Đây là chia sẻ rất thẳng thắn của TS Nguyễn Hoài Hương, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Sáng kiến Phát triển cộng đồng (SCDI) liên quan đến con số mà Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đưa ra trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.
Theo đó, mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực trong công tác tổ chức cai nghiện ma túy, quản lý cũng như hỗ trợ đào tạo, giải quyết việc làm cho những người nghiện sau cai ma túy, song hiệu quả công tác cai nghiện ma túy còn thấp, 90% người nghiện ma túy sau cai đã tái nghiện chỉ sau một thời gian ngắn tái hòa nhập cộng đồng.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung trong phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng 4/6 thừa nhận, hiệu quả công tác cai nghiện ma túy còn thấp. |
Đa dạng hình thức cai nghiện
Giải thích về vấn đề này, TS Nguyễn Hoài Hương cho biết, trong giai đoạn trước, các hình thức cai nghiện của Việt Nam chưa được đa dạng và thường tập trung chủ yếu tại các trung tâm cai nghiện bắt buộc. Chính vì thế, tỷ lệ tái nghiện sau cai và tái hòa nhập cộng động rất cao như Bộ trưởng đã chia sẻ.
Bắt đầu từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành đề án về công tác đổi mới cai nghiện, trong đó nêu rõ định hướng của Chính phủ theo hướng giảm dần số trung tâm cai nghiện bắt buộc trong khi tăng thêm các hình thức và dịch vụ hỗ trợ cai nghiện khác giúp người sở dụng ma túy dễ dàng tiếp cận.
Cũng theo TS Hoài Hương, hiện Việt Nam đang triển khai một số dịch vụ hỗ trợ cai nghiện ma túy như trung tâm cai nghiện bắt buộc, trung tâm cai nghiện tự nguyện, trung tâm cai nghiện tư nhân cũng như những hình thức hỗ trợ cai nghiện tại xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, TS Hoài Hương cho rằng, những hình thức nói trên vẫn là chưa đủ.
Nếu có thêm những hình thức khác nữa thì sẽ giúp tăng thêm những cách thức mà người sử dụng ma túy có thể tiếp cận. Tuy nhiên, chất lượng của mỗi hình thức lại phụ thuộc vào công tác tổ chức và các dịch vụ được thực hiện.
Các học viên tại một trung tâm cai nghiện ma túy ở Quảng Ninh đang say sưa học nghề. |
Cần nhìn nhận đúng về con số 90%
TS Hoài Hương khẳng định, con số 90% người nghiện ma túy sau cai đã tái nghiện thực sự là rất cao nhưng chưa đến mức “giật mình” nếu nhìn nhận việc nghiện ma túy như một căn bệnh liên quan đến não bộ và việc tái sử dụng ma túy là một điều dễ xảy ra đối với người sử dụng ma túy. Đã là một bệnh thì có thể mắc lại.
Điều đáng mừng là hiện nay, quan điểm và cách nhìn nhận về người nghiện cũng đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là từ các văn bản chỉ đạo cũng như cách tiếp cận của các cơ quan nhà nước và các cơ quan dịch vụ liên quan đến ma túy.
Để giải quyết vấn đề tái nghiện, theo TS Hoài Hương cần bắt đầu từ cách cai nghiện mà chúng ta đã tiến hành. Nếu như thời gian trước đây, phần lớn các trường hợp được đưa đi cai là vào các trung tâm bắt buộc. Sau 1-2 năm, nhiều người tham gia thêm chương trình sau cai 12 tháng hoặc 24 tháng nữa trong môi trường khép kín và cách ly.
Tuy nhiên, việc tái nghiện không đơn thuần chỉ dựa vào cơ chế gây nghiện hay đặc điểm, điều kiện của người nghiện mà phụ thuộc rất nhiều vào việc cộng đồng tại nơi người nghiện sinh sống có hỗ trợ, giúp đỡ họ hay không. Sự kỳ thị của cộng đồng cũng là tác nhân dẫn đến việc người nghiện tái nghiện.
Bác sĩ đang tư vấn cho các bệnh nhân điều trị cai nghiện bằng thuốc thay thế Methadone. |
Tòa án hỗ trợ cai nghiện: Giải pháp nhân văn và tích cực
TS Hoài Hương đánh giá rất cao tính nhân văn và tích cực trong Đề án đổi mới công tác cai nghiện mà Thủ tướng đã ký năm 2013. Tuy nhiên, để những yếu tố này “không chỉ nằm trên giấy” mà cần chuyển hóa vào thực tế, theo TS Hoài Hương, chúng ta cần có sự đầu tư và những bước đi cụ thể cho từng phương án được đề cập trong Đề án.
Lắng nghe theo yêu cầu của người cai nghiện và cung cấp những dịch vụ tương ứng, phù hợp thì hiệu quả hỗ trợ họ hòa nhập với cộng đồng và duy trì không tái nghiện trong thời gian dài sẽ tốt hơn.
TS Hoài Hương đánh giá cao mô hình Tòa án hỗ trợ cai nghiện ma túy. Đây mô hình nhân văn và đã được áp dụng tại Mỹ trong vài chục năm qua. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi còn là Phó Thủ tướng đã đến thăm Mỹ và cho rằng, đây là mô hình rất đáng được học hỏi và có thể áp dụng tại Việt Nam.
Theo chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 424/QĐ-TTg ngày 07/4/2017, các bộ, ngành cùng phối hợp, nâng cao trách nhiệm trong tổ chức thực hiện và thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống ma túy. Đặc biệt là việc thí điểm mô hình Tòa hỗ trợ cai nghiện ma túy.
Tòa ma túy là một chương trình tổng hợp, kết hợp giữa các giải pháp tư pháp, điều trị, phục hồi và giám sát dựa vào cộng đồng dành cho người nghiện ma túy. Tòa ma túy đầu tiên được hình thành tại thành phố Miami, bang Florida (Mỹ) năm 1989, để giải quyết vấn đề quá tải trong nhà tù, nhưng quan trọng hơn cả là xử lý tận gốc nguyên nhân phạm tội do nghiện ma túy gây ra.
Tại chương trình phòng chống ma túy đến năm 2020, Bộ LĐTBXH được giao nghiên cứu, triển khai mô hình trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội theo mô hình “Tiền xét xử”, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao xây dựng và triển khai thí điểm, từng bước nhân rộng mô hình Tòa hỗ trợ cai nghiện ma túy (Tòa ma túy).
Có thể thấy, mô hình Tòa án hỗ trợ cai nghiện ma túy được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho người sử dụng ma túy được tiếp cận, nhìn nhận và xét xử ở góc độ hỗ trợ một cách nhân văn hơn. Điều này cũng giúp giảm tải cho các cơ sở giam giữ, các cơ sở bắt buộc, nhà tù với những tội phạm liên quan đến sử dụng ma túy ở dạng nhỏ lẻ./.