Trưa ngày 21/12/2013, chị Trần Thị Ngọc, nhân viên phát hành báo chí đến điểm ATM của Vietcombank tại đường Bà Huyện Thanh Quan, gần ngã tư Kỳ Đồng (TP HCM) để rút tiền. Ở đây có đặt 3 máy ATM chung một phòng. Vừa vào phòng rút tiền thì có thêm một phụ nữ đeo khẩu trang cũng vào rút tiền ở máy bên cạnh. Vừa nhập xong mật khẩu, chưa kịp bấm số tiền, bỗng người phụ nữ đeo khẩu trang với sang: Em ơi, bên này nhiều tiền 500 nghìn, sang đây mà rút. 

cong-an.jpg
Công an thành phố Vinh, Nghệ An đang xử lý một nghi án dùng thủ đoạn thôi miên cướp tài sản

Chưa kịp trả lời thì chuông điện thoại của người phụ nữ reo vang, chị ta liền chìa tay sang: Chị không biết tắt điện thoại, em tắt hộ chị với. Chị Ngọc cầm điện thoại  tìm nút tắt. Vừa đưa lên ngang mặt bỗng nhiên chị thấy choáng váng, đầu óc lơ mơ, đánh rơi cả chiếc điện thoại xuống sàn. Theo phản ứng, chị lấy tay ôm mặt, mặc cho thẻ của chị vẫn đang ở trong máy, mật mã cũng đã chọn rồi. May cho chị, vừa lúc ấy cũng có một người bước vào phòng thẻ để rút tiền, thấy chị Ngọc đang chóng mặt, người ấy liền đỡ chị đứng lên. Người phụ nữ đeo khẩu trang thấy vậy, nhặt điện thoại bỏ đi. Phải một lúc chị Ngọc mới tỉnh lại. May mà kẻ lừa đảo chưa rút hết tiền trong thẻ ATM của chị. 

Hiện nay, ở các thành phố cũng như thị tứ có nhiều người buôn bán đang rộ lên tình trạng được người ta gọi là “thôi miên”, dùng nhiều thủ đoạn khống chế thần kinh nạn nhân để chiếm đoạt tài sản. Nhiều người đến khi mất hết tài sản vẫn ngơ ngác, không hiểu tại sao mình lại dễ dàng đưa hết tiền vàng cho kẻ lạ mặt. Qua những vụ việc mất mát tài sản nêu trên, có thể thấy tất cả nạn nhân đều chung một đặc điểm: Đó là được những người khách lạ hỏi thăm, mua bán, đổi tiền… rồi sau đó, nạn nhân rơi vào tình trạng mất ý thức, mất năng lực, hoàn toàn nghe theo sự sai khiến của bọn tội phạm. Đã có nhiều tin đồn ghê gớm, nào là bọn phù thủy giở phép lạ, nào là chúng có tài thôi miên, chỉ cần nhìn vào mắt chúng là bị khống chế, nó bắt làm gì cũng phải làm theo. Có người lại nói những kẻ đó có bùa ngải sắm từ Miên (Campuchia) cực linh có thể sai khiến được mọi người. Sự thật ra sao?
Chiếm đoạt tài sản bằng thôi miên?

Sáng ngày 17/12/2013, , tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang khi đang ở nhà một mình, chị T (43 tuổi) thấy có một chiếc ôtô dừng lại trước cửa. Khi hai người xuống xe, chị mới biết đó là nhóm người tiếp thị mỹ phẩm. Nhưng khi vừa xem mấy món đồ, chị cảm giác như có những hạt bụi dính vào mặt, vào cổ và chỉ vài phút sau, chị không biết gì nữa. Đến lúc định thần lại, mới hay vòng vàng, lắc, dây chuyền, nhẫn vàng và một két sắt trong có 4.500 đôla Úc cùng một số giấy tờ nhà đất đã biến mất. 

