Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – Bộ Công an cho biết, từ tháng 2/2019 đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 117 vụ, 157 đối tượng, thu trên 25 tấn pháo và hơn 1 nghìn quả pháo. Để hạn chế pháo lậu nhập vào Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Bộ Công an đã ra chỉ thị, văn bản tiếp tục phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm về pháo…

vov_dai_ta_dao_minh_hung_ywyk.jpg
Đại tá Vũ Minh Hùng

Hiểm họa khôn lường việc học sản xuất pháo trên internet

Đại tá Vũ Minh Hùng, Trưởng phòng hướng dẫn quản lý vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, Bộ Công an chia sẻ, hoạt động mua bán, tàng trữ, vận chuyển pháo trái phép chủ yếu diễn ra ở các tỉnh biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc, Bắc Trung Bộ giáp Lào và Tây Nguyên; nguồn pháo xác định là sản xuất tại Trung Quốc, Thái Lan. Với thủ đoạn vô cùng tinh vi, các đối tượng qua biên giới mua và vận chuyển trái phép vào Việt Nam bằng các phương tiện giao thông đường bộ, đường biển, đường tiểu ngạch… khiến lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.

Điển hình, ngày 13/8/2019, tại xã Minh Long, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng, Đồn Biên phòng cửa khẩu Lý Vạn phối hợp với Công an huyện Hạ Lang và các cơ quan chức năng tỉnh bắt quả tang 2 đối tượng, gồm: Lê Văn Chung và Nguyễn Đại Dương, trú tại Đồng Tâm, Hữu Lũng, Lạng Sơn đang vận chuyển pháo trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam. Qua kiểm tra ô tô tải, cơ quan chức năng thu giữ hơn 2.700kg pháo các loại.

Tiếp đó, ngày 5/9, Công an huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An phối hợp với lực lượng chức năng bắt giữ 6 đối tượng, cùng trú tại tỉnh Quảng Bình vận chuyển pháo trái phép, thu giữ 517,1kg pháo. Cùng ngày, tại cửa khẩu Tân Thanh, Công an tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Trạm biên phòng cửa khẩu Tân Thanh phát hiện, bắt giữ Đinh Kim Hoàng, trú tại xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định vận chuyển trái phép 12.125kg pháo trong xe container chở củ hành tây nhập khẩu từ Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh vào bãi xe Thịnh Vượng để làm thủ tục. Khi mở cửa xe từ phía sau để dán tem hàng hóa, lực lượng chức năng phát hiện bên trong thùng của container chỉ có khoảng 50 bao tải chứa củ hành tây, còn các lại là các thùng carton chứa pháo.

Đặc biệt, lực lượng chức năng bắt giữ một số vụ do đối tượng người Trung Quốc, người Lào trực tiếp vận chuyển pháo vào Việt Nam. Điển hình, Đồn Biên phòng Bảo Lâm, tỉnh Lạng Sơn bắt quả tang Hoàng Lâm Hải (người Trung Quốc), trú Quảng Tây vận chuyển trái phép 1.978kg pháo.

Cũng theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, bên cạnh việc nhập khẩu trái phép pháo từ các nước láng giềng, hiện nay tại Việt Nam xuất hiện tình trạng sản xuất pháo trái phép theo hướng dẫn trên mạng Internet, trong đó có vụ gây tai nạn đặc biệt nghiệm trọng, chết người.

Tăng cường lực lượng, ngăn chặn hành vi đốt pháo trái phép dịp Tết

Đại tá Vũ Minh Hùng chia sẻ, những vụ nhập lậu pháo có số lượng lớn nhất cả nước từ trước đến nay bị phát hiện với thủ đoạn hết sức tinh vi. Để đối phó với cơ quan chức năng, các đối tượng buôn lậu pháo cũng thường xuyên thay đổi phương thức vận chuyển, từ việc thuê mang vác hàng nhỏ lẻ qua biên giới đến việc sử dụng xe có tải trọng lớn, thậm chí nhiều đối tượng còn sử dụng xe ô tô cá nhân để chuyên chở pháo lậu. Đáng chú ý, khi bị phát hiện, hầu hết các đối tượng đều khai nhận chỉ là người chở thuê gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Cơ quan công an bắt giữ nhiều loại pháo trái phép

Theo cơ quan chức năng, một giàn pháo nổ mua bên kia bên giới có giá từ 70.000 - 80.000 đồng nhưng khi mang trót lọt vào Việt nam được bán với giá gấp từ 6 - 8 lần. Lợi nhuận cao nên hàng ngày, nhiều đối tượng vẫn tìm mọi thủ đoạn để vận chuyển pháo vào Việt Nam.

