chọn phương án thương thuyết. Đồng chí Trần Ngọc Giao vào gặp Chanh. Trước những lời uy hiếp của tên tướng cướp, đồng chí Giao cất giọng dõng dạc: “Tao nói cho mày biết, tao đã vào đây là chấp nhận cái chết, không sợ cái chết. Mày đừng có đem cái chết ra dọa tao. Giờ mày chỉ có đầu hàng chứ không có đầu thú gì nữa. Thôi, đưa súng đây”.
Đồng thời, đồng chí Giao giằng lấy khẩu súng trên tay Chanh và nắn người Chanh tìm khẩu súng ngắn. Không thấy súng, đồng chí Giao liền hỏi: “Khẩu súng ngắn đâu?”. Sau đó thu luôn khẩu súng ngắn và thu hàng trăm viên đạn ở 2 túi quần, túi áo tên tướng cướp.
Đồng thời lệnh cho các đồng chí Cảnh sát cơ động và trinh sát đặc biệt của Công an Nam Hà vào bắt giữ Chanh và khám xét nhà. Tổng số vũ khí thu của Chanh gồm 1 súng ngắn K54, 1 AK báng gấp, 1 lựu đạn và trên 700 viên đạn. Bạch Văn Chanh rất cảnh giác, súng lúc nào cũng được lên đạn.
Khi tôi có dịp gặp Trung tá Lê Hồng Thái, Phó trưởng Công an phường Trần Hưng Đạo, một trong năm chiến sĩ Cảnh sát cơ động năm xưa tham gia vây bắt tướng cướp Bạch Văn Chanh, được anh cho biết: Khoảng thời gian đồng chí Trần Ngọc Giao vào hầm thương thuyết với tên tướng cướp, anh em ở ngoài nín thở chờ đợi, tâm trạng như ngồi trên đống lửa.
Vừa thán phục hành động dũng cảm của người chỉ huy, vừa thấp thỏm lo cho sự an toàn. Khi ấy, chỉ cần tên tướng cướp liều chết chống trả sẽ để lại nỗi đau khôn nguôi cho gia đình vị chỉ huy dũng cảm ấy, nhất là 2 bậc sinh thành tóc bạc, người vợ trẻ và các con nhỏ./.