Một vụ khác, nạn nhân là bà V, ở huyện Bình Chánh, TP HCM. Vào giữa tháng 1/2013, trên đường từ chợ Đệm về nhà khi đi đến đường Nguyễn Cửu Phú, xã Tân Kiên, huyện Bình (TP HCM), bà N.T.V  thấy có 4 người, gồm 2 nam 2 nữ đi trên 2 chiếc xe máy bám theo bà rồi hỏi bà biết chỗ nào mua bột ngọt thì giới thiệu cho họ để cùng hợp tác làm ăn. Chưa kịp trả lời, bà đã thấy người đờ đẫn, chân tay bủn rủn, muốn phản ứng mà không nhúc nhích được, thậm chí muốn la lên cầu cứu cũng không há miệng ra được. Chỉ sau khi 2 đôi thanh niên nam nữ này đi khuất, bà V mới phát hiện toàn bộ nữ trang đeo trên người cùng 1 triệu đồng đã mất sạch! Trước đó ít lâu, chị H, nhân viên cửa hàng ĐTDĐ Hồng Ngọc, số 10 Hùng Vương, TP Đông Hà, Quảng Trị trình báo tại Công an TP Đông Hà về việc chiều tối 16/3, có 3 người khách nước ngoài vào cửa hàng hỏi mua điện thoại. Những người này xem một lúc rồi đột ngột bỏ đi. Sau ít phút, chị H nghi ngờ, kiểm tra ngăn kéo để tiền thì phát hiện hơn 22 triệu đồng đã “bốc hơi”.

Tất cả những vụ việc đó có phải do những tội phạm đã dùng thôi miên để chiếm đoạt tài sản. Chắc chắn đó không phải là câu trả lời. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tâm thần học và cả chuyên gia về thôi miên đều khẳng định như vậy. Thôi miên không giống như cách người dân vẫn thường nghĩ là đưa người ta vào trạng thái vô thức để sai khiến. Từ “thôi miên” bắt nguồn từ chữ “Hypnos” dịch từ nghĩa tiếng Hy Lạp sang tiếng Việt là “ngủ”. Thôi miên là một trạng thái mơ màng, trong trạng thái này thần trí con người vẫn hoàn toàn tỉnh táo và nhận biết được. Có người nghĩ rằng khi bị thôi miên người ta sẽ hành động không theo ý muốn của mình, điều này hoàn toàn sai. Không ai có thể bị thôi miên nếu họ không muốn. Thôi miên chỉ xảy ra khi và chỉ khi có sự hợp tác của người bị thôi miên. Không ai có thể ép người bị thôi miên làm những gì mà họ không muốn làm, người bị thôi miên có thể chấp nhận hay từ chối các gợi ý. Nếu những lời gợi ý không phù hợp, người bị thôi miên ngay lập tức sẽ thoát ra khỏi trạng thái thôi miên nếu họ muốn. 
Có phải là thuốc mê? 

Một câu hỏi khác cũng được đặt ra: Có phải những kẻ tội phạm đã sử dụng thuốc mê? Trong những năm qua, có nhiều vụ việc đối tượng phạm tội đã sử dụng thuốc mê, thuốc ngủ để chiếm đoạt tài sản. Từ đầu năm 2008 đến cuối năm 2010, trên địa bàn 6 tỉnh Tây Ninh, Bến Tre, An Giang, Tiền Giang, Đắc Lắc, Long An, liên tiếp xảy ra 8 vụ án giết người, cướp tài sản. Thủ đoạn các vụ cướp cho thấy, đối tượng gây án luôn sử dụng thủ đoạn làm quen với những người tu hành trông coi tại các am, miếu, chùa bằng cách đề nghị được cúng tiến, công đức để tạo niềm tin. Sau đó lợi dụng lúc những người tu hành không để ý, đối tượng bỏ thuốc mê, thuốc trừ sâu vào các loại nước uống, mời bị hại uống và lục soát cướp tài sản rồi tẩu thoát. Sau một thời gian điều tra, mặc dù tội phạm rất gian ngoan, có nhiều thủ đoạn tinh vi nhưng cuối cùng đã bị bắt. Trong vụ án này, đối tượng đã liên tiếp gây ra các vụ cướp tài sản ở 6 tỉnh, thành phố khiến cho ba người chết, cướp được gần 150 triệu đồng. Đối tượng chính trong vụ án sau đó đã bị tuyên án tử hình. 
Rõ ràng các vụ khống chế tinh thần nạn nhân để cướp tài sản đang diễn ra không giống với các vụ sử dụng thuốc mê. TS Nguyễn Sơn (ĐH Y Dược TP.HCM) đã phân tích: Muốn đưa thuốc mê, thuốc ngủ vào người nạn nân chỉ có ba cách: tiêm, uống hoặc cho ngửi. Trong các vụ vừa qua, các nạn nhân không bị tiêm hoặc cho uống mà vẫn bị khống chế tâm thần. Chỉ có khả năng bị hít phải khí gây mê, nhưng nếu không áp sát nạn nhân, chụp mặt nạ có thuốc mê hay phun trực tiếp dung dịch gây mê vào cơ quan hô hấp của nạn nhân thì thuốc mê sẽ tán phát trong không khí nên dù nạn nhân có hít phải, cũng không đủ liều để mê man. Đã có trường hợp, kẻ trộm đột nhập vào nhà phun thuốc mê vào giường ngủ của chủ nhà để chủ nhà ngủ mê, nhưng khi chủ nhà mê đi thì chính tên trộm cũng hít phải và ngủ ngay dưới chân giường. Đến trưa hôm sau chủ nhà còn dậy trước cả tên trộm. Hay là một loại ma túy?