Để ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển, sử dụng pháo, dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, công an các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân việc thực hiện tốt Nghị định 36/CP; Kế hoạch số 105 của Bộ Công an về tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền, vận động thu hồi và phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ,... Đồng thời, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, ngăn chặn với các hành vi vi phạm về pháo nhất là tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về tình hình ANTT. Chỉ đạo Công an cơ sở tăng cường nắm tình hình, kiểm tra, rà soát, lên danh sách các đối tượng có tiền án, tiền sự, có biểu hiện nghi vấn phạm tội về pháo để có biện phạm quản lý, đấu tranh, ngăn chặn; Kịp thời xác lập chuyên án để điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm đối với đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo.

Đặc biệt, trong các ngày 29 và 30 Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Công an các địa phương huy động tối đa lực lượng xuống địa bàn cơ sở để tuyên truyền, vận động, tuần tra, kiểm soát và lập chốt, kiên quyết ngăn chặn hành vi đốt pháo trái phép; không để tái diễn  tình hình phức tạp về ANTT. Xây dựng, triển khai các phương án cụ thể bảo vệ trật tự công cộng tại các nhà ga, bến xe, các khu dân cư, nơi vui chơi, giải trí, địa điểm bắn pháo hoa trong dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội đầu năm.

Cùng với đó, Đại tá Vũ Minh Hùng cho biết, lực lượng chức năng sẽ chủ động phối hợp với lực lượng Cảnh sát biển, Biên phòng, Hải Quan, Quản lý thị trường tổ chức tuần tra, kiểm soát kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm về pháo, nhất là các tuyến biên giới, khu vực biên giới, cửa khẩu. Đối với các vụ án điển hình cần khẩn trương phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cùng cấp điều tra, truy tố và xét xử lưu động để phục vụ công tác phòng ngừa, răn đe, giáo dụng chung./.

Ngày 25/12/2008, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao và Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch 06 hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo.

Theo Điểm b và Điểm d, Phần 1 Mục III của thông tư, người nào mua bán hoặc tàng trữ, vận chuyển trái phép pháo nổ nhằm mục đích kinh doanh, buôn bán trong nước bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn bán hàng cấm.

Nếu mua bán trái phép pháo nổ qua biên giới thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu. Tuy nhiên, người có hành vi vi phạm sẽ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vật phạm pháp (pháo nổ) có số lượng từ 10kg trở lên hoặc dưới 10kg nhưng đã bị xử phạt hành chính hoặc gây hậu quả nghiêm trọng.

Số lượng pháo nổ từ 10kg đến dưới 50kg (được coi là số lượng lớn): Người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1 Điều 153 (phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm) hoặc Khoản 1 Điều 155 (phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm).

Số lượng pháo nổ từ 50kg đến dưới 150kg (được coi là số lượng rất lớn): Người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 2 Điều 153 (phạt tù từ 3 đến 7 năm) hoặc Khoản 2 Điều 155 (phạt tù từ 3 năm đến 10 năm).

Số lượng pháo nổ từ 150kg trở lên (được coi là số lượng đặc biệt lớn): Người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 3 Điều 153 (phạt tù từ 7 năm đến 15 năm) hoặc Điều 155 (phạt tù từ 8 năm đến 15 năm).

Theo quy định, không chỉ hành vi buôn bán, vận chuyển, sản xuất, tàng trữ pháo nổ mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà hành vi sử dụng trái phép pháo nổ (hay còn gọi là đốt pháo) cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 Bộ luật Hình sự. Khung hình phạt thấp nhất của tội này là phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm và cao nhất là phạt tù đến 7 năm./.