Một trong những thay đổi quan trọng trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đó là bỏ loại tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 của Bộ luật Hình sự cũ.
Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng không nên bỏ tội danh này vì trong khi chưa thể cụ thể hóa được tất cả các vi phạm trong quản lý kinh tế, nếu bỏ tội danh này có những trường hợp phạm tội sẽ không thể xử lý được và như vậy sẽ bỏ lọt tội phạm.
Luồng ý kiến thứ hai cho rằng tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là một tội danh chung chung, có phạm vi rộng nhưng lại không cụ thể, không rõ ràng, giống như “cái túi” để xử lý bất cứ vi phạm nào. Điều này không đảm bảo tính minh bạch, dễ bị lạm dụng. Hơn nữa, Bộ luật Hình sự đã quy định cụ thể nhiều hành vi phạm tội trong từng lĩnh vực kinh tế như các tội phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại; các tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; các tội phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, rừng, khai thác tài nguyên, khoáng sản, sở hữu trí tuệ, phân phối tiền, hàng cứu trợ… Do vậy nên bỏ tội danh này nhằm bảo đảm tính minh bạch, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp 2013.
Có ý kiến cho rằng việc bỏ tội danh này giống như một sự “nuông chiều” doanh nghiệp, có thể mở đường cho sự sáng tạo của doanh nghiệp nhưng cũng có thể gây ra nhiều rủi ro cho cộng đồng còn lại.
Ủng hộ luồng ý kiến thứ nhất, ông Lê Đăng Doanh, giảng viên trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, thực tế hiện nay, những hành vi vi phạm chưa được quy định cụ thể trong các luật chuyên ngành thì được xử lý theo Điều 165. Ngoài điểm hạn chế của quy định tội danh này là không rõ ràng khiến nó bị áp dụng tùy tiện, thì việc vẫn giữ quy định tội danh này trong luật sẽ là cơ sở để các cơ quan tố tụng có thể tiến hành truy tố, xử lý đối với những trường hợp vi phạm nhưng không chứng minh được mục đích vụ lợi.
Ông Lê Đăng Doanh cho rằng, thực tế hiện nay có rất nhiều vụ việc chúng ta không thể chứng minh được mục đích chiếm đoạt tài sản, vụ lợi, như vậy nếu xóa bỏ loại tội danh này trong khi còn nhiều lĩnh vực chưa thể cụ thể hóa được, ngoại trừ các lĩnh vực như đất đai, chứng khoán, ngân hàng… là chưa phù hợp.
Cũng ủng hộ luồng ý kiến thứ nhất, Luật sư Trần Xuân Sơn (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng việc bỏ hay không có 2 mặt. Thực tế, có nhiều việc không được làm nhưng người ta vẫn cứ làm, vì thế không thể viện lý do “hạn chế sáng tạo” mà bỏ loại tội danh này. Theo Luật sư Trần Xuân Sơn, nên duy trì quy định tội danh này nhưng xem xét mức độ hành vi để truy cứu trách nhiệm và có mức phạt hợp lý.
Ông Lê Hồng Nhu (Hiệp hội giống cây trồng) đề nghị cân nhắc xem phương án nào có lợi hơn. “Nếu bỏ loại tội danh này, trong một số lĩnh vực có lợi, nhưng thực tế sẽ bỏ lọt rất nhiều tội”, ông Nhu nhấn mạnh.
Ủng hộ luồng ý kiến thứ hai, Luật sư Hoàng Văn Hướng (Văn phòng luật sư Hoàng Hưng) cho rằng nếu như không xác định được cụ thể tội danh mà dồn vào tội này (Điều 165-PV) là không được.
Ông Trương Thanh Đức, đại diện Công ty Luật Basico cũng ủng hộ bỏ tội danh này đồng thời đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ “tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285, Luật cũ; Điều 360 Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi) bởi tội danh này cũng rất chung chung, phạm vi rộng, có thể sử dụng để xử lý bất cứ vi phạm nào nên dễ bị lạm dụng./.