Hiện nay có một loại hóa chất thường được gọi là “hơi thở của quỷ”, một loại ma túy có tên là scopolamine, khởi đầu được bào chế từ cây borrachero, một loại cây dại mọc phổ biến ở Colombia, hiện nay đã được tổng hợp trong các phòng thí nghiệm.  Scopolamine có thể xóa trí nhớ và làm mất ý thức tạm thời, gây ra tình trạng hoang tưởng ảo giác rất mạnh. Đặc biệt là chỉ từ 2 đến 3 phút sau khi hít vào, scopolamine ngăn chặn không để ký ức hình thành, vì vậy những sự kiện xảy ra trong giai đoạn thuốc ảnh hưởng tới não bộ sẽ không được ghi lại. 

Một tài liệu của FDA cho thấy, nếu hít từ 1mg scopolamine trở lên, thông qua các mao mạch trong niêm mạc mũi, nó sẽ đi thẳng lên não rồi chỉ từ 2 đến 3 phút, nạn nhân sẽ mất kiểm soát tri giác tạm thời. Bác sĩ Camilo Uribe, chuyên gia hàng đầu về ma túy của FDA (Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ), nói: “Khi nạn nhân bị “thôi miên” vì những loại thuốc hướng thần khác, họ vẫn có thể nhớ lại những gì đã xảy ra. Thế nhưng với scopolamine, họ không nhớ gì hết vì các ký ức không được ghi lại trong não”. Đó cũng là lý do tại sao những năm gần đây, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra cảnh báo đối với du khách, cẩn thận với “những tên tội phạm sử dụng thuốc scopolamine nhằm vô hiệu hóa tạm thời khách du lịch”. Bộ Ngoại giao và Thương mại Quốc tế Canada cũng khuyên du khách đến các vùng nông thôn ở Colombia nên tránh vào quán bar một mình, cẩn thận với nước uống và đồ ăn nơi đây. Ngay cả trên website của Bộ Ngoại giao Colombia cũng nhắc nhở khách du lịch cảnh giác với chất scopolamine khi chúng được hòa với sữa, nước, thuốc lá hay hít qua đường hô hấp... Hiện nay, dưới dạng dược phẩm, scopolamine đã có mặt ở Việt Nam trong các loại thuốc chống say tàu xe, chống nôn… với hàm lượng rất thấp.

Như vậy, ở các trường hợp bị bọn tội phạm khống chế về thần kinh để cướp tài sản không loại trừ khả năng chúng làm mọi cách cho nạn nhân ngửi ma túy scopolamine. Hành động vung tay, múa chân, búng ngón tay hoặc mời ngửi thử mùi hương mỹ phẩm của bọn tội phạm có thể chỉ nhằm mục đích để nạn nhân hít chất scopolamine, chứ chẳng phải “thôi miên” hay “bùa ngải” gì cả... 

Đã bắt được những thủ phạm đầu tiên

Sáng 13/12, tại chợ Xuân La (Hà Nội) có 2 người phụ nữ bịt khẩu trang kín mít, đội mũ bảo hiểm lượn quanh các dãy hàng. Họ ghé vào nhiều hàng quán hỏi nhiều thứ nhưng không mua gì. Cuối cùng họ dừng lại tại một quán bán đồ quần áo, chỉ bằng một vài câu hỏi bâng quơ, 2 người phụ nữ liền huơ tay trước mặt cô bán hàng. Lập tức cô bán hàng nghe theo sự dẫn dụ của 2 người phụ nữ kia. Nhờ sự giúp đỡ của nhân dân, ngày 18-12 Công an quận Tây Hồ đã bắt được 2 đối tượng này. Thông tin ban đầu, hai nghi phạm là chị em ruột tới từ Thái Nguyên, chúng đã gây ra nhiều vụ cướp đoạt tài sản bằng phương pháp “thôi miên”.

Hiện có rất nhiều người là nạn nhân của những vụ phạm tội với thủ đoạn tương tự. Hy vọng từ những thủ phạm này chúng ta sẽ tìm được sự thật về thủ đoạn “thôi miên” chiếm đoạt tài sản